Thứ bảy, 27/04/2024, 18:06 [GMT+7]

Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh

Thứ hai, 09/10/2023 - 14:20'
Những năm qua, đoàn viên Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận cao, góp phần xây dựng công ty phát triển.

Say mê, ham học hỏi, anh Đặng Trọng Đại - đoàn viên công đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường vinh dự, tự hào khi vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu xuất sắc tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Sáng kiến “Ứng dụng tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (RA) trên cây chè tại xã Thèn Sin huyện Tam Đường” của anh được công ty công nhận sáng kiến cấp cơ sở (tháng 12/2022) và tạo dấu ấn đối với ngành sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Đây là tiêu chuẩn chuỗi sản phẩm và tiêu chuẩn chứng nhận Tập đoàn Rainforest Alliance vào sản xuất trên cây chè tại Lai Châu (chương trình nông nghiệp bền vững).
Sáng kiến này được xây dựng với 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí thực hiện trên nông trại, nhà máy với mục đích nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chè khô sang các nước Châu Âu, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường. Không những vậy còn giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, cân bằng hệ sinh thái, chống xói mòn đất; tăng thu nhập 500 đồng/kg chè búp tươi (tăng 700 triệu đồng/năm/toàn vùng làm RA).
Anh Đại tâm sự: “Hơn 20 năm gắn bó với ngành chế biến chè, tôi thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không những ở Việt Nam mà cả thế giới quan tâm. Trong khi, người dân có thói quen sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè. Sáng kiến của tôi xác định các tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, nếu thực hiện tốt các tiêu chuẩn này, chất lượng sản phẩm chè nâng lên, giá bán cao hơn, nhanh thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất, thương hiệu chè Lai Châu được thị trường trong, ngoài nước đánh giá cao”.

Công nhân Nhà máy chế biến chè Lai Châu (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường) ứng dụng sáng kiến cấp cơ sở của đoàn viên Đặng Trọng Đại sản xuất chè khô trên dây chuyền đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước Châu Âu.

Không chỉ anh Đại, công ty còn có 3 đoàn viên khác cũng vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu xuất sắc tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Điển hình như: Giải pháp mô hình nhà kính phơi héo nguyên liệu chè búp tươi tại nhà máy chè Bản Bo do đồng chí Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường làm chủ nhiệm đề tài; giải pháp ứng dụng phần mềm quản lý và theo dõi thu mua nguyên liệu chè búp tươi do đồng chí Bùi Thị Kim Liễu - Quản đốc Nhà máy chế biến chè Lai Châu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường làm chủ nhiệm đề tài và “Hệ thống băng tải máy chuyển động chè sấy ra” do đồng chí Đỗ Ngọc Bình - Công nhân Nhà máy chế biến chè Lai Châu làm chủ đề tài. Các sáng kiến của đoàn viên công ty góp phần cải tiến kỹ thuật, có giá trị thực tiễn cao, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo của người lao động, đáp ứng với hoạt động kinh doanh và thị trường chè quốc tế. Khi ứng dụng vào thực tiễn, các sáng kiến mang lại giá trị lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm cao của công đoàn viên đồng hành cùng công ty và ngành Chè, từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Để khích lệ công nhân, người lao động thi đua cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả lao động sản xuất, Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường tích cực triển khai các chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”; “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Qua đó, đã nhận được 25 sáng kiến cấp cơ sở, 4 sáng kiến cấp tỉnh. Các tổ công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, công ty có trên 800 lượt đoàn viên công đoàn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 14 lượt tập thể, cá nhân được UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chị Bùi Thị Kim Liễu - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường khẳng định: “Hàng năm, đoàn viên công đoàn đăng ký thi đua gắn với mục tiêu cụ thể như: nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp, có tích lũy, tăng thu nhập cho người lao động và cải thiện môi trường làm việc. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật là tiêu chí để lãnh đạo công ty xét nâng lương trước thời hạn và thưởng định kỳ”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực, có vai trò quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên thị trường trong và ngoài nước. Có nhiều đơn hàng đồng nghĩa với việc công ty tăng doanh thu, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho người lao động.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...