Thứ bảy, 20/04/2024, 21:01 [GMT+7]

Bảo tồn, nhân giống dược liệu quý

Thứ hai, 30/11/2020 - 13:57'
(BLC) - Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi trồng cây dược liệu, nguồn lao động dồi dào, Lai Châu đang triển khai nhiều giải pháp nỗ lực mở rộng diện tích trồng các loài thuốc quý. Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chủ trương này là Hợp tác xã (HTX) Sâm - Tam thất Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ).

Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất hoang Mường Tè, tam thất rừng hay tam thất đen. Năm 2013, loài cây này được công bố phát hiện tại Lai Châu và đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, đồng thời đăng ký mẫu ADN vào Genbank. Tuy nhiên, thông tin từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, tính đến năm 2016, diện tích phân bố tự nhiên của giống sâm Lai Châu giảm mạnh, chỉ còn lại rất ít và phân bố rải rác trong rừng rậm nguyên sinh chưa bị tác động hoặc tác động nhẹ, thuộc vùng núi cao các xã: Pa Vệ Sủ, Ka Lăng, Thu Lũm và Tá Pạ (huyện Mường Tè). Hiện nay, do bị khai thác cạn kiệt, sâm Lai Châu đang được liệt kê ở thứ hạng bị tuyệt chủng trầm trọng theo đối chiếu với các tiêu chuẩn của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Nhằm bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý, cụ thể là sưu tầm, xây dựng với mục đích di thực, bảo tồn và nhân giống sâm quý của Lai Châu, đồng thời thử nghiệm trồng giống sâm Ngọc Linh tại xã Xà Dề Phìn để tạo sản phẩm sâm phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ đã tìm tòi, nghiên cứu và liên kết đưa các loại cây dược liệu vào trồng. Xà Dề Phìn có độ cao 2.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm không khí lớn, mưa nhiều; tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều giống thuốc quý hiếm. Điều kiện tự nhiên của Xà Dề Phìn được đánh giá là khá tương đồng với những vùng trồng sâm.

vườn sâm

Đoàn công tác của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh và huyện Sìn Hồ thăm vườn ươm giống cây dược liệu của HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ.

Anh Nguyễn Trần Văn - Chủ nhiệm HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ cho biết: HTX được thành lập năm 2017. Nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại dược liệu, đặc biệt là các giống trồng ngay tại địa phương để chăm sóc sức khỏe của người dân lớn, HTX nảy sinh ý tưởng trồng dược liệu. Thời gian đầu, chúng tôi trồng khoảng 7.000m2 sâm Hàn Quốc với khoảng 30kg giống nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên đã gặp thất bại với số vốn thiệt hại lên tới 700 triệu đồng. Nhưng niềm đam mê với dược liệu khiến chúng tôi không nản chí và dừng lại. Năm 2018, một số tổ chức ngoài tỉnh đến khảo sát, tìm kiếm địa điểm trồng dược liệu tại huyện Sìn Hồ, chúng tôi tiếp tục hy vọng có thể “vớt vát” lại những gì đã mất và tái trồng các giống dược liệu khác để thỏa công sức, trăn trở bấy lâu nay. Vậy là HTX tiếp tục kết nối với Viện Lâm sinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) để được hướng dẫn về kỹ thuật ngâm, ủ, trồng, chăm sóc. Và tháng 2/2018, giống sâm Lai Châu được đưa về trồng tại vườn dược liệu trong nhà lưới của HTX với quy mô 500m2. Vườn trồng có hệ thống tưới nước tự động, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ hàng ngày. Đến tháng 6 năm nay, trên diện tích 500m2 có khoảng 2.500 cây sâm Lai Châu gần 3 năm tuổi. Vườn sâm sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây sâm ra hoa kết quả.

