Thứ sáu, 26/04/2024, 11:31 [GMT+7]

Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ tư, 15/05/2019 - 10:44'
IV- ĐẢNG BỘ LAI CHÂU 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1949 - 2019)

1- Sự ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu, tiền thân của Đảng bộ Lai Châu ngày nay

Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên phạm vi cả nước, nhưng ở Lai Châu duy nhất chỉ có châu Quỳnh Nhai (lúc đó thuộc Lai Châu) do có sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của cán bộ Việt Minh nên Nhân dân địa phương đã đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Với bản chất phản động, hiếu chiến và được sự hỗ trợ từ bên ngoài, tháng 11/1945 thực dân Pháp lại đưa quân quay trở lại đánh chiếm Lai Châu và phá hoại phong trào cách mạng ở Châu Quỳnh Nhai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng thấy cần phải xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng ở Lai Châu để lãnh đạo phong trào. Tháng 3/1948, Liên khu uỷ 10 đã cử “đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Sau 2 năm tích cực bám dân, bám cơ sở, gây dựng, phát động phong trào, “đội xung phong Quyết Tiến” đã gây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và một số tỉnh bắc Lào Cai. Để tổ chức quần chúng Nhân dân thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, Lai Châu cần phải có một tổ chức Đảng Cộng sản, nhưng lúc này Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Sơn-Lai (Sơn La và Lai Châu) chưa đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, Liên khu uỷ 10 đã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với Lai Châu, thành lập “tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của huyện châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà (tỉnh Phú Thọ) để thành lập đội xung phong Lai Châu (còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm đội trưởng.

Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.

Ngày 01/10/1949, Chính uỷ Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi hội vũ trang Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ (chi bộ này là tiền thân của Đảng bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay).

Ngày 07/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 ra Nghị quyết thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) gồm 3 đồng chí: Nguyễn Bá Lạc (bí danh là Trần Quốc Mạnh), Tỉnh uỷ viên tỉnh Yên Bái làm trưởng ban; đồng chí Hoàng Đông Tùng, đội trưởng đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh là Hoàng Hoa Thưởng) - Uỷ viên Văn phòng khu uỷ 10 làm uỷ viên. Nhiệm vụ của Ban cán sự Đảng Lai Châu lúc này: “gây dựng cơ sở quần chúng tiến tới tập hợp lực lượng, lãnh đạo Nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai thực dân Pháp và tay sai chiếm đóng”. Nghị quyết cũng đã nêu “Ban cán sự Đảng Lai Châu thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của Liên khu uỷ 10, nhưng phải mật thiết liên lạc với các Ban Tỉnh uỷ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để được sự giúp đỡ trong khi tiến hành công tác và phối hợp kế hoạch hành động với các đội xung phong hiện đang hoạt động trong đất hoặc giáp với Lai Châu”, đây là bản Nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn của Liên khu uỷ 10, đồng thời nó cũng là cơ sở cho việc hình thành tổ chức cơ sở để cho việc hình thành tổ chức Đảng ở Lai Châu.

Ngày 12/10/1949, Liên khu uỷ 10 ra tiếp Chỉ thị “kế hoạch công tác Lai Châu”, trong đó nêu lên 6 nhiệm vụ mà Ban cán sự Đảng Lai Châu cần thiết phải nắm vững và triển khai ngay:

1- Gây dựng và phát triển cơ sở quần chúng mạnh mẽ, lúc đầu từ rẻo cao sau lan xuống vùng thấp.

2- Phá nguỵ quyền, thành lập chính quyền dân chủ.

3- Làm tốt công tác địch vận.

4- Đào tạo cán bộ người địa phương.

5- Gây dựng cơ sở Đảng, bồi dưỡng kết nạp đảng viên người địa phương.

6- Tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc.

Liên khu uỷ cũng nhắc nhở Ban cán sự Đảng Lai Châu bước vào hoạt động cần phải chú ý 3 điểm:

1- Phải thống nhất ý chí và hành động.

2- Phải nắm chắc lấy dân.

3- Phải tuyệt đối giữ bí mật, tránh chủ quan khinh địch.

