Thứ hai, 29/04/2024, 04:43 [GMT+7]

Sau tết: học sinh vui đến trường

Chủ nhật, 05/02/2012 - 17:34'
(BLC) - Sau tết, trong nhiều biện pháp nhằm “kéo” học sinh đến trường mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang áp dụng có cả phương án vui chơi cho học sinh. Thực tế thực hiện cho thấy học sinh đã thích đến trường hơn. 

Vui như đi học đầu xuân

Sương mù đặc quánh như có thể vơ lấy, vo lại được, mưa xuân lất phất bay, cái rét đầu xuân tuy có “ngọt” nhưng vẫn là tê tái đủ khiến người ta có lý do để không ra khỏi nhà, rời xa bếp lửa. Ấy vậy mà trên những con đường từ các bản ra trung tâm xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) tôi vẫn thấy từng tốp học sinh ríu rít đến trường. Đây thật sự là hình ảnh mà các thầy, cô giáo ở đây mong đợi, bởi những năm trước đây, sau tết thường là thời điểm rất vất vả của các giáo viên trong việc vận động học sinh ra lớp. Những phong tục lễ, tết, những trò chơi xuân hay những chuyến thăm thân ở xa thường khiến nhiều học sinh không muốn hoặc không kịp trở lại trường sau tết. Tuy nhiên năm nay tình hình đã khác.

Kéo co là phần thi tập thể thu hút được rất nhiều học sinh Trường Tiểu học Nùng Nàng, huyện Tam Đường tham gia tại Hội vui xuân.

Không phải ngày lễ hay ngày kỷ niệm gì nhưng tiếng đàn, hát vẫn vang lên từ Trường Tiểu học Nùng Nàng bởi hôm nay nhà trường tổ chức Hội vui xuân cho học sinh. Có lẽ đây là một hoạt động ngoại khoá mới và lạ với các trường học miền xuôi nhưng ở tỉnh ta đã trở thành hoạt động thường niên của các trường học nhằm hút học sinh đến trường sau dịp nghỉ tết. Không biết sáng kiến này là của ai nhưng đây đã trở thành một biện pháp hay để giải quyết tình trạng học sinh không thích đến trường đi học. Hôm nay ở Trường Tiểu học Nùng Nàng các thầy, cô giáo cũng đang “kéo” học kinh đến lớp bằng một chương trình vui xuân đặc biệt.

Không phải là các “cây” văn nghệ nhưng các thầy, cô giáo vẫn lên sân khấu biểu diễn với phong thái của những nghệ sỹ chuyên nghiệp, người biết đàn thì đàn, người giỏi múa thì múa. Trong sương giá vẫn có những giọt mồ hôi của các thầy, cô giáo khi biểu diễn, dưới mưa xuân đầy ắp tiếng cười của học sinh… Những tiết mục văn nghệ được biểu diễn bằng cái tâm, cái tình của các thầy, cô giáo đã như “hâm” nóng không khí hội xuân.

Lứa tuổi học sinh tiểu học là tuổi ăn, tuổi chơi vậy nên dù văn nghệ là không thể thiếu nhưng cũng chỉ chiếm thời lượng vừa phải của buổi hội xuân để dành thời gian cho các trò chơi vốn là điều mong chờ của tất cả học sinh. Hôm nay nhà trường tổ chức cả trò chơi hái hoa dân chủ. Mỗi “bông hoa” là một câu hỏi cả về kiến thức giáo dục lẫn những kiến thức về cách ứng xử trong nhà trường, gia đình… Tuy không thật sự sôi nổi nhưng tôi rất bất ngờ vì học sinh lớp 4, lớp 3, thậm chí là lớp 2 cũng xung phong lên hái hoa, trả lời câu hỏi (điều hiếm thấy bởi thường thì học sinh vùng cao khá rụt rè). Phần thưởng cho người chiến thắng chỉ là những chiếc kẹo, người không trả lời được cũng được động viên bằng kẹo nhưng các em khá sôi nổi.

Những phần vui chơi có thưởng bằng những trò chơi dân gian phổ biến như: bịt mắt đánh trống, tung vòng cổ chai, ném bóng vào chậu hay kéo co đã rất thu hút học sinh. Trong các phần thi, trò chơi còn có cả học sinh bậc trung học ở xã tham gia. Không chỉ các em nam, các em nữ cũng được khuyến khích tham gia. Kẹo là phần thưởng các em yêu thích nhưng tôi biết đó không phải là yếu tố tạo nên không khí của buổi hội vui xuân mà là sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các em học sinh.

