Thứ năm, 25/04/2024, 14:11 [GMT+7]

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thứ ba, 05/01/2021 - 11:04'
Chúng tôi cùng lãnh đạo xã Pha Mu (huyện Than Uyên) đến thăm mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Vừ A Khư ở bản Huổi Bắc. Mới ngày nào trồng, cây còn bé xíu, thế mà chỉ sau gần 6 tháng, vườn chanh leo của gia đình anh đã sai trĩu quả, bắt đầu cho thu hoạch. Vừa tỉa những lá già cỗi trên thân cây, anh chia sẻ: “Mảnh đất này của gia đình có diện tích hơn 1.000m2, trước đây là đất trồng ngô 1 vụ, mỗi vụ gia đình tôi thu được 10 bao, khoảng hơn 3 tạ. Khi được xã vận động chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng chanh leo, tôi mạnh dạn trồng thử. Tôi được lãnh đạo xã, cán bộ nông nghiệp huyện, đơn vị cung cấp giống cây trồng quan tâm hướng dẫn quy trình các khâu trồng, chăm sóc, tỉa lá, hoa, làm giàn cho chanh leo; giống, phân bón được hỗ trợ toàn bộ. Bây giờ sắp được thu hoạch, vợ chồng tôi vui lắm”.

Người dân xã Pha Mu (huyện Than Uyên) tích cực trồng chanh leo trên đất trồng ngô 1 vụ để tăng thu nhập.

Không chỉ có nông dân của xã Pha Mu, ngay cả bà con các bản vùng cao khó khăn của xã Khoen On cũng đang từng ngày thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Từ những bãi đồi bỏ hoang, đất trồng ngô, lúa 1 vụ năng suất kém, người dân đã biết trồng chuối, trồng chè để tăng thu nhập cho gia đình. Ông Lò Văn Lanh (bản On) phấn khởi nói: 2 năm trước gia đình tôi chuyển từ trồng ngô, sang trồng chuối, hiện có 3.500 gốc chuối. Đến nay, gia đình tôi thu được 2 vụ rồi, từ việc bán quả, thân cây, lá chuối cho các thương lái, mỗi vụ 40 triệu đồng, gấp đôi so với trồng ngô, mà lại nhàn, ít công chăm sóc.

Ông Lanh dẫn chúng tôi đi thăm vườn chuối của gia đình. Nhìn những cây chuối buồng to, nhiều nải; có cây quả đang còn nhỏ như ngón tay út; ở phía xa vườn bên kia, những hoa chuối đỏ thẫm xen lẫn giữa màu xanh của lá thật thích mắt. Cùng đi với chúng tôi, anh Lò Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Khoen On cho biết: Trước đây, bà con chỉ trồng chuối để phục vụ gia đình, nhưng từ khi thấy nhu cầu thị trường cao, bà con chuyển đổi sang trồng chuối để tăng thu nhập. Hiện nay, Nhân dân các bản trồng được 40ha chuối. Xã tuyên truyền, vận động khai hoang diện tích đất trống trồng được 100ha chè, 19ha mắc-ca xen chè, gần 66ha sơn tra. Các cây trồng hiện sinh trưởng, phát triển tốt.

Trước đây, mỗi khi đến các bản thăm bà con vào dịp ngày mùa, chúng tôi lại nghe thấy tiếng đập lúa hay tiếng máy tuốt lúa đạp chân kêu kèn kẹt; giữa trưa nắng, người nông dân vẫn miệt mài tuốt lúa, áo đẫm mồ hôi. Thì nay, chiếc máy tuốt lúa liên hoàn thay thế máy tuốt lúa đạp chân; bà con chỉ việc mang lúa lên bờ, chỉ khoảng 15-20 phút thu về những bao lúa sạch sẽ, vàng óng. Hay như chiếc máy cày đã thay thế hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” mỗi khi xuống đồng.

Anh Hảng A Páo ở bản Hô Ta (xã Tà Mung) chia sẻ: Ngày trước, gia đình cày ruộng phải dùng sức của trâu, mỗi ngày cày được 1.000m2 đất thôi. Nhưng bây giờ, mua được chiếc máy cày thì 1 ngày cày gấp 10 lần mà nhàn hơn, không mất sức nhiều. Gia đình tôi cũng mua được máy thái cỏ, máy xay xát phục vụ bà con.

Để có sự đổi thay về tư duy phát triển kinh tế kể trên là sự cố nắng, nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong phát triển kinh tế của chính người dân lao động. Và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Than Uyên trong việc tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự quan tâm sát sao của lãnh đạo; hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của cán bộ phòng chuyên môn.

Đồng chí Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện cho hay: Huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách về nông nghiệp phù hợp với từng địa bàn, đặc điểm tâm lý của từng vùng dân cư. Trong đó, lồng ghép các chính sách đặc thù của Nhà nước, tỉnh hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; máy móc sản xuất nông nghiệp; phân bón; nguồn vốn cho bà con. Tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; chú trọng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Khuyến khích Nhân dân các xã xung quanh khu vực 2 lòng hồ thủy điện Huội Quảng và Bản Chát nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ; thúc đẩy phát triển thủy sản của địa phương, tăng thu nhập cho bà con.

Từ một địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp dựa vào cấy lúa, trồng ngô, tính đến năm 2020, huyện Than Uyên là một trong những vùng nguyên liệu chè lớn của tỉnh với tổng diện tích trên 1.347ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 2.400 tấn. Huyện hình thành được vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao có quy mô trên 1.000ha; phát triển thủy sản với 390 lồng cá trên lòng hồ với sản lượng đạt hơn 400 tấn/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã nhân rộng hàng trăm gia trại, trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Hơn 100ha chuối, chanh leo, cây ăn quả các loại mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có tiếng, uy tín trên thị trường, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3-4 sao: gạo đặc sản séng cù, gạo nếp tan pỏm Tà Hừa, gạo tẻ tròn, ổi Hua Nà…

Được biết, huyện Than Uyên có 14.239 hộ, 68.699 nhân khẩu. Hiện nay, thu nhập bình quân đạt 38,5 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, người dân có của ăn, của để, mua sắm nhiều vật dụng tiện ích cho gia đình. Đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 10,79%.

 Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...