Bản Chỉ thị này mang ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo hoạt động của Ban cán sự, đồng thời cũng là cơ sở để Ban cán sự vạch phương hướng và nhiệm vụ công tác trong thời kỳ đầu vào hoạt động trong vùng địch hậu và vận động quần chúng Nhân dân giúp đỡ cách mạng.

Ngay sau khi có Chỉ thị của Liên khu uỷ 10, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng Lai Châu đã khẩn trương tiếp nhận cán bộ, đội viên võ trang tuyên truyền, giao thông liên lạc và các điều kiện cần thiết để lên đường vào Lai Châu thực hiện nhiệm vụ. Tháng 11/1949, đoàn Ban cán sự Đảng Lai Châu do đồng chí Trần Quốc Mạnh và Hoàng Hoa Thưởng phụ trách đã đến vùng tự do Than Uyên và quyết định lấy Than Uyên làm chỗ đứng chân để tiến vào Lai Châu.

Theo quyết định của Liên khu uỷ 10, tất cả cán bộ và đội viên võ trang tuyên truyền là đảng viên được cử vào công tác ở Lai Châu đều sinh hoạt trong một chi bộ: Chi bộ Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Lai Châu, ngày 2/12/1949, tại Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã triệu tập Hội nghị để công bố quyết định của Liên khu uỷ 10 về việc thành lập chi bộ Đảng Lai Châu bao gồm 20 đồng chí, trong đó có 18 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị. Ban cán sự đã cử 3 đồng chí: Trần Quốc Mạnh, Hoàng Hoa Thưởng, Nguyễn Hữu Trí vào Ban chi uỷ, đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư chi bộ, trách nhiệm của từng đảng viên và định kỳ sinh hoạt chi bộ. Mặc dù số đảng viên ít, số cán bộ của Đảng lúc đó chưa nhiều, nhưng với ý chí sắt đá, lòng dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc và Nhân dân, các cán bộ, đảng viên lặn lội đi vào quần chúng vận động, tổ chức xây dựng lực lượng được đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ nên không ngừng trưởng thành và lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng ở Lai Châu từng bước tiến lên. Việc ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống chính trị của Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Từ đây, phong trào cách mạng của Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Bác Hồ và nhờ có sự lãnh đạo đó phong trào cách mạng ở Lai Châu đã phát triển không ngừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

2- Quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh

2.1- Lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Lai Châu (1949 - 1954)

Sau khi ổn định tổ chức, Ban cán sự Đảng Lai Châu bắt tay vào việc tiếp thu và củng cố toàn bộ các cơ sở cách mạng mà đội “xung phong Quyết Tiến” đã xây dựng được, đồng thời tích cực xây dựng các cơ sở mới theo phương châm: lấy địa bàn vùng cao làm căn cứ để phát triển xuống vùng thấp. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 12/1949 đến 2/1950) các đội công tác do Ban cán sự Đảng Lai Châu đã lãnh đạo củng cố và xây dựng mới hàng loạt các cơ sở cách mạng ở các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên và tạo thành thế liên hoàn đến vùng tự do. Đặc biệt với việc kiện toàn chính quyền cấp xã ở Pú Nhung, Toả Tình, Phiêng Ta Ma, Phình Sáng, Xá Nhè và thành lập tiểu đội du kích xã Toả Tình là điều kiện quan trọng cho việc Ban cán sự Đảng Lai Châu vào địa bàn tỉnh hoạt động và chỉ đạo phong trào.

Tháng 1/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc (lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong). Ở Lai Châu, quân ta đã tổ chức một số trận đánh vào các nơi chiếm đóng của Pháp, nhưng do chưa tổ chức tốt việc phối hợp giữa bộ đội và dân quân du kích dẫn đến thất bại và kéo theo hàng loạt các cơ sở cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố làm tan vỡ. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã chỉ đạo các đội công tác động viên Nhân dân xây dựng lại các cơ sở cách mạng, tổ chức cho Nhân dân chống càn, tăng gia sản xuất, đòi giảm tô, thuế… Đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng đoàn thể quần chúng: thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc và phát triển đảng viên mới. Đến tháng 6/1950, chi bộ đã có 35 đảng viên (trong đó có 4 đồng chí đảng viên là người địa phương được kết nạp).

Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10/1952) kết thúc thắng lợi, ta đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn gồm các huyện: Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên và phần lớn huyện Sìn Hồ, buộc địch phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng vào 2 địa điểm chính là thị xã Lai Châu và Nà Sản (Sơn La). Ban cán sự Đảng Lai Châu lãnh đạo Nhân dân vùng giải phóng khẩn trương khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời tích cực xây dựng các đoàn thể quần chúng, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và bán vũ trang để chuẩn bị cho việc giải phóng Lai Châu.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta tiếp tục trên đà thắng lợi có nhiều chuyển biến quan trọng. Thực dân Pháp bị động phải co cụm về Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn ra quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953-1954; chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên giải phóng Tây Bắc. Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch “chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã cử đoàn công tác xuống các địa phương vận động Nhân dân chuẩn bị về tinh thần, ý chí cũng như lương thực, thực phẩm để đón bộ đội chủ lực vào giải phóng Lai Châu, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi của cả dân tộc.

Mặc dù kế hoạch Nava đã bị thất bại hoàn toàn, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, chấm dứt chế độ thực dân cũ ở Đông Dương nhưng trên địa bàn Lai Châu, thực dân Pháp vẫn duy trì lực lượng tàn phỉ để chống phá cách mạng lâu dài. Đặc biệt là các huyện phía Bắc, có lúc lực lượng tàn phỉ lên đến gần một ngàn tên. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Lai Châu lại tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang diệt phỉ, trừ gian. Ngày 30/9/1954, sau 4 tháng kiên trì thực hiện phương châm: kết hợp tuyên truyền thuyết phục với tiến công quân sự, ta đã tiêu diệt, bắt và gọi ra hàng 528 tên phỉ, trong đó có nhiều tên đầu sỏ phản động, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, Lai Châu được hoàn toàn giải phóng.

Song song với việc tiễu phỉ, Ban cán sự Đảng Lai Châu rất chú trọng đến việc lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói giáp hạt, củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh.

5 năm kể từ ngày thành lập (10/1949-12/1954), Ban cán sự Đảng Lai Châu ngày càng trưởng thành và lớn mạnh: từ 18 đảng viên ban đầu đến tháng 12/1954 có 212 đảng viên. Đây là số đảng viên đã được tôi luyện qua thử thách đấu tranh gian khổ, ngày đêm kề vai sát cánh lãnh đạo đồng bào các dân tộc góp phần vào sự nghiệp giải phóng Lai Châu và tiếp tục đoàn kết chung quanh Ban cán sự lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện sứ mệnh vẻ vang của Đảng và dân tộc.

2.2- Lãnh đạo sự nghiệp khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955-1965)

Sau gần một thế kỷ bị đô hộ, áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và bọn tay sai, cùng với Nhân dân miền Bắc nay được sống trong độc lập tự do, đồng bào các dân tộc Lai Châu phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, một lòng, một dạ theo Đảng bước vào thời kỳ mới: thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Ngày 7/5/1955, Trung ương Đảng quyết định bỏ cơ quan hành chính cấp tỉnh và thành lập khu tự trị Thái-Mèo (sau đổi thành khu tự trị Tây Bắc), về hành chính các châu (huyện) trực thuộc khu.

Mặc dù Nhân dân các dân tộc Lai Châu phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Cùng với công tác tiễu phỉ trừ gian, chống các vụ xưng vua, đón vua… Ban cán sự Đảng Lai Châu hết sức coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất để ổn định đời sống và phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội. Chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, nhất là trồng trọt và chăn nuôi; phát triển cây công nghiệp và nghề rừng. Sau 3 năm (1955-1957), nền kinh tế của tỉnh đã được khôi phục, các mặt đời sống văn hoá-xã hội có bước phát triển mới.

