Chủ nhật, 05/05/2024, 18:53 [GMT+7]

Khơi dậy đam mê đọc sách

Thứ ba, 22/04/2014 - 09:13'
(BLC) - Những năm qua, hệ thống thư viện ở các trường học trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả. Không chỉ mang đến cho các em học sinh nguồn trí thức phong phú, khơi dậy đam mê đọc sách của các em mà còn góp phần xây dựng phong trào "Ngôi trường thân thiện, học sinh tích cực", nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. 

Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Đoàn Kết, thành phố Lai Châu khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vừa điểm. Sau lời giới thiệu, cô Phạm Thị Lý – Phó Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi thăm quan phòng thư viện. Ấn tượng đầu tiên là từng tủ sách, góc văn hóa, góc mỹ thuật, phòng tranh và khu trưng bày các sản phẩm do các em học sinh làm ra như: tranh vẽ, báo tường… được bố trí ngăn nắp, gọn gàng. Đang là giờ ra chơi nên rất nhiều em say sưa đọc sách và tra cứu tài liệu.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) đọc sách trong giờ giải lao.

Em Nguyễn Phương Anh – học sinh lớp 8A1 chia sẻ: “Giờ ra chơi nào em cũng cùng với các bạn đến thư viện để đọc truyện. Ở đây em được lựa chọn những cuốn sách, truyện mình ưa thích như: sách viết về Bác Hồ, truyện cổ tích… Các kiến thức trong sách báo giúp em hiểu biết thêm về đời sống, xã hội, lịch sử quê hương, đất nước, giúp em học tốt hơn.”

Thư viện có đầy đủ tư liệu, trang thiết bị của một thư viện hiện đại với 500 đầu sách tham khảo cho giáo viên, 450 đầu sách cho học sinh, 200 cuốn sách giáo khoa, được chia thành nhiều tủ sách khác nhau để các độc giả lựa chọn: tủ sách Bác Hồ, văn học, khoa học, pháp luật, truyện tranh, báo chí.

Để bổ sung sách, truyện cho thư viện, hàng năm nhà trường phát động phong trào “Góp một quyển sách, đọc nhiều quyển sách”trong học sinh toàn trường. Mỗi học sinh, thầy cô giáo đóng góp tối thiểu 1 quyển sách, truyện cho thư viện nhằm tạo sự phong phú đa dạng cho những kệ sách.

Niềm vui lại đến với em học sinh vì đầu năm học 2013 – 2014, Chi nhánh Viettel Lai Châu tặng nhà trường 20 “Tủ sách lớp em” với hơn 1.000 cuốn sách. Ngoài ra, để thu hút các em học sinh đọc sách hàng tuần, khi có buổi sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ các giáo viên lại lồng ghép kể những câu chuyện về tấm gương đọc sách của Bác và của nhiều vĩ nhân khác trên thế giới để học sinh noi theo. Đồng thời nhà trường cũng lựa chọn, định hướng để các em tiếp xúc với các loại sách báo lành mạnh, bổ ích.

Cô Nguyễn Phương Anh – Cán bộ thư viện Trường THCS Đoàn Kết, thành phố Lai Châu hướng dẫn các em làm thủ tục mượn sách nghiên cứu.

Để tìm hiểu các kiến thức phục vụ cho việc học tập của các em, thời gian tới nhà trường sẽ mua sắm các trang thiết bị như: máy tính, ghế ngồi, sách tham khảo, sách nâng cao, tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi… nhằmtạo ra không gian đọc, học tập thoải mái cho đông đảo học sinh.

Tại trườngTiểu học Thị trấn Than Uyên, một trong những hoạt động được học sinh đặc biệt ưa thích là tham gia câu lạc bộ thư viện di động. Ở đó các em được đọc các loại sách, báo, truyện dành cho thiếu nhi. Được biết, trước đây, học sinh của nhà trường ít đến thư viện để đọc sách vì phòng đọc của thư viện quá chật hẹp, các đầu sách không phong phú. Để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc với sách, nhà trường làm giá sách ngay trên sân trường. Hàng ngày, cán bộ thư viện đi trước giờ, mang sách trong thư viện ra để vào giá sách. Học sinh thích đọc thì đến tự chọn sách mà không phải ký vào sổ mượn sách. Đọc xong, các em mang để vào chỗ cũ. Nếu em nào có nhu cầu mượn sách về nhà nghiên cứu, tìm hiểu đều được các cô trong thư viện hướng dẫn cách làm để được mượn sách. Từ ngày làm thư viện di động, số lượng học sinh đọc sách tăng gấp nhiều lần so với trước.

Những năm qua, với việc thành lập được 2 thư viện thân thiện Trường THCS thị trấn Tân Uyên đã thu hút được nhiều học sinh đến đọc. Đây là thư viện lưu động đầu tiên trong nhà trường ở tỉnh ta và tất cả sách, báo truyện tranh đều do chính các em học sinh tự đóng góp. Cùng với đó, hệ thống thư viện chính cũng luôn mở cửa chào đón các em tìm đọc các loại sách báo, tra cứu thông tin kiến thức trên máy tính hoặc tham quan những trang phục, nhạc cụ của các dân tộc, các mô hình thủ công do chính các em sáng tạo nên.

Tuy nhiên hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh một dạng sách mới đã ra đời, đó là sách điện tử được phát hành và chuyển tải qua các phương tiện hiện đại như: đĩa CD, mạng Internet đã làm giảm thói quen đọc sách của nhiều người nhất là các em học sinh. Vì vậy, để việc đọc sách trở thành niềm đam mê, thói quen của các bạn trẻ đòi hỏi các trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc đọc sách. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Chính phủ đã chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.

 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...