Em Thào A Bình - học sinh lớp 3A, người vừa nhận giải trong phần thi bịt mắt đánh trống chia sẻ: “Đến trường không chỉ được chơi với nhiều bạn mà nhà trường lại tổ chức vui chơi có thưởng nữa vui lắm. Em thích đi học hơn ở nhà”.

Đông vui nhất, hồi hộp nhất là trò “xổ số vui” của nhà trường tự tạo. Giá vé là 1.000 đồng, trúng thưởng là 2.000 đồng với tỷ lệ trúng thưởng rất cao nên các em học sinh rất thích tham gia. Các thầy, cô giáo cũng nhiệt tình hưởng ứng có thầy giáo còn mua cả mấy chục vé tặng làm quà mừng tuổi cho học sinh. Phần tiền bán xổ số được đưa vào Quỹ Khuyến học của trường.

Cô giáo Phan Thị Bẩy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nùng Nàng cho biết: “Nhờ việc tổ chức các trò chơi cho học sinh, những năm gần đây tỷ lệ học sinh đến trường sau tết khá cao. Tuy hôm nay vẫn còn một số học sinh theo bố mẹ đi chơi tết xa, còn ham chơi chưa tới trường như so với những năm trước đây thì thế là đáng mừng. Chắc chắn sang năm tỷ lệ này sẽ cao hơn”.

Những chính sách “kéo” học sinh đến trường

Không chỉ riêng các trường học của xã Nùng Nàng mà hầu như tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã tổ chức các hoạt động vui xuân nhằm khuyến khích học sinh trở lại trường. Trao đổi với ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chúng tôi được biết, hiện nay Sở đang triển khai 6 nhóm nhiệm vụ nhằm “kéo” học sinh đến lớp. Đó là những nhiệm vụ về ăn, ở, vui chơi, an ninh, kỹ năng sống và kỹ năng lao động.

Hiện nay đa số các trường đều có quỹ để giúp đỡ những học sinh lỡ bữa, nhà xa phải ở lại trường để học. Của ít lòng nhiều, các em mang cơm, mang gạo còn các thầy, cô giáo góp tiền mua cá khô, vừng, lạc, mì tôm làm thức ăn cho học sinh. Với nhiều em dù bữa ăn đạm bạc nhưng so với ở nhà có thể đã khá hơn rất nhiều. Tôi đã gặp nhiều học sinh khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa, với các em một bữa ăn cá cơm (loại cá khô ngon) đã là một đại tiệc.

Tuy còn khó khăn, nhưng khi đến trường các em đã sinh hoạt hợp vệ sinh hơn. Không nói học sinh bậc mầm non, học sinh lớp lớn hơn cũng đã thay đổi rất nhiều trong cách ăn mặc. Tuy các em còn khó khăn nhưng các thầy, cô giáo đã dạy các em cách mặc hợp vệ sinh. Chia sẻ khó khăn với học sinh, nhiều thầy, cô giáo đã viết thư về các tỉnh miền xuôi xin “tài trợ” quần áo cũ, sách vở, cặp sách. Một số trường còn lập quỹ do giáo viên đóng góp để giúp đỡ học sinh.

Cô giáo Phan Thị Bẩy chia sẻ: Dù các em học sinh được phát sách, vở, bút nhưng hầu hết là không đủ, nhà trường đã vận động giáo viên quyên góp ủng hộ 230 quyển vở viết, gần 1 ngàn cây bút, 51 bộ quần áo. Tết vừa rồi nhà trường trích quỹ 2,4 triệu đồng ủng hộ học sinh nghèo ăn tết…

Những buổi lao động, những lời uốn nắn từ thầy, cô giáo trong cách chào hỏi của học sinh đã góp phần tạo ra cho các em những kỹ năng cần thiết. Đến trường, các em được hướng dẫn cách lao động có kỹ thuật, có kỷ luật và năng suất. Những buổi lao động tuy là vất vả nhưng sẽ giúp các em hiểu được giá trị của lao động và người lao động.

Nhà trường còn là nơi an toàn với các em. Các ngôi trường bán trú đã là mái nhà rất an toàn với học sinh, đặc biệt là học sinh nữ. Tôi đã gặp nhiều trường hợp nữ học sinh ngày lễ, ngày tết vẫn đăng ký ở lại trường vì sợ mẹ cha bắt nghỉ học lấy chồng. Nạn bạo hành gia đình cũng khiến nhiều học sinh bỏ học và trường học là nơi an toàn đối với các em. Ở đây, các em được chia sẻ, được thầy cô, bạn bè bảo vệ…

Với những chính sách, cách làm của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh, khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là một ngày vui đang ngày càng gần với thực tế. Sau dịp tết vừa qua, tỷ lệ học sinh không trở lại trường đã giảm hẳn so với năm trước.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...