Thứ bảy, 27/04/2024, 01:30 [GMT+7]

Đổi thay xã Mường Tè

Thứ sáu, 27/11/2020 - 07:32'
(BLC) - Hòa nhịp cùng sự phát triển của tỉnh, đất nước, xã Mường Tè (huyện Mường Tè) từng bước đổi thay từ những kế hoạch, biện pháp đúng đắn của cấp ủy, chính quyền xã và nỗ lực cố gắng của Nhân dân.

Đến xã Mường Tè những ngày cuối năm, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự vươn mình mạnh mẽ ở xã vùng cao. Đường giao thông nông thôn được cứng hóa, trường học, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí đầu tư xây dựng khang trang. Nhưng thay đổi lớn nhất là những mảnh ruộng, khu đất nương, đồi khô cằn bỏ hoang hóa trước đây giờ được cải tạo thành ruộng nước, nương ngô, trang trại của nhiều hộ dân. Với bản chất cần cù, chịu khó và mong muốn thay đổi của người dân đã vẽ lên bức tranh nông thôn đầy sắc màu.

Để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên của xã tích cực bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, động viên xóa bỏ hủ tục, tư tưởng ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ để tự vươn lên.

Người dân bản Giẳng (xã Mường Tè) nâng cao thu nhập từ chăn nuôi.

    Người dân bản Giẳng (xã Mường Tè) nâng cao thu nhập từ chăn nuôi.

Giảm nghèo bền vững từ khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, 1.110 hộ dân ở 7 bản của xã đã quyết tâm vượt khó vươn lên. Từ sản xuất lúa 1 vụ nay tăng lên 2 vụ, thay thế giống ngô, lúa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch nông sản. Trên diện tích 363ha đất nông nghiệp của xã, năng suất ngô, thóc đạt từ 30-51 tạ/ha, giữa 2 vụ đông xuân và mùa, bà con xen canh rau màu vụ đông. 

Ông Lù Văn Thính (bản Giẳng) chia sẻ: Nhờ có cán bộ xã định hướng, tôi vay vốn đầu tư làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Tích cực học hỏi kinh nghiệm từ dân bản, kiến thức từ lớp dạy nghề để đầu tư hiệu quả. Năng suất cây trồng, số lượng vật nuôi của gia đình không ngừng tăng lên. Từ nuôi gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và thâm canh tặng vụ lúa, rau màu, gia đình tôi thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Tôi còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong bản kinh nghiệm phát triển kinh tế để cùng nhau làm giàu.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, Nhân dân trong xã chủ động trồng cỏ voi, xây dựng chuồng trại, quy hoạch bãi chăn thả. Hiện nay, toàn xã có 3.195 con gia súc và gần 25.000 con gia cầm. Đồng thời, đào ao thả cá, tận dụng mặt nước sông Đà nuôi cá lồng.

Kinh tế phát triển, nhiều hộ đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ, duy trì nghề truyền thống: thêu dệt thổ cẩm, rèn đúc, nấu rượu... Nhân dân chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng để hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2019, toàn xã được nhận gần 13 tỷ đồng từ nguồn tiền này. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 7,68%, thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm.

Cuộc sống đổi thay, người dân quan tâm đến việc học của con em, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự. Tình làng, nghĩa xóm được đề cao, không chỉ giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn còn chung sức nâng cao các tiêu