Tháng 4/1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền núi, thực hiện chủ trương này, khu uỷ Tây Bắc đã lãnh đạo các châu vận động Nhân dân vào hợp tác xã. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ, Nhân dân các châu đã hăng hái tham gia học tập và tự nguyện gia nhập hợp tác xã. Năm 1962 có 1.192 hộ gia đình, chiếm 6,2%, đến năm 1963 đã có 96,97% tổng số hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, trong đó vùng thấp đạt tỷ lệ 93%, vùng cao 43,6%. Cũng trong thời gian này, Lai Châu thành lập 2 nông trường: Điện Biên và Tam Đường với hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên. Được sự giúp đỡ của Trung ương, Đội thanh niên Tháng Tám của Thủ đô Hà Nội và hàng nghìn thanh niên các châu thuộc Lai Châu đã tham gia xây dựng công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm. Cuối năm 1965, sản lượng lương thực quy ra thóc toàn tỉnh đạt 71.870 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, đàn gia súc tăng 4%, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 5,3%/năm. Số học sinh đến lớp đạt 90% kế hoạch, 30% số xã vùng cao có tổ chức y tế, xây dựng một số cầu cống và hoàn thành quy hoạch hệ thống đường giao thông đến các huyện trong tỉnh, hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Khu uỷ Tây Bắc rất chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân. Với tinh thần tích cực xây dựng Đảng, được sự chỉ đạo sát sao của khu uỷ, cuối năm 1959 các châu: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Lay, Tủa Chùa, Sìn Hồ, Mường Tè đã thành lập được 52 chi bộ xã chiếm 38%, đến năm 1960 hầu hết các xã đều thành lập được chi bộ.

Việc thành lập chi bộ ở các xã thuộc Lai Châu là một thành tích có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là tiền đề để củng cố và xây dựng chính quyền, đoàn thể các cấp vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 27/12/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã quyết định thành lập 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ. Đồng thời Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí do đồng chí Trần Quốc Mạnh làm Bí thư.

Sau 14 năm thành lập Đảng bộ (1949-1963) và sau 9 tháng thành lập lại tỉnh, từ ngày 15-21/10/1963, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ nhất. Về dự Đại hội có 112 đại biểu chính thức, 6 đại biểu dự khuyết đại diện cho 4.750 đảng viên ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khoá I gồm 19 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết; Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Trần Quốc Mạnh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

2.3- Lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất, xây dựng vừa chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế (1965-1975)

Đế quốc Mỹ sau những thất bại nặng nề ở miền Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân vào miền Nam và đưa không quân đánh phá miền Bắc. Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn của địch, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo Nhân dân tích cực sản xuất, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay địch, làm tốt công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.

Ngày 2/7/1965, giặc Mỹ đã cho máy bay ném bom đánh phá huyện Điện Biên sau đó bắn phá ra một số nơi trong tỉnh. Tỉnh uỷ đã kịp thời lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, với 65 trận đánh quân và dân Lai Châu đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, bắn cháy và bị thương nhiều chiếc khác góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tiễn đưa hàng nghìn con em mình lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ củng cố, xây dựng Lai Châu thành hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, từng bước xây dựng hợp tác xã ở vùng cao và phát triển nông trường quốc doanh… Do vậy, sản xuất ngày một phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện. Năm 1975, tổng sản lượng lương thực đạt 102.860 tấn (tăng 38.900 tấn so với năm 1963), đàn trâu tăng 41,3%, đàn bò tăng 67,6%, đàn lợn tăng 39,3%. Ngành công nghiệp từ chỗ còn rất nhỏ bé 1963 có 8 xí nghiệp, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 88,1%. Giao thông - vận tải phát triển nhanh, năm 1970 đã có 843km đường ô tô, năm 1973 tỉnh vinh dự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng Cờ luân lưu về thành tích phát triển giao thông nông thôn miền núi. Phương tiện vận tải cơ giới cũng tăng gấp 4 lần so với trước chiến tranh.

Sự nghiệp giáo dục phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng ở các cấp học. Những năm sau hòa bình mới mở được một số trường chủ yếu ở các thị trấn, thị xã thì đến năm 1975 hầu hết các xã vùng thấp trong tỉnh đã có trường cấp 1, thị xã Lai Châu, huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Phong Thổ đã có trường cấp III. Số học sinh và giáo viên tăng rất nhanh: năm học 1963-1964 tổng số học sinh phổ thông toàn tỉnh có 6.182 em, đến năm học 1974-1975 lên 25.207 em.

