Thứ bảy, 20/04/2024, 17:33 [GMT+7]

Lai Châu nỗ lực dạy học môn tiếng Anh cho học sinh

Thứ sáu, 21/04/2023 - 22:19'
(BLC) - Để học sinh được tiếp cận và học môn tiếng Anh, hiện nay các trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Để khắc phục những khó khăn trên, ngành Giáo dục toàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để việc dạy và học môn tiếng Anh từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương pháp, mang tới niềm yêu thích, say mê cho các em học sinh.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình như sau: lớp 1 từ năm học 2020-2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023; lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024; lớp 5, lớp 9 và lớp 12 từ năm học 2024-2025. So với chương trình giáo dục 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng đến việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Môn tiếng Anh và Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai từ năm học 2022 - 2023. Nhưng đến thời điểm này, nhiều trường trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy môn tiếng Anh.

Thực hiện dạy môn tiếng Anh, nhiều đơn vị trường học còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Thực hiện dạy môn tiếng Anh, nhiều đơn vị trường học còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Năm học 2022-2023, nhiều trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên đều thiếu phòng học, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc học môn tiếng Anh như: đài, băng, đĩa CD, máy chiếu đa năng, tivi. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh còn thiếu; một bộ phận giáo viên năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy còn hạn chế… Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh cho học sinh, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Uyên tổ chức rà soát quy mô lớp, học sinh và tham mưu cho UBND huyện Tân Uyên bố trí đủ định mức giáo viên dạy học tiếng Anh trong các nhà trường đảm bảo dạy tiếng Anh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 bắt buộc.

Ưu tiên nguồn kinh phí trang bị thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc học môn tiếng Anh trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên chỉ đạo các trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng đủ các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi trên internet, tham gia ngày hội giao lưu tiếng Anh và các tiết học kết nối liên thông bậc học trong huyện và tỉnh. 

Với cách làm này, hiện các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tân Uyên đã tổ chức dạy học môn tiếng Anh bắt buộc đối với khối lớp 3 năm học 2022 – 2023 với số tiết là 4 tiết/tuần. Bên cạnh đó, các trường đều duy trì tổ chức dạy học tự chọn môn tiếng Anh đối với khối lớp 1 và lớp 2 là 2 tiết/tuần. Duy trì tổ chức dạy học môn tiếng Anh lớp 4, lớp 5: 4 tiết/tuần.

Năm học này, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên có 37 lớp, 934 học sinh, trong đó có 7 lớp 3 với 184 học sinh được học môn tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù hiện nay nhà trường vẫn chưa được cấp bộ thiết bị dạy học môn tiếng Anh, tuy nhiên nhà trường đang nỗ lực khắc phục khó khăn triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

Trong đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy môn tiếng Anh tăng cường bổ sung từ vựng cho học sinh bằng bộ tranh tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục ban hành. Ngoài ra, giáo viên sử dụng đĩa DVD và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và vận dụng các hình thức dạy học phong phú qua hát, chơi trò chơi để tăng cường vốn từ vựng tiếng Anh cho học sinh.

Khuyến khích học sinh tham gia câu lạc bộ, sân chơi, giao lưu môn tiếng Anh trên mạng. Với những giải pháp mà Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên đang thực hiện đến nay học sinh khối lớp 3 của nhà trường cơ bản đã hình thành được 4 kỹ năng theo yêu cầu đó là nghe- nói-đọc- viết. Học sinh hứng thú và say mê mỗi khi có tiết học môn tiếng Anh.

Mặc dù việc triển khai thực hiện dạy học môn tiếng Anh vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn hạn chế; đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh còn thiếu. Song, để nỗ lực dạy học môn tiếng Anh cho học sinh trong năm học 2022-2023, ngay từ năm học 2018-2019, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác truyền thông về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, chỉ đạo các nhà trường rà soát nhu cầu, đề xuất, tham mưu các nội dung ưu tiên đầu tư, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đặc biệt quan tâm đến phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối internet.

Đặc biệt, linh hoạt thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Trong đó, ngành Giáo dục tiếp tục sắp xếp, dồn các điểm trường lẻ, đưa học sinh từ lớp 3 về học tại điểm trường trung tâm; chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện sáp nhập các trường có quy mô nhỏ giai đoạn 2020-2025 nhằm giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số lớp học/trường.

Giáo viên Trường Tiểu học số 2, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên hướng dẫn học sinh học môn tiếng Anh.

Giáo viên Trường Tiểu học số 2, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên hướng dẫn học sinh học môn tiếng Anh.

Trao đổi với phóng viên về các giải pháp triển khai hiệu quả thực hiện dạy học môn tiếng Anh, bà Nghiêm Thị Kim Huê - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh ngoài biện pháp sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để giảm số lớp học, trường, Sở chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại giáo viên một cách công bằng, khách quan. Giáo viên yếu, kém, không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện tinh giản biên chế do dôi dư cục bộ, từ đó có cơ sở để tuyển dụng bổ sung giáo viên cho các môn học còn thiếu.

Trường hợp giáo viên có đủ trình độ, năng lực, khả năng đáp ứng giảng dạy được các môn học tiếng Anh và có nguyện vọng thì chỉ đạo các trường chủ động cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngay từ năm học 2018-2019 để bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn bố trí, sắp xếp giảng dạy. Hiện nay, cấp tiểu học của huyện Than Uyên đã có 26 giáo viên văn hóa được bồi dưỡng đủ điều kiện tiêu chuẩn tham gia giảng dạy được môn tiếng Anh lớp 3. Thực hiện hợp đồng giáo viên hoặc nơi có điều kiện có thể kí kết hợp đồng với các trung tâm Tin học, Ngoại ngữ theo nhu cầu thực tế của các đơn vị sau khi đã thực hiện việc điều động, biệt phái giáo viên giữa các cơ sở giáo dục. 

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng có thể thấy, việc tổ chức dạy và học tiếng Anh trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...