Chủ nhật, 05/05/2024, 14:41 [GMT+7]

Tín hiệu vui từ Dự án VNEN

Thứ tư, 21/11/2012 - 16:06'
(BLC) - Dự án mô hình trường học Việt Nam (viết tắt là VNEN) được huyện Tân Uyên triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên và Tiểu học xã Phúc Khoa. Sau  4 tháng thực hiện, Dự án đã cho những kết quả ban đầu khả quan…

“Thực hiện dạy học theo chương trình Dự án VNEN, với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường các hoạt động thảo luận nhóm đã phát huy sự sáng tạo, tính chủ động, tích cực của học sinh trong tiếp thu kiến thức. Qua đó đã tạo sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phát triển tiếng Việt – đặc biệt là cho trẻ em dân tộc” – anh Trần Văn Tăng – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên hào hứng chia sẻ với chúng tôi những kết quả ban đầu khi áp dụng thí điểm Dự án.

Giờ học thí điểm theo Chương trình Dự án VNEN tại trường Tiểu học Phúc Khoa (Tân Uyên).

Dự án được triển khai tại 2 trường Tiểu học: Phúc Khoa và số 2 thị trấn Tân Uyên với hơn 400 học sinh của 2 khối lớp 2, 3 tham gia. Mô hình lớp học được chia theo tổ học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thảo luận. Giáo viên chủ nhiệm căn cứ sở trường, khả năng của học sinh và dựa vào kết quả bầu xét của học sinh trong lớp để thành lập Hội đồng tự quản của lớp với các Ban: Học tập, Đối ngoại, văn nghệ thể thao, thư viện…

Do đặc thù vùng miền, đa số học sinh ở bậc Tiểu học, đặc biệt là học sinh dân tộc thường rất rụt rè trong giao tiếp. Nhưng khi tới thăm điểm trường Tiểu học Pắc Muôn, thuộc Trường Tiểu học số 2 thị trấn, chúng tôi thấy rõ sự chững chạc, lễ phép và khả năng giao tiếp của các em học sinh trong trường. Em Lò Thị Thanh - Trưởng Ban Đối ngoại của lớp 3B, rất chủ động, giới thiệu với chúng tôi về lớp học của mình. Đa số học sinh của nhà trường là con em các gia đình tái định cư từ xã vùng sâu, vùng xa Tà Mít. Khi mới đến trường các em còn nhút nhát, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng địa phương. Áp dụng phương pháp học mới, trong các giờ học, các em được thảo luận nội dung, kiến thức và phát biểu ý hiểu bài giảng. Nhờ đó vốn tiếng Việt của học sinh tăng rõ rệt và các em đã dần hình thành kỹ năng giao tiếp. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét về thành công bước đầu của Dự án VNEN.

Tại Trường Tiểu học xã Phúc Khoa, chúng tôi được chứng kiến sự sinh động, hào hứng của học sinh trong mỗi tiết học. Giờ học môn Toán với bài “Chia số có 2 chữ số cho số có 1 chữ số” của các em khối lớp 3 được áp dụng theo phương pháp mới khá sôi nổi. Các nhóm tập trung thảo luận, không hề có sự mất trật tự, nói chuyện riêng. “Khi chưa hiểu bài các em giơ thẻ và nhận được sự trợ giúp kiến thức của cô giáo, hoặc các nhóm bạn. Để ôn lại kiến thức, các em được tham gia một số trò chơi tương tác: ổ bi, tia chớp… Cách học này rất dễ tiếp thu và tạo sự hào hứng cho lớp học...” – em Nguyễn Lương Dương (học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Phúc Khoa) tâm sự với chúng tôi.

Qua thực tế cho thấy, sau khi triển khai thí điểm chương trình của Dự án VNEN bước đầu đã có những kết quả khả quan. Để đạt được những kết quả trên, được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên đã chủ động trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia lớp học của Dự án. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu: góc học tập bộ môn, giáo cụ trực quan của một số môn học các thầy, cô đã chủ động thiết kế đồ dùng dạy học phục vụ tốt hơn cho bài giảng.

 

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...