Từ ngày 28/3 đến 5/4/1970, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ II. Về dự Đại hội có 143 đại biểu chính thức, 13 đại biểu dự khuyết, đại diện cho 17 Đảng bộ và hơn 7.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khoá II gồm 20 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết; 7 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Xã được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tiến hành từ ngày 26/4 -1/5/1975, về dự Đại hội có 159 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết đại diện cho 16 Đảng bộ huyện, thị, Đảng uỷ và 8.000 đảng viên. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá III gồm 23 uỷ viên chính thức, 5 uỷ viên dự khuyết, 7 đồng chí được vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Xã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

2.4- Đất nước thống nhất, Lai Châu cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc (1976-1985)

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong điều kiện mới, Đảng bộ tỉnh quyết tâm lãnh đạo Nhân dân đoàn kết thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lai Châu và giành được những thắng lợi quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội. Đến năm 1985 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 138.712 tấn (tăng 61% so với năm 1975). Cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày tiếp tục phát triển, bước đầu đã hình thành một số vùng cây công nghiệp tập trung, xác định rõ hiệu quả kinh tế một số cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh như: chè, trẩu, chủ cánh kiến, mía, dược liệu…

Công nghiệp tiếp tục phát triển, những năm 1980-1985 sản lượng bình quân hàng năm tăng 3,5%, sản xuất vật liệu tăng gần 2 lần, giá trị hàng xuất khẩu cũng tăng nhanh hàng năm 36,6% (1983-1985). Đi đôi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cũng được thiết lập và củng cố. Khu vực quốc doanh đã đi vào thế làm ăn ổn định, xác định rõ phương thức sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã thực hiện phương thức khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) mang lại hiệu quả kinh tế cao, Nhân dân phấn khởi theo cách làm ăn mới. Phong trào học phổ thông, bổ túc văn hoá, nghiệp vụ kỹ thuật có bước chuyển biến khá. Năm 1985 có 49.745 học sinh (tăng gấp 2 lần so với năm 1975) số học sinh là người dân tộc ít người hàng năm đều tăng, chất lượng học tập cũng được tăng lên. Công tác y tế đảm bảo tốt hơn việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn, khống chế không để các dịch bệnh lớn xảy ra; số y bác sỹ ngày một tăng. Năm 1975 có 29 bác sỹ, 364 y sỹ, với 1.181 giường bệnh, đến năm 1985 có 76 bác sỹ, 496 y sỹ và 1.493 giường bệnh.

Là một tỉnh biên giới, Đảng bộ tỉnh càng thấu suốt nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam đó là: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 1978, trước tình hình biên giới phía Bắc có những diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết về “tăng cường lãnh đạo công tác quân sự địa phương trước tình hình mới” và tiến hành nhiều đợt giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng bộ và Nhân dân; xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng với Đảng, với dân tộc là phải bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với Nhân dân vùng sát biên giới, tỉnh tổ chức giáo dục cho Nhân dân phân biệt rõ tình hữu nghị lâu đời giữa Nhân dân hai nước và nâng cao cảnh giác, phân biệt người tốt, kẻ xấu. Đồng thời, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và huấn luyện các phương án tác chiến… nên khi chiến tranh xảy ra, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Những thành tích của Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu trong cuộc chiến tranh biên giới đã được Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho quân dân huyện Phong Thổ, hạng Nhì cho quân dân huyện Sìn Hồ, hạng Ba cho quân dân huyện Mường Tè; 5 đơn vị và 10 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nhiều phần thưởng khác.

