Thứ bảy, 27/04/2024, 08:40 [GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 19/11/2020 - 16:02'
(BLC) - Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của huyện Than Uyên. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, Nhân dân trên địa bàn huyện tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất nông nghiệp; tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mỗi ngày, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, hết việc ở cơ quan, chị Lê Hà Trang (ở bản Lả Mường, xã Mường Cang) lại sử dụng điện thoại thông minh chụp các sản phẩm lá xạ đen, cà gai leo đăng bán trên mạng xã hội như: facebook, zalo, các nhóm hội buôn bán. Chị Trang chia sẻ: Tôi bén duyên với các sản phẩm dược liệu 3 năm nay rồi. Lúc đầu trồng thử nghiệm xem sản phẩm mình làm ra thế nào, sức tiêu thụ của thị trường ra sao. Vốn không có kinh nghiệm hay được đào tạo kiến thức về nông nghiệp, nhờ có điện thoại thông minh, tôi tìm trên mạng học hỏi các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rồi chế biến và bảo quản các sản phẩm: nhân sâm, xạ đen, cà gai leo. Khi có thành phẩm thì đăng lên mạng xã hội bán và được nhiều người đặt mua. Một năm, tôi xuất ra thị trường 2,5 tạ lá xạ đen, cà gai leo khô và hàng trăm bình rượu sâm. Bây giờ lượng hàng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.  

Trong ảnh, cô gái Lê Hà Trang- bản Lả Mường, xã Mường Cang (huyện Than Uyên) quảng bá, giới thiệu bán các sản phẩm lá xạ đen, cà gai leo lên các trang mạng xã hội.

Chị Lê Hà Trang (bản Lả Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên) quảng bá, giới thiệu bán các sản phẩm lá xạ đen, cà gai leo lên mạng xã hội.

Cũng giống như chị Hà Trang, khoảng 3 năm nay, anh Hoàng Văn Hợp (bản Thẳm Phé, xã Mường Kim) tích cực sử dụng các ứng dụng tiện ích của CNTT. Trước đây, với anh, điện thoại chỉ dùng để gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng nay trở thành công cụ giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình.

Anh Hợp cho hay: Bản Thẳm Phé được chọn thực hiện điểm du lịch của xã, của huyện. Từ nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện bản Chát, gia đình xuất ra thị trường hàng chục tấn cá/năm. Tuy nhiên, tôi luôn mong muốn không chỉ cung cấp cá tươi phục vụ nhu cầu của người dân còn tạo ra được sản phẩm để khách du lịch có thể mang về nhà thưởng thức món ăn mang đậm hương vị của dân tộc Khơ Mú là cá sấy. Do đó, tôi lên mạng tìm tòi và học được kinh nghiệm bảo quản cá sấy bằng cách dùng túi hút chân không. Đồng thời, kết hợp quảng bá điểm du lịch lòng hồ của bản. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với bản, với làng cá Thẳm Phé nhiều hơn. 2 năm nay, thu nhập của gia đình khá hơn với mức bình quân 100 triệu đồng/năm.

Huyện Than Uyên có 12 xã, thị trấn với hơn 14 nghìn hộ dân sinh sống. Xác định rõ vai trò chủ lực của ngành Nông nghiệp đối với sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức hội, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, giúp các hội viên, đoàn viên tiếp cận và sử dụng hiệu quả ứng dụng CNTT. Cụ thể như: phối hợp với các tổ chức Hội cấp tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện mở các lớp tập huấn “Hướng dẫn sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet”; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ hội viên về giống, vốn, vật tư kỹ thuật…

Riêng Hội Nông dân huyện thành lập 9 câu lạc bộ (CLB) sử dụng internet, điện thoại thông minh ở các xã, thị trấn với 42 thành viên. Đến nay, tất cả các CLB phát huy hiệu quả, vai trò, chức năng trong hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chị Tòng Thị Đắm - Chủ nhiệm CLB sử dụng internet, điện thoại thông minh xã Mường Cang cho biết: CLB có gần 20 thành viên. Các thành viên chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng internet qua máy tính, điện thoại thông minh về lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi lợn, trâu bò, thủy sản. Sau đó, vừa áp dụng thực tiễn ở gia đình vừa chia sẻ, hướng dẫn bà con các bước, kỹ thuật chăm sóc. Từ ứng dụng CNTT, kinh tế gia đình hội viên nông dân trên địa bàn xã khá hơn. Nhiều hội viên mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi bò, trâu vỗ béo, cung cấp giống cho Nhân dân trong và ngoài huyện.

Thực tế cho thấy, từ việc ứng dụng CNTT, Nhân dân huyện Than Uyên đã tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để quảng bá trên thị trường. Một số sản phẩm tạo thương hiệu, uy tín cho ngành Nông nghiệp huyện như: gạo séng cù, nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, cá sấy lòng hồ… Đồng thời, giúp nông dân trong huyện huyện giải bài toán về “trồng cây gì, nuôi con gì” phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nhờ đó, người dân có thêm tự tin và động lực, mạnh dạn mở rộng mô hình theo hướng trang trại, tập trung hàng hóa thị trường, tạo đà cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng mới, bền vững; nâng cao giá trị chất lượng và sản lượng từng sản phẩm nông nghiệp.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...