Thứ năm, 25/04/2024, 15:26 [GMT+7]

Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống

Thứ sáu, 24/07/2020 - 21:45'
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với lịch sử hơn 110 năm kể từ ngày thành lập (28/6/1909) và 71 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh (10/10/1949), là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Lai Châu luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và 4 năm thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tăng cả về số lượng, chất lượng. Từ năm 2004 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã biên soạn, phát hành 37 công trình lịch sử từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Hiện nay, có 8 công trình đang trong quá trình sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn. Nhìn chung, các cuốn lịch sử đã phát hành đều được xây dựng công phu, từ việc sưu tầm tư liệu đến khâu hoàn thiện; tái hiện khá đầy đủ lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương, đơn vị, góp phần hình thành các tư liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè) bên mô hình giáo dục truyền thống biển đảo quê hương.                                                    Ảnh Tùng phương

Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè) bên mô hình giáo dục truyền thống biển đảo quê hương. Ảnh Tùng phương

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cũng được Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục có sự định hướng chính trị tư tưởng sâu sắc và chuẩn xác về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện với sự tham gia của nhiều lực lượng, từ cấp ủy, chính quyền đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng, website của các cơ quan, đơn vị và hoạt động tuyên truyền miệng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm… Nhiều cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử Đảng, truyền thống ngành do Trung ương, tỉnh và các địa phương tổ chức được triển khai nghiêm túc, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia; qua đó, hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng, của ngành trong chặng đường lịch sử đã qua, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm, cổ vũ quyết tâm chính trị của mỗi người dân tỉnh Lai Châu trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới. Đồng thời, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng ta.
Công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn được đặc biệt quan tâm, nhiều tài liệu về lịch sử địa phương được biên soạn đưa vào giảng dạy. Bên cạnh đó, hằng năm, đoàn thanh niên các cấp phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, phong trào cách mạng của địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động về nguồn, tới những địa chỉ đỏ, hoạt động đền ơn đáp nghĩa để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Hầu hết, các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nhận bảo vệ, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh nhận thức, nâng cao tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng trong thanh thiếu niên.
Công tác tôn tạo, xây dựng công trình lịch sử được quan tâm bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện. Khu di tích lịch sử - văn hóa Bản Lướt, căn cứ hoạt động của Ban Cán sự Lai Châu, nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh được đầu tư xây dựng; các đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng tại các huyện, thành phố. Phòng Truyền thống Tỉnh ủy và Phòng truyền thống của các sở, ngành, địa phương như: Sở Tài chính, Công an tỉnh, huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ được xây dựng và đưa vào khai thác, đón tiếp nhiều đoàn công tác trong và ngoài địa phương, nhiều lượt cán bộ, đảng viên tham quan, học tập. Đây là cách làm hay, hiệu quả được nhiều địa phương, đơn vị ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế như: số lượng công trình lịch sử được biên soạn trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình lịch sử cấp xã còn ít; hoạt động tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu; còn thiếu các sân chơi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của thanh thiếu nhi như các game show truyền hình về lịch sử, các hoạt động dã ngoại về nguồn, đến với địa chỉ đỏ; cán bộ làm công tác lịch sử đảng cơ bản chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, chủ yếu kiêm nhiệm; nguồn kinh phí cho công tác sưu tầm, biên soạn và thực hiện công tác tuyên truyền còn hạn chế...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn kinh phí và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân để xây dựng các công trình lịch sử và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với đối tượng.

Đoàn Kết

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...