Thứ bảy, 27/04/2024, 16:52 [GMT+7]

Khẳng định sự chuyên nghiệp và bản lĩnh trên thương trường

Thứ sáu, 03/11/2023 - 19:10'
Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) ngoài sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống còn mở rộng thêm 3 đơn vị trực thuộc với nhiều ngành nghề khác nhau. Nắm bắt nhu cầu thị trường và sự đổi thay của xã hội, khoảng 5 năm trở lại đây, công ty liên tục thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, thể hiện sự năng động, chuyên nghiệp và bản lĩnh trên thương trường.

Là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cách đây hơn nửa thế kỷ, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên luôn vững vàng vượt qua sóng gió thị trường, tạo dựng thương hiệu chè Than Uyên, gây dựng vị thế cũng như tạo điều kiện việc làm, thu nhập cho nhiều thế hệ công nhân, người lao động. Tuy nhiên, những năm gần đây do biến động của thị trường chè và ảnh hưởng đại dịch Covid-19, xuất khẩu chè thô sang các nước trên thế giới gặp không ít trở ngại. Trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều cơ sở thu mua, chế biến, sản xuất chè thô khiến việc cạnh tranh vùng nguyên liệu diễn ra gay gắt. Tuổi đời khai thác của những diện tích chè đã cao (30 - 40 năm), chè cỗi, năng suất thấp. Trước thực tế đó, công ty phải chuyển hướng sản xuất một cách năng động, linh hoạt và sáng tạo.
Theo ông Vũ Ngọc Sang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, hiện nay công ty từng bước định hình một cấu trúc tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con gồm các đơn vị: Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Liên và Công ty Cổ phần chè Nhật Gia Huy và Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, các phòng, ban, đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhà máy chế biến và cơ cấu tổ chức liên kết đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý và là căn cứ chủ yếu để tổ chức bộ máy quản trị điều hành, thực hiện chế độ một thủ trưởng, chế độ trách nhiệm cá nhân và phù hợp với quy mô sản xuất, thích ứng với đặc điểm kinh tế kỹ thuật của công ty. Công ty khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong bộ máy hoạt động; lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính xác nhất. Đối với nhà máy chế biến chè đã giảm 50% công nhân thu mua, bốc vác và đang dần thí điểm mô hình thành lập đơn vị quản lý điều hành nông nghiệp chuyên sâu.

Người lao động Công ty Cổ phần Trà Than Uyên chăm sóc dứa Qeen.

Cùng với đó, các kế hoạch phát triển trung hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm, dự án đầu tư, liên kết đầu tư phát triển khá toàn diện, mang tính đổi mới, sáng tạo và luôn hướng tới các giá trị phát triển bền vững. Từng bước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác như: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, kinh doanh thương mại… Tập trung đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy chè vừa sản xuất chế biến, vừa là trung tâm điều phối, đấu trộn các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục hoàn thiện nhà máy chè Nhật Gia Huy với thiết kế 3 dây chuyền công nghệ đồng bộ xanh, đen kết hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường và tính chất nguyên liệu. Dự án các khu nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai theo mô hình thí điểm, thúc đẩy đầu tư liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu. Công ty cũng đang tính toán xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, tạo lập phương thức gắn bó chặt chẽ, tiến bộ giữa khoa học công nghệ với sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản.
Công ty xác định 2 chương trình trọng điểm: chuyển đổi diện tích chè năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và thâm canh chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hái sản phẩm tập trung. Theo đó, từ năm 2019, công ty đã liên kết với Công ty An Đức Minh trồng cây mắc-ca xen chè và trồng thuần với tổng diện tích trên 10ha cho đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, liên kết với Công ty Quang Hà (tỉnh Điện Biên) trồng thí điểm 27ha dứa Queen; trồng 1,3ha cây hoa nhài ướp hương cho chè; xây dựng 3.000m2 nhà màng trồng dưa lưới theo kỹ thuật công nghệ cao. Song song với đó, tiến hành chăm sóc 5,7ha xoài Đài Loan, 6ha bơ và 5ha vải Phú Hộ. Đến nay, cây xoài và bơ đã cho quả bói, sản lượng xoài 2,7 tấn. Công ty đang tiếp tục chuyển đổi diện tích chè đã cỗi sang trồng cây mít ruột đỏ Indo, nâng tổng diện tích cây ăn quả khoảng 80ha.
Do các dự án trên mới đang tiến hành trồng thí điểm, doanh thu của công ty chỉ từ nguồn hoạt động sản xuất chế biến chè và kinh doanh thương mại dịch vụ. Riêng hoạt động kinh doanh, với hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí như: cà phê, sân bóng, bể bơi… đem về nguồn thu không nhỏ. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 79,2 tỷ đồng; giá trị hàng tồn kho giảm từ 30,4 tỷ đồng xuống còn 17 tỷ đồng. Theo chỉ tiêu phấn đấu năm 2023, công ty đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; thu nhập bình quân người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Với chiến lược kinh doanh Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã xác định và đang thực hiện, tin rằng sẽ phục vụ tốt cho thị trường tiêu dùng, tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho người lao động và bổ sung đắc lực cho nguồn ngân sách địa phương, thực hiện tốt triết lý “kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...