Thứ hai, 29/04/2024, 19:16 [GMT+7]

Than Uyên: Vẫn còn nhiều lớp học tạm

Thứ tư, 02/11/2011 - 09:51'
(BLC) - Vẫn còn nhiều lớp học tạm, lớp học dưới gầm sàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các trường.

Con đường lên bản tái định cư Sắp Ngụa 1, Sắp Ngụa 2 xã Phúc Than (bản Nậm Ngùa, bản Chít, bản Mớ thuộc xã Pha Mu cũ) trơn và lầy lội. Khó khăn lắm chúng tôi mới đến được trung tâm bản.

Tiết học toán tại lớp 3A điểm trường bản Mớ (xã Phúc Than. huyện Than Uyên).

Được biết, các bản trên nằm trong vùng ngập lòng hồ Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát nên phải di chuyển lên nơi ở mới. Do vậy, 568 học sinh ở các bậc học của xã chuyển về ngôi trường mới ở xã Phúc Than để học tập. Dừng chân tại đầu bản Mớ, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ con ê, a đánh vần. 10 em học sinh lớp 1 đang ngồi xung quanh những chiếc bàn, ghế cũ kỹ. Gọi là lớp học cho “oai” nhưng thực chất đó là gầm nhà sàn mà nền sàn lổn nhổn đất đá, duy chỉ có tấm bảng gỗ còn nguyên vẹn dựa ngay ngắn bên cột nhà.

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, năm học 2011 – 2012, toàn huyện có 707 phòng học, trong đó: 232 phòng học tạm, 22 phòng học gầm sàn, chủ yếu tập trung ở bậc học mầm non và tiểu học thuộc các xã: Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa, Tà Mung, Phúc Than.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền – Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Phúc Than tâm sự: “Do chưa có trường lớp nên chúng tôi phải mượn tạm gầm sàn để các em học cho kịp chương trình. Hiện nay, tại điểm trường bản Mớ có 5 lớp học gầm sàn chia làm 2 ca: buổi sáng học sinh lớp 4, lớp 5 học; buổi chiều các lớp 1, 2, 3 học. Khổ nhất là những hôm mưa to, gió lớn nước mưa hắt vào làm ướt hết đồ dùng học tập và cô, trò. Tuy nhiên học sinh ở đây rất chăm chỉ, không có em nào bỏ học”.

 

Có mặt tại Trường Tiểu học xã Tà Mung nơi 107 học sinh của các bản Khá, bản Xong (xã Pha Mu) di chuyển lên. Các phòng học ở đây đều được lợp mái Prôximăng, tường thưng bằng tre, nứa ghép hoặc gỗ. Để dựng được 5 phòng học tạm cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hỗ trợ cho trường các tấm lợp Prôximăng, còn nhà trường vận động bà con góp gỗ, tre, ngày công dựng phòng học nhằm đảm bảo việc học không bị gián đoạn.

Em Lò Văn Mạnh ở bản Khá chia sẻ: “Đến ngôi trường mới, em và các bạn rất vui vì không phải đi học xa. Thầy, cô giáo thường xuyên động viên chúng em chăm học để sau này làm cán bộ về giúp bà con phát triển kinh tế thoát nghèo. Về trường mới, chúng em có đầy đủ sách vở, trang thiết bị phục vụ học tập”.

Không riêng gì ở các trường: Tà Mung, Phúc Than mà nhiều trường khác trên địa bàn huyện tình trạng học sinh học phòng tạm, nhà tạm vẫn còn nhiều. Năm học này, Trường Mầm non số 1 Ta Gia có 10 lớp với 214 học sinh. So với năm học trước, tỷ lệ trẻ ra lớp tăng nhưng hiện nay nhà trường không đủ phòng học. Tại điểm trường trung tâm chỉ có 4 phòng học, ngoài ra trường còn có 4 điểm trường lẻ nhưng tất cả đều là phòng học tạm nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ cũng như quản lý cơ sở vật chất. Bước vào năm học mới, nhiều thầy cô đã phải “cắm bản” để vào rừng chặt tre, chặt gỗ, vận động người dân đi mua bạt, lên rừng cắt gianh lợp mái. Rồi vận động chính quyền xã, trưởng bản, các doanh nghiệp trên địa bàn giúp san mặt bằng, chở cát sỏi láng nền dựng phòng học cho các em.  Do là phòng học tạm nên các điều kiện quạt gió, ánh sáng, giữ ấm cho học sinh vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè không có nên ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học của các em.

Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp là vấn đề khó khăn nhất mà ngành Giáo dục và Đào tạo huyện phải đối mặt suốt nhiều năm qua. Năm học 2011 – 2012, toàn huyện có 709 lớp (tăng 37 lớp, 661 học sinh so với năm học trước). Vì vậy, số phòng học tạm, phòng học nhờ, lớp học gầm sàn của huyện chiếm tỷ lệ gần 40%. Số phòng học chưa đáp ứng nhu cầu nên nhiều trường phải học 2 ca, nhiều lớp mầm non phải học nhờ trường tiểu học, nhà dân và trụ sở UBND xã.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trịnh Ngọc Hải – Phó Phòng Giáo dục huyện Than Uyên cho biết: “Hiện nay, Phòng đã chỉ đạo các trường thường xuyên kiểm tra các lớp học gầm sàn đảm bảo điều kiện dạy và học tạm thời. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng mong muốn chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình điểm trường ở các khu, điểm tái định cư nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học; phấn đấu hết học kỳ 1 sẽ chấm dứt lớp học nhờ, học gầm sàn”.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...