Thứ sáu, 29/03/2024, 20:16 [GMT+7]

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ sáu, 14/08/2020 - 12:12'
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, trong đó lĩnh vực trồng trọt là mũi nhọn, xã Tà Hừa (huyện Than Uyên) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhờ đó, nền kinh tế của xã ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Chúng tôi cùng lãnh đạo Đảng ủy xã Tà Hừa đến thăm Noong Ma - bản nghèo nhất và cũng là bản có “kỳ tích” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Dẫn chúng tôi đi thăm các ruộng lạc, đồi chè, trưởng bản Lò Văn Sáng háo hức chia sẻ: Ngày trước, diện tích này đều là những vùng đất bỏ hoang hoặc chân ruộng 1 vụ bỏ trống. Nhưng được lãnh đạo, cán bộ xã nhiệt tình xuống tận nơi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm kinh tế để thoát nghèo nên bà con vui lắm, tích cực khai hoang đất để trồng chè, trên ruộng 1 vụ thì trồng lạc. Lúc người dân trong bản làm đất trồng hay chăm sóc cây trồng đều có cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Từ việc bà con trong bản quanh năm chỉ biết trồng cây lúa, ngô, sắn đảm bảo lương thực, thì nay bà con trong bản thay đổi nếp nghĩ trồng thêm nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao cho thu nhập lâu dài. Hiện nay, bản trồng được 70ha chè (từ năm 2018), 2ha lạc (vụ đầu tiên), 8ha lúa (năng suất bình quân đạt 50tạ/ha), hơn 6ha ngô và sắn.
Xã Tà Hừa có 8 bản, 482 hộ dân, 3 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng sinh sống. Tận dụng các nguồn vốn từ các chương trình nông thôn mới, 30a/CP, 135/CP… xã tập trung làm đường giao thông, đường sản xuất nội đồng, đường sản xuất vùng chè, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại; tu sửa, nâng cấp, làm mới hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; huy động lực lượng từ các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân tích cực đóng góp ngày công lao động làm đường, khơi thông kênh mương.

Lãnh đạo xã Tà Hừa (huyện Than Uyên) cùng người dân bản Noong Ma kiểm tra cây lạc.

Đồng chí Lê Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Tà Hừa cho biết: Để thay đổi được nếp nghĩ, nếp làm trong sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, cán bộ xã, trưởng các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; phát huy vai trò của đội ngũ bí thư, trưởng bản, đảng viên tiên phong thực hiện trước. Khai thác lợi thế, tiềm năng về nguồn nước, đất đai, khí hậu, tận dụng đặc điểm là xã duy nhất của huyện cấy được lúa nếp Tan Pỏm vào vụ mùa nên xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân 3 bản Cáp Na 1, 2, 3 mở rộng diện tích gieo trồng loại lúa đặc sản này. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, xã tích cực hỗ trợ phân bón cho bà con; phối hợp cùng cán bộ nông nghiệp huyện xuống các bản hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng bệnh để lúa đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Hiện nay, xã đang đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa; dự kiến vụ mùa năm nay, xã sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch gieo cấy lúa nếp tan pỏm của huyện (26ha).
Thực hiện Đề án trồng chè chất lượng cao của tỉnh, xã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng trồng chè; vận động Nhân dân tham gia khai hoang, mở rộng diện tích trồng chè trên các bãi đất bỏ hoang; tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng chè. Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã trực tiếp xuống đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các khâu làm đất, đào hố; huy động cán bộ, công chức và đoàn viên giúp các hộ dân trồng chè để đảm bảo tiến độ. Được biết, từ năm 2017 đến nay, xã Tà Hừa trồng được 160ha chè, trong đó 50ha chè bước đầu đã cho thu hoạch với sản lượng 2 tấn/ha. Hiện, bà con đã làm xong hơn 20ha đất tiếp tục thực hiện trồng chè theo kế hoạch của xã. Ngoài ra, Nhân dân trồng được 43ha cây mắc-ca xen chè.
Với Đề án trồng quế, trên diện tích trồng năm 2015 bị chết do ảnh hưởng của thời tiết và một phần do kinh nghiệm trồng, chăm sóc còn hạn chế, bà con trong các bản chủ động, thống nhất lấy tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm để mua cây giống trồng dặm, trồng mới. Đến nay, xã đã trồng được 154ha quế.
Cùng với trồng lúa, ngô, 3 năm trở lại đây, Nhân dân Tà Hừa còn chú trọng việc nhân giống thuần chủng và mở rộng diện tích đất trồng tỏi, lạc đỏ mang thương hiệu của xã trên ruộng 1 vụ, gối vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong huyện và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) và tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích cấy lúa 128ha (trong đó lúa nếp tan pỏm trên 26ha), năng suất lúa bình quân đạt 55 tạ/ha; 82ha ngô với năng suất 38 tạ/ha; trên 40ha sắn, 18ha lạc, trên 10ha rau đậu các loại, tỏi… thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm (năm 2019), số hộ nghèo giảm còn 116 hộ.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...