Mặc dù Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh mới thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng bộ được hơn 1 năm nhưng để chuẩn bị tốt các nội dung cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trung ương Đảng quyết định cho Đảng bộ Lai Châu tiến hành Đại hội lần thứ tư thành hai vòng (vòng 1 từ ngày 11-20/11/1976, vòng 2 từ 8/3 - 12/3/1977). Về dự Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh có 200 đại biểu chính thức và 20 đại biểu dự khuyết thay mặt cho gần 9.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khoá 4 gồm 31 uỷ viên chính thức, 4 uỷ viên dự khuyết, 11 đồng chí vào Ban Thường vụ, đồng chí Hoàng Tinh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Sau Đại hội lần thứ IV, công tác xây dựng Đảng tập trung vào quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và các Nghị quyết của Trung ương sau Đại hội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được đẩy mạnh trong toàn Đảng bộ, qua các đợt sinh hoạt chính trị, thông báo các quyết định của Đảng bộ và Nhân dân, thấy được hoàn cảnh chung của đất nước, của địa phương trên cơ sở đó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Sau gần 3 năm kể từ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng Đảng bộ Lai Châu được triệu tập trong bối cảnh: Quân và dân Lai Châu giành được nhiều thắng lợi to lớn trong việc bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu thù địch, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội. Đại hội tiến hành từ ngày 27 - 29/10/1980, về dự đại hội có 200 đại biểu (trong đó có 184 đại biểu chính thức, 16 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho 10.283 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá V gồm 37 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết, 13 đồng chí trong Ban Thường vụ, đồng chí Hoàng Tinh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội khẳng định công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ tiếp tục được thực hiện tốt, đồng thời tiến hành cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Do làm tốt công tác củng cố cơ sở đảng và đảng viên nên sau 3 năm (1977-1979) số cơ sở đảng vững mạnh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 1.192 đảng viên mới (trong đó có 271 nữ).

Song song với công tác phát triển Đảng, công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật cũng được tiến hành thường xuyên kịp thời, đúng người, đúng việc. Trong nhiệm kỳ IV, các cấp uỷ Đảng đã xử lý 960 trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, trong đó đã đưa ra khỏi Đảng 430 trường hợp. Việc làm này đã củng cố lòng tin cho quần chúng, từng bước làm trong sạch Đảng, để tăng cường sức mạnh cho Đảng bộ nhằm lãnh đạo Nhân dân tiếp tục giáo dục thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Để chuẩn bị tốt các nội dung cho Đại hội V của Đảng, Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh được tiến hành (từ 20 - 24/1/1983). Về dự Đại hội có 185 đại biểu chính thức, 15 đại biểu dự khuyết đại diện cho hơn 1 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ, Đại hội đã bầu được 15 đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá 6 gồm 39 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết, 13 đồng chí vào Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Niệm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội cũng đã khẳng định, qua các đợt củng cố Đảng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết trong Đảng được vững chắc hơn. Thông qua công tác phát thẻ đảng viên và các đợt sinh hoạt chính trị, chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng ở cơ sở được nâng lên một bước. 2 năm kể từ sau Đại hội 5, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 2.034 đảng viên mới trong đó số đông là thanh niên, đến cuối năm 1982 toàn tỉnh có 474 cơ sở Đảng với 10.711 đảng viên, trong đó nữ 1.337, dân tộc ít người 4.627; đến năm 1985 số cơ sở đảng đã tăng lên 510 với 11.509 đảng viên.

2.5- Cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (1986-2003)

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ năm 1986, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn đã giành được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

Trên lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI), Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII) và các chương trình mục tiêu như: chương trình 135, chương trình 661, chương trình 186, chương trình 500 bản đặc biệt khó khăn, chương trình khai hoang ruộng nước và nương có bờ, nên trong nông thôn, nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia không chỉ ở vùng thấp và cả ở vùng cao, vùng sâu; hàng năm số hộ giàu tăng mạnh, số hộ nghèo đói giảm đáng kể từ 46% năm 2000 giảm còn 31,1% năm 2003, đã cơ bản xoá được hộ đói lưu niên.

Nhờ tích cực đổi mới cơ cấu mùa vụ, giống và kỹ thuật thâm canh, nên năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng: năm 1996 sản lượng lương thực đạt 158.454 tấn, năm 1997 đạt 164.327 tấn, năm 2003 đạt 209,5 nghìn tấn; bình quân lương thực đạt 330kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực và có một phần bán ra ngoài tỉnh. Đáng chú ý là hàng năm diện tích lúa nương giảm, sản lượng lúa ruộng tăng do thâm canh và thực hiện chương trình khai hoang ruộng nước trong 3 năm (2001-2003) được trên 5.000ha góp phần tăng sản lượng lương thực, hạn chế phá rừng làm nương, rẫy. Đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung: cây chè ở Tam Đường, Bình Lư, cây đậu tương ở Tuần Giáo, Điện Biên Đông, cây thảo quả ở Dào San (Phong Thổ), chăn nuôi đại gia súc ở Si Sa Phìn (Mường Lay)… Năm 2003, toàn tỉnh có 1.093 ha cây thảo quả, 2.835ha chè. Đã hoàn thành việc giao khoán đất rừng đến các tổ chức và hộ gia đình, lồng ghép các dự án đầu tư để thực hiện khoán, khoanh nuôi, tái sinh rừng gắn với trồng mới nên đã nâng tỷ lệ độ che phủ rừng Lai Châu từ 12% năm 1992 lên 37% năm 2003.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1986 đạt 7,596 tỷ đồng, năm 1995 đạt 27,7 tỷ đồng, năm 2003 đạt 245 tỷ đồng. Năm 2003, có 11/12 huyện, thị được sử dụng lưới điện Quốc gia, 86/156 xã, phường, thị trấn có điện sinh hoạt, 43,5% có đường ô tô đến trung tâm xã.

Sự nghiệp văn hoá-xã hội luôn được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo duy trì và phát triển. Số học sinh ra lớp ngày càng tăng, chất lượng dạy và học được nâng cao, năm học 1996-1997 toàn tỉnh có 172 trường với 52.373 học sinh, năm học 1998-1999 có 210 trường, số học sinh ra lớp là 125.000 em; năm học 2003-2004 tăng lên 381 trường với số học sinh ra lớp là 161.359 em. Năm 2000, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; năm học 2003 có 20 xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bằng nhiều hình thức đào tạo: tại chức, từ xa, dạy nghề, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tỉnh đã đào tạo được 6.432 học viên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Sự nghiệp văn hoá có bước phát triển tiến bộ, đã duy trì củng cố các hoạt động chiếu phim vùng cao, nghệ thuật chuyên nghiệp, thư viện, bảo tồn, bảo tàng; tích cực đưa văn hoá thông tin về cơ sở; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, hạn chế và đẩy lùi nhiều tệ nạn, hủ tục, phong trào xây dựng làng bản, khu phố văn hoá phát triển sâu rộng. Năm 2000, toàn tỉnh có 300 bản làng, khu phố đăng ký xây dựng bản làng, khu phố văn hoá; năm 2003 có 700 bản, làng đăng ký trong đó được công nhận 175 bản, làng khu phố văn hoá và 21.947 gia đình văn hoá. Công tác y tế, dân số, chăm sóc bảo vệ trẻ em có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tốt. Hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện, phòng khám khu vực, y tế xã, bản được củng cố phát triển, đến năm 2003, 100% số xã, phường có trạm xá, 93% số bản có cán bộ y tế; đã cơ bản kiểm soát được các loại dịch bệnh. Hàng năm 100% số xã, phường và 91% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ tăng dân số năm 2003 xuống còn 2,31%.

Công tác thông tin tuyên truyền, báo chí được thường xuyên duy trì và có bước phát triển khá. Đã nâng tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh từ 60% năm 2000 lên 92% năm 2003; sóng truyền hình từ 35% lên 78%.

Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo và đạt được kết quả quan trọng: giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế; bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị-kinh tế, văn hoá-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiệm vụ xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức theo quan điểm đổi mới của Đảng được Tỉnh uỷ chỉ đạo sát sao nên hầu hết cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Bằng việc tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát cơ sở, hướng về cơ sở, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nên đã giữ được đoàn kết nội bộ và củng cố được niềm tin của quần chúng với Đảng, với cách mạng và sự nghiệp đổi mới.

Các cấp uỷ Đảng trong toàn Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng như: Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII), Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) nên nhiều tổ chức cơ sở Đảng được củng cố và kiện toàn, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện tốt hơn, vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên, số cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh từ 28,5% năm 1996 tăng lên 46,4% năm 1997 và 65% năm 2003.

(Còn nữa)

BT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...