Thứ sáu, 29/03/2024, 05:33 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả khoa học công nghệ trên các lĩnh vực

Thứ hai, 25/01/2021 - 15:49'
(BLC) - Xác định hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ngành KHCN tỉnh luôn đồng hành với hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp, hợp tác với các tổ chức khoa học. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trên địa bàn.

Từng bước xây dựng môi trường pháp lý thông thoáng cho KHCN phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư, những năm qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách về KHCN. Ngành KHCN tỉnh chủ động tham mưu tổ chức triển khai, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học, thu hút hiệu quả nguồn lực từ các chương trình KHCN của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2015-2020, đã có 9 nhiệm vụ (trong 51 nhiệm vụ KHCN đang thực hiện trên địa bàn tỉnh) chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, miền núi cấp Nhà nước được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, ngành KHCN tỉnh đã chuyển giao 60 quy trình kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, 80 mô hình tại các huyện, thành phố. Tập trung vào chuyển giao các tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi cho người dân. Đồng thời, nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn các giống đặc sản, bản địa có chất lượng của địa phương để nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Hướng dẫn cấp văn bằng bảo hộ cho 33 nhãn hiệu với 27 nhãn hiệu hàng hóa thông thường và 6 nhãn hiệu chứng nhận (gạo: séng cù, tẻ râu, khẩu ký, nếp tan Co Giàng, chè: Tam Đường, Tân Uyên); 80 sản phẩm đang tiến hành đăng ký bảo hộ về sản phẩm gạo, rau thủy canh, miến dong, thổ cẩm…

Huyện Tân Uyên có nhiều tiềm năng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản với các sản phẩm chủ lực như: lúa séng cù, khẩu ký, nếp tan Co Giàng, chè, quế... Do đó, huyện đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào canh tác; hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp; tham gia chuyển giao khoa học, kỹ thuật.

Ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên chia sẻ: “Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng lúa diện tích 690ha, chè 3.152ha, cây mắc-ca 1.109,8-ha; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 132ha, sản lượng 500 tấn. Đặc biệt, huyện xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận gạo khẩu ký, nếp tan Co Giàng”.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ngành KHCN đã cung cấp luận cứ khoa học có giá trị phục vụ việc hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, đảm bảo an trật tự, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Riêng lĩnh vực cải cách hành chính, ngành KHCN chủ động, tích cực hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001. Đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước xây dựng và áp dụng, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Lãnh đạo Sở KHCN tỉnh, huyện Than Uyên thăm mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn chè giống của Công ty TNHH Tuyền Phương (huyện Than Uyên).

Lãnh đạo Sở KHCN, huyện Than Uyên thăm mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn chè giống của Công ty TNHH Tuyền Phương (huyện Than Uyên).

Ngoài ra, ngành KHCN hỗ trợ 5 doanh nghiệp đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất sản phẩm của đơn vị từ 20 - 35%, kiểm soát được chất lượng đầu ra, tăng giá trị, giảm giá thành sản phẩm khoảng 25% so với nhập từ các tỉnh. Bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường chia sẻ: “Những năm qua, ngành KHCN luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè sạch Tam Đường. Hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại; trong đó có dây chuyền hộc bảo quản chè tươi nhà máy chè Lai Châu, dây chuyền sản xuất chế biến chè CTC nhà máy chè Bản Bo. Các dây chuyền đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KHCN cho biết: “Nâng cao hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trên các lĩnh vực, làm cho KHCN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế, xã hội. Ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đã được tỉnh ban hành. Đẩy mạnh tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội. Thu hút các nhà khoa học, tổ chức khoa học ngoài tỉnh, các doanh nghiệp tham gia hợp tác để đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ”.

Hoạt động KHCN của tỉnh đã phát huy lợi thế và tiềm năng ở các địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, cải thiện đời sống người dân. Ngoài những đóng góp giá trị trực tiếp, kết quả của những đề tài, dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN cung cấp những luận cứ khoa học xác thực phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội của các cấp, ngành, địa phương. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...