Thứ năm, 02/05/2024, 22:23 [GMT+7]

“Học nhiều cũng chẳng để làm gì!”

Thứ sáu, 13/04/2012 - 15:36'
(BLC)_ Đó là quan niệm của một số người dân ở xã Pu Sam Cáp (huyện Sìn Hồ) - sợi dây vô hình ghìm chặt ước mơ học chữ của trẻ em nơi đây.

“Ở nhà lên nương”

Có lẽ ở huyện Sìn Hồ, Pu Sam Cáp là một trong những xã có tỷ lệ học sinh đến trường thấp nhất huyện. Được biết vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần các thầy, cô giáo của 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) lại hành trình đến các bản để vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Khi đến nhà thì không ít người nói như quát: “Nó đi làm nương rồi, không đi học đâu. Học chỉ mất thời gian thôi!. Các thầy, cô đừng đến nữa”. “Con tôi còn bé lắm không đi học được, cho nó theo lên nương thôi”.

Tiết ngữ văn lớp 6 của cô giáo Đỗ Thị Vân chỉ có 4 học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pu Sam Cáp kể: “Nhiều hôm chúng tôi phải đón đường lên nương của bà con để làm công tác dân vận. Có em thấy bóng dáng thầy, cô giáo là trốn nên việc vận động học sinh ra lớp gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng chính vì thế ở đây cứ vào ngày thứ 5, thứ 6  là Trường Tiểu học và THCS của xã rất vắng vẻ, chỉ vài học sinh đi học. Tiết ngữ văn tại lớp 6 của cô giáo Đỗ Thị Vân vẻn vẹn có 4 trên tổng số 27 học sinh. Theo lời cô Vân, ngày đầu tuần thì còn duy trì được sĩ số, sau đó giảm dần đến cuối tuần”.

Vận động học sinh bậc tiểu học, THCS đã khó, đối với bậc mầm non càng khó hơn. Theo lý người Mông ở đây: Còn bé thì làm gì đã biết học, lại phải mất thời gian đưa con đến lớp, ở nhà đi nương với bố mẹ. Thầy giáo Hoàng Văn Vấn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pu Sam Cáp cho biết: “Năm học  nào nhà trường cũng đi tuyên truyền, vận động nhưng kết quả vẫn không khả quan”. Điển hình như gia đình anh Chang A Sái, ở bản Nậm Béo, mặc dù thầy, cô giáo nhiều lần đến vận động, nhưng anh Sái vẫn cương quyết không cho con là Chang Thị Bầu (4 tuổi) đến lớp, Bầu phải ở nhà trông em và làm việc nhà.

Đông con, đói nghèo rồi thất học

Anh Hầu A Dia - quyền Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp cho biết: “Nhận thức của người dân ở đây còn quá lạc hậu, đặc biệt là suy nghĩ phải sinh nhiều con để có lao động làm nương, rẫy. Do vậy ở xã, trung bình mỗi gia đình có 5 con. Hệ quả của việc sinh nhiều là đói nghèo và cũng vì thế nhiều trẻ em không được đến trường, số học sinh học hết THCS chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

Để chứng minh, anh Dia dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Lù Thị Dở ở bản Tìa Tê. Mới 27 tuổi chị Dở đã có 5 đứa con. Nhà đông con, ruộng nương ít, thiếu lương thực nên trong bữa ăn chủ yếu là cơm độn sắn, ngô còn thức ăn là rau rừng, cái ăn không đủ nên chị Dở không còn tâm trí để lo cho con đến trường. Huyện Sìn Hồ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục của xã, nhưng “cuộc chiến” kéo học sinh đến lớp của giáo viên nơi đây hết sức gian nan bởi khi chưa cao bằng cây lúa trên nương các em đã phải theo bố mẹ vào rừng kiếm cái ăn hàng ngày.

… và nạn tảo hôn

Ở Pu Sam Cáp người ta dễ dàng nhìn thấy những ông bố, bà mẹ mặt “còn búng ra sữa” địu con lên nương. Theo thống kê của xã Pu Sam Cáp thì mỗi năm học, xã có khoảng gần chục trường hợp học sinh bỏ học để lập gia đình. Điển hình là các em: Cha Thị Sua ở bản Tìa Tê (học sinh lớp 7), bỏ học từ cuối năm 2011 nhưng đầu năm nay đã lấy chồng; Chang A Dìa, ở bản Nậm Béo cũng vừa lấy vợ khi mới 12. Chúng tôi đến nhà cũng là lúc Dìa đi làm nương về. Khi được hỏi: Tại sao không đi học mà lại lấy vợ sớm vậy? Dìa ngây thơ trả lời: “Mẹ em nói phải lấy vợ để có người làm nương, học nhiều không no được cái bụng”. Nghe câu trả lời của Dìa, chúng tôi cũng phần nào hiểu vì sao ở Pu Sam Cáp tỷ lệ học sinh đến trường cả 3 cấp lại chỉ đạt khoảng 50% - 60%.

Rời Pu Sam Cáp, dọc đường đi gặp những em bé thân hình nhỏ thó, đen đúa theo bố mẹ lên nương, lên rẫy, chúng tôi tự hỏi, liệu đến bao giờ người dân nơi đây mới hiểu rằng phải cho con cái đi học, tiếp cận với trí thức khoa học thì mới mong thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo bám.

 

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...