Không chỉ dừng lại ở giống sâm Hàn Quốc, HTX Sâm – Tam thất Sìn Hồ còn mua 7.000 hạt giống của Công ty Cổ phần sâm Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và tiến hành trồng thử nghiệm tại vườn sâm bản Mao Xà Phìn, xã Xà Dề Phìn từ đầu tháng 3/2020, tỷ lệ mọc mầm đạt 80%. Sau 3 tháng, cây cao trung bình 3cm. Cùng thời điểm và thời gian so sánh sự sinh trưởng, HTX còn gieo trồng 3.000m2 cây tam thất bắc với mật độ 50 cây/m2, cây cao trung bình 5cm. Lá của 2 loại dược liệu này đều xanh tốt, bóng mượt, biểu hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao. Đến nay, toàn bộ diện tích sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và tam thất bắc sau 2 năm trồng tại vườn ươm của HTX được đưa lên trồng trên diện tích rừng tại bản Mao Xà Phìn xung quanh hồ thủy lợi. Lý giải về điều này, anh Văn cho hay, các loại cây này đều là những giống cây sống dưới tán rừng, khí hậu mát, độ ẩm cao; thổ nhưỡng thích hợp là đất thịt, nhiều mù, khả năng thoát nước và giữ nước tốt. Dự kiến sau 7 năm trồng, chăm sóc, sâm sẽ cho thu hoạch.

Đặt nhiều hy vọng vào nguồn thuốc quý sản xuất tại tỉnh, bác sỹ Nguyễn Thùy Dung (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Hiện nay, hầu hết các loại thuốc điều trị tại bệnh viện đều phải nhập nơi khác về, chưa khai thác được vị thuốc nào tại Lai Châu. Việc này khiến cho nhiều loại thuốc bị chiết xuất đi một phần, không còn giữ nguyên tác dụng. Việc đưa vào trồng nhiều loại dược liệu cực kỳ quý hiếm trên địa bàn tỉnh, nếu thành công là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành Y học cổ truyền, đồng thời về mặt xã hội khai thác được nguồn lao động dồi dào là người địa phương để trồng, chăm sóc cây dược liệu.

Anh Nguyễn Trần Văn chia sẻ: Để sản xuất cây giống với số lượng lớn, nhất thiết phải xây dựng vườn ươm có hệ thống mái che, hệ thống tưới tự động, phải quản lý được sâu bệnh và côn trùng phá hoại. Đây cũng là các giống cây F1 có nguồn gốc rõ ràng, được ươm trồng theo quy trình hướng dẫn của Viện Lâm sinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu đầu tư mua giống, ươm trồng, chăm sóc, nhân giống thành công cây sâm Lai Châu. Di thực cây sâm Ngọc Linh về trồng trên địa bàn tỉnh. Việc trồng, chăm sóc cây sinh trưởng, phát triển tốt được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và khuyến khích mở rộng. Đây là cơ sở để phát triển nuôi trồng đại trà dưới tán rừng trên địa bàn xã Xà Dề Phìn và các xã lân cận. Vừa tạo công ăn việc làm cho người nông dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Với tư duy dám nghĩ, dám làm và dám mạo hiểm trên cơ sở khoa học, anh Nguyễn Trần Văn – Chủ nhiệm HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ, chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn, nhân giống sâm Lai Châu; trồng thử nghiệm giống sâm Ngọc Linh tại bản Mao Xà Phìn, xã Xà Dề Phìn” đã được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ IV đánh giá cao và trao giải nhất toàn tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và đặc biệt, đề tài này còn được chọn tham dự Hội thi cấp quốc gia.

Với những tín hiệu vui bước đầu mà đề tài mang lại, hy vọng kết quả của việc trồng, sản xuất dược liệu không những bảo tồn được giống sâm Lai Châu F0 tại vườn ươm giống mà còn cung cấp đủ số lượng giống cây sâm 2 năm tuổi cho doanh nghiệp và nông dân trồng với giá hợp lý. Từ đó, góp phần mở rộng vùng trồng cây dược liệu và tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...