Thứ bảy, 27/04/2024, 23:12 [GMT+7]

Nhọc nhằn “gieo chữ”

Thứ hai, 04/05/2015 - 17:44'
(BLC) - Dù xa xôi, cách trở vẫn có những lớp học được dựng lên. Bà con người Mông ở xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ đã động viên con em mình vượt qua khó khăn, học lấy cái chữ.

Vượt khó “gieo chữ”

Điểm trường Thào Giàng Phô nằm trên núi cao. Người dân nơi đây thường bảo Thào Giàng Phô là bản “4 không”: không điện, không đường ôtô, không có sóng điện thoại và không chợ. Sau cả ngày vượt qua bao núi, bao khe, chúng tôi mới đến được Thào Giàng Phô. Lớp học của các em học sinh người Mông nơi đây nằm chênh vênh bên triền núi. Căn nhà gỗ 2 gian hiện lên giữa bốn bề mây núi, 1 gian làm lớp học, 1 gian làm chỗ ở cho cô giáo.

Cô giáo Phùng Thị Huế đang say sưa giảng bài. 7 em chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài. Tiếng đánh vần đồng thanh của các em như xua tan vẻ tĩnh mịch của rừng già. Hết giờ tập đọc, cô Huế lại tận tình hướng dẫn từng em viết từng nét chữ. Tình cảm chân thành của cô giáo là động lực để các em học sinh nơi đây có động lực đến lớp. Trước ngày đến lớp, cô Huế cũng đã kịp “xóa mù” tiếng dân tộc Mông. Những ngày đầu, cô giáo dùng tiếng của bà con để giảng bài cho các em rồi mới dạy các em bằng tiếng phổ thông. Theo cô Huế, các em chịu khó đến lớp, không em nào bỏ học.

Học sinh Trường Tiểu học Tủa Sín Chải thể dục giữa giờ.

Sống ở bản Thào Giàng Phô là phải vượt qua vô vàn gian khó. Đặc biệt là những ngày đầu tháng tư này, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng từ nhiều năm qua, các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám bản, bám lớp mang cái chữ đến với bà con vùng cao. Cô Huế tâm sự rất thật rằng, tôi cũng như nhiều giáo viên khác luân phiên nhau đến các bản khó khăn của Tủa Sín Chải “gieo chữ”. Nhìn con em của đồng bào biết đọc, biết viết và tiếp tục học cao hơn nữa là động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.

Như lời cô giáo Huế nói, đến giờ Tủa Sín Chải vẫn còn 10 bản chưa có đường ôtô. Nhiều điểm bản khác như: Tìa Chí Lư, Sàng Sủa Hồ… nằm cách xa trung tâm cả ngày đường đi bộ, nhưng vẫn có lớp “cắm” bản. Tại bản Tìa Chí Lư – bản xa xôi nhất của xã Tủa Sín Chải cũng có 3 “chàng ngự lâm” người dân tộc Dao vượt gian khó mang cái chữ đến với các em học sinh. Ngoài việc dạy chữ cho các em, các thầy giáo còn giúp đỡ gia đình các em dựng nhà, hướng dẫn cách trồng rau, nuôi lợn. Chính sự gắn bó và biết chia sẻ của các thầy giáo đã giúp các em học sinh nơi đây biết vượt qua gian khó.

Những tín hiệu vui

Thầy Vì Văn Ềnh - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tủa Sín Chải đã nhiều năm gắn bó với vùng đất này cho biết: “Ở các điểm xa xôi nhất, các thầy cô giáo sẵn sàng xung phong đến dạy. Các thầy giáo đến đâu là được bà con tin yêu và tạo điều kiện giúp các thầy dạy học cho tốt”. Cũng theo thầy Ềnh, đến nay Tủa Sín Chải có 12 điểm trường, trong đó có 11 điểm bản và 1 điểm chính ở trung tâm xã. Nói về sự học của học sinh người Mông nơi đây, thầy Ềnh không giấu được niềm tự hào: “Không một em nào bỏ học giữa chừng. Vui hơn cả là các bậc phụ huynh luôn động viên con em mình ra lớp. Năm học 2014 - 2015, nhà trường đã huy động học sinh lớp 2, 3, 4, 5 về trung tâm học bán trú. Tại điểm trường trung tâm có 106 em được học bán trú. Ngoài việc dạy dỗ các em trên lớp, thầy cô giáo luôn chăm chút từng bữa ăn cho các em”.

Đến Tủa Sín Chải mới cảm nhận hết được sự hiếu học của các dòng họ người Mông nơi đây. Đặc biệt là dòng họ Lý, Sùng, Giàng… luôn đi đầu trong việc khuyến học. Ông Sùng Chờ Mua, trưởng dòng họ Sùng ở Tủa Sín Chải cũng có 8 người con đều được học đến nơi, đến chốn. Trong đó có 3 người con của ông đang làm cán bộ xã, huyện. Sống ở vùng khó khăn, nhưng ông Mua luôn động viên các con phải biết học lấy cái chữ.

Trong mỗi buổi sinh hoạt gia đình, ông Mua thường nói với con cái rằng: Đời cha đã không được học hành, đó là một sự thiệt thòi. Giờ đây các con có điều kiện đi học thì phải học cho tốt. Muốn xóa đói, giảm nghèo, đuổi cái lạc hậu ra khỏi bản, các con phải đến trường, đến lớp. Lời động viên của người cha đã giúp các con của ông Mua đều trưởng thành và có vị trí trong xã hội. Trong đó, người con trai là Sùng A Di, giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải.

Không chỉ vận động con em mình đi học, các cháu trong dòng họ cứ thế mà noi gương con, cái nhà trưởng họ. Năm nào dòng họ cũng tổng kết, cháu nào học giỏi được khen thưởng, cháu nào học kém được trưởng họ động viên, hoàn cảnh khó khăn thì được trưởng họ giúp đỡ. “Toàn bộ con em dòng họ Sùng đến tuổi đi học đã được đến lớp. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn vận động các cháu học hành cho tốt. Làm người nông dân hay thầy giáo, bác sỹ cũng đều phải học. Học lấy cái chữ mới là giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất” - ông Sùng Chờ Mua tâm sự.

K. Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...