Thứ bảy, 04/05/2024, 21:43 [GMT+7]

Khó khăn trước kỳ thi tốt nghiệp

Thứ ba, 14/05/2013 - 14:11'
(BLC) - Hệ thống cơ sở vật chất phụ thuộc hoàn toàn vào Trường THPT Tân Uyên; tỷ lệ thí sinh học kém, thiếu kiến thức, chuyên cần thấp… đó là những khó khăn cơ bản, quyết định tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) huyện Tân Uyên năm nay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trung tâm GDTX huyện Tân Uyên có 152 thí sinh (tăng 12 thí sinh so với năm trước), trong đó có 43 thí sinh thuộc đội ngũ cán bộ đang đào tạo hoàn thiện bằng cấp, 41 thí sinh tự do và 68 thí sinh hệ tập trung. Theo kết quả kỳ thi năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trung tâm là 78,5% (đứng vị trí 5/7 so với toàn tỉnh). Năm nay, Trung tâm đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp lên 80% song đứng trước những khó khăn hiện nay thì việc thực hiện mục tiêu đề ra không hề đơn giản.

Khó khăn mà Ban Giám đốc Trung tâm trăn trở nhất hiện nay đó là việc trang bị đủ kiến thức được cho các đối tượng học viên thuộc đội ngũ lãnh đạo xã bởi theo cô Hà Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm thì các vị trí lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các xã không thể vắng mặt trong một thời gian dài hoặc khi có đoàn công tác của tỉnh, huyện đến làm việc thì đây là thành phần không thể thiếu để tiếp đón đoàn. Do vậy mà kế hoạch ôn thi cho các học viên này luôn bị “dang dở”, ôn được tiết này lại bỏ tiết kia.

Giờ ôn thi môn Vật Lý của các em học sinh hệ tập trung.

Chẳng hạn đồng chí Chủ tịch UBND xã khi đang có tên trong danh sách các học viên ôn thi đợt này, nhưng mới đây, khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về tiếp xúc cử tri tại xã thì việc vắng mặt chức danh người đứng đầu chính quyền để kiến nghị với cấp trên những vấn đề sát sườn và đề đạt nguyện vọng của quần chúng nhân dân... là điều không thể.

Bên cạnh đó, ngày thi tốt nghiệp đã đến gần (28/5), Trung tâm đã lên kế hoạch ôn thi từ khoảng giữa tháng 3 nhưng mãi đến 6/5 nhiều thí sinh tự do mới đem hồ sơ đến nộp đăng ký ôn thi. Thời gian ôn luyện ngắn như vậy rất khó để trang bị, ôn luyện, hệ thống lại kiến thức đặc biệt với các thí sinh tự do vốn đã nghỉ học trước đó một thời gian dài.  

Cũng theo cô Hoài, cho đến thời điểm này, nếu căn cứ nghiêm túc theo quy định về điều kiện dự thi tốt nghiệp thì có lẽ không ai đủ điều kiện dự thi (trừ thí sinh hệ tập trung).

Còn một khó khăn rất lớn ở phía trước, không chỉ diễn ra trong năm học này mà từ khi chia tách huyện đến nay, đó là việc Trung tâm chưa được bố trí cơ sở vật chất để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bao nhiêu năm huyện được chia tách, thì bấy nhiêu năm Trung tâm GDTX của huyện phải dùng chung hệ thống cơ sở vật chất với Trường THPT huyện Tân Uyên. Đây là 2 đơn vị đào tạo bậc THPT nhưng chỉ có 1 hệ thống cơ sở vật chất. Tỉnh, huyện khi giao cơ sở vật chất cho trường cũng không có văn bản nào chỉ đạo, chỉ giao quyết định “bằng miệng” rằng giao cho 2 đơn vị dùng chung cơ sở vật chất, thay phiên nhau quản lý.

“Vậy 2 trường phân công lịch học như thế nào” – tôi hỏi. Cô Hoài cho biết: “Trung tâm không được chủ động trong bất cứ việc gì. Ngày nào, tuần nào, tháng nào bên này (Trung tâm) cũng phải hỏi bên kia (Trường THPT Tân Uyên) xem có phòng nào trống để bố trí lớp học. Do vậy, chúng tôi không thể chủ động xây dựng được kế hoạch ôn tập chi tiết. Ngay như kỳ thi hết học kỳ II của Trường THPT Tân Uyên vừa qua, Trung tâm đã phải bố trí học viên nghỉ gần 1 tuần vì không còn phòng học nào trống. Có nhiều đợt, Ban Giám đốc Trung tâm phải sang đặt vấn đề với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học cho mượn phòng để bố trí cho học viên thuộc đối tượng cán bộ ôn thi. Nhưng hệ thống bàn ghế được thiết kế cho các cháu học sinh tiểu học, giờ được sử dụng cho các ông, bác, chú thì có vẻ “quá khổ”. Cuối cùng, việc học vẫn cứ phải học, việc ngồi vẫn cứ phải ngồi (?!).

Có những tình huống khó xử vẫn diễn ra thường xuyên đó là khi cơ sở vật chất, đường điện, nước hỏng thì khó xác định lỗi do ai bởi tình trạng “cha chung không ai khóc” này. Theo dự kiến, mùa thi năm sau, tính riêng số học viên hệ tập trung có khoảng 140 em, chưa kể thí sinh thuộc đối tượng lãnh đạo và thí sinh tự do, thì việc bố trí cơ sở vật chất lại càng nặng nề hơn.

Vừa qua, đã có nhiều ý kiến đề xuất việc sáp nhập giữa hệ thống Trường dạy nghề với Trung tâm GDTX, theo quan điểm của cô Hà Thị Thu Hoài thì đây là chủ trương đúng bởi khi học viên vừa học văn hóa, vừa học nghề thì được hỗ trợ kinh phí, còn nếu chỉ học văn hóa thì không có chế độ gì. Từ chính sách hỗ trợ, cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.

Giải pháp trước mắt, Trung tâm GDTX huyện Tân Uyên tham mưu với huyện mượn lại trụ sở khu Huyện uỷ, HĐND – UBND và các phòng, ban, đoàn thể sau khi chuyển ra trụ sở mới. Về cơ bản, huỵên cũng đã đồng ý song việc thay đổi trụ sở làm việc đi kèm với bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập cũng rất cần sự quan tâm của ngành GD – ĐT tỉnh và của huyện.

“Về giải pháp lâu dài, Trung tâm cũng mong tỉnh, huyện có phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ổn định; có chính sách hỗ trợ cho học viên học tại Trung tâm bởi điều này liên quan mật thiết đến việc hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm” – cô Hoài nói.

Xem kết quả thi học kỳ II do Sở GD – ĐT ra đề là kết quả đợt thi thử tốt nghiệp THPT sắp tới, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trung tâm đạt 50%. Ngoài ra, để “gỡ điểm” cho học viên, Trung tâm tiến hành dạy 105 tiết học nghề, kết quả, 100% học viên đạt điểm khá, giỏi với mức điểm cộng thêm trung bình 1,5 – 2 điểm.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...