Chủ nhật, 28/04/2024, 21:59 [GMT+7]

Vì sự nghiệp “trồng người”

Thứ bảy, 16/05/2015 - 15:03'
(BLC) - Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học; đội ngũ cán bộ, giáo viên chủ động, tích cực tự học nâng cao năng lực chuyên môn; công tác xã hội hóa giáo dục nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng… kết quả đó ngoài sự nỗ lực vượt bậc của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh còn phải kể đến tác động to lớn từ thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động do ngành phát động.

Đa dạng phong trào thi đua

Thi đua “Dạy tốt - học tốt” là phong trào được các trường học trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thông qua các hình thức: thao giảng, hội giảng, nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi… đội ngũ giáo viên có điều kiện, môi trường để thể hiện năng lực, kinh nghiệm công tác,  từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Có hàng nghìn lượt giáo viên được lựa chọn, bồi dưỡng tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Mặc dù công tác trong điều kiện khó khăn về giao thông, sinh hoạt, nhưng giáo viên vùng sâu, vùng xa của tỉnh chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, từ giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Giờ học ngoại khóa của cô, trò Trường Mầm non Sông Đà (huyện Nậm Nhùn).

Điển hình là các cô giáo: Lý Thị Như Quỳnh - giáo viên Trường Mầm non số 2 xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ); Phạm Thị Vui - giáo viên Trường Mầm non Sông Đà (huyện Nậm Nhùn); thầy giáo Đinh Thế Hướng - giáo viên Trường PTDTBT THCS Bản Hon (huyện Tam Đường)… Cùng với trau dồi chuyên môn, các thầy, cô giáo chủ động tự học, tự nghiên cứu để có phương pháp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp hiệu quả. Từ năm 2010  đến nay, toàn tỉnh đã có 967 lượt học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Riêng năm học 2014 - 2015  có 10 học sinh đạt giải với 1 giải nhất, 5 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các nhà trường linh hoạt lồng ghép các nội dung: dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, giúp các em tự tin trong học tập; xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến trường; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng địa phương. 100% trường học thực hiện đầy đủ 5 nội dung; 80% trường học có khuôn viên cây xanh đảm bảo thoáng mát, sạch đẹp, an toàn; 65% trường học có công trình hợp vệ sinh. Tiêu biểu là Trường Mầm non Đoàn Kết (thành phố Lai Châu); Trường Tiểu học số 1 thị trấn huyện Than Uyên; Trường PTDTBT THCS Ka Lăng (huyện Mường Tè)…

Các trường học thực hiện sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ (lề lối tác phong, giao tiếp với đồng nghiệp, học sinh, nâng cao tinh thần tự học…).

Nỗ lực “ươm mầm”

Thông qua các phong trào thi đua, mỗi nhà giáo nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm cũng như vinh dự lớn lao đối với sự nghiệp “trồng người”, để rồi những thế hệ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Lai Châu không quản ngại đường xa, núi cao, đèo dốc về với dân bản, vùng sâu, vùng xa ươm mầm, chắp cánh ước mơ của trẻ em vùng cao được bay cao, bay xa.

Yêu nghề dạy học, ngay khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô giáo trẻ Bạch Thị Kim Dung (SN 1985, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tình nguyện lên Lai Châu công tác và dạy học tại Trường Tiểu học Vàng San (xã Vàng San, huyện Mường Tè). Từ miền xuôi lên miền ngược với bao bỡ ngỡ, khó khăn khiến cô không khỏi hụt hẫng.

Với sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, sự thiệt thòi của những học trò ngày ngày đến lớp với đôi chân trần, cơm có khi không đủ no, áo không đủ ấm nhưng ham học chữ đã níu giữ cô ở lại nơi vùng cao biên viễn.  cô chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, đề tài sáng kiến kinh nghiệm; vận động, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào kế hoạch nhỏ do nhà trường tổ chức, phát động.

Để duy trì sỹ số học sinh, ngoài giờ học cô đến từng gia đình tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, từ đó có hướng thuyết phục, vận động phụ huynh quan tâm hơn việc học của con em. Không chỉ tâm huyết với nghề, cô giáo Dung còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, hoạt động văn hóa, thể thao do ngành, nhà trường phát động. Từ năm học 2013 - 2014, với chức trách, nhiệm vụ mới: Phó Hiệu trưởng quản lý hoạt động chuyên môn tổ khối 1, 2, 3 của nhà trường và quản lý công tác bán trú, dù công việc nặng nề hơn nhưng cô vẫn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực đó, cô liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; giáo viên dạy giỏi các cấp; Giấy khen của UBND huyện Mường Tè, Hội Khuyến học tỉnh, Công đoàn Giáo dục huyện, Bằng khen của UBND tỉnh.

Là giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường THCS xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) - chủ yếu học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức của các em có phần hạn chế, cô giáo Lê Thị Ánh Vân (SN 1980) không ngừng học hỏi đồng nghiệp; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng phương pháp đặc trưng của bộ môn vào bài học cụ thể, chú ý đối tượng học sinh theo vùng miền. Học sinh hứng thú học tập đạt kết quả cao, giúp cô giáo Vân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Do đặc thù nên việc nuôi dạy trẻ mầm non chỉ dành cho phái nữ. Và, nhiều người  ngạc nhiên, tự hỏi “Thầy giáo dạy mầm non sẽ như thế nào”. Chắc chắn không được mềm dẻo trong từng điệu múa, ngọt ngào trong câu hát và nhẹ nhàng dỗ dành các trẻ. nhưng bằng sự tâm huyết, nhiệt tình những năm qua trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa có nhiều “đấng mày râu” tình nguyện xung phong làm “cô nuôi dạy trẻ”. Điển hình là huyện Mường Tè hiện có 25 thầy giáo dạy mầm non ở các xã khó khăn của huyện. Tại đây, các thầy giáo tình nguyện xung phong về bản khó, trường khó để “ươm mầm” cho tương lai, điều đó phần nào giúp nhà trường cũng như ngành Giáo dục huyện duy trì chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đây chỉ là những cá nhân tiêu biểu trong hàng trăm giáo viên điển hình trong công tác được ngành Giáo dục tỉnh biểu dương, khen thưởng hàng năm. Cũng nhờ sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

“Thi đua là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”,  thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tỉnh đã thắp sáng ngọn lửa thi đua, tích cực lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vinh quang, cao cả - “ươm mầm” cho tương lai.

Năm học 2009 - 2010, toàn ngành có 10.915 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đến năm học 2014 - 2015 tăng lên 13.636 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đối với cán bộ quản lý, giáo viên: mầm non: 99,9%; tiểu học: 99,8%; THCS: 96,4%; THPT 96,6%). Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ở độ tuổi từ 11 đạt từ 92,7 - 95%; học sinh được xét tốt nghiệp THCS đạt trung bình 98%, bổ túc THCS đạt 97%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT được duy trì và giữ vững từ 85-95%. Từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh có trên 15 nghìn lượt giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi các cấp. Hàng năm có trên 1.000 giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm được vận dụng, thực hiện trong công tác quản lý và dạy học.

Đặng Hồng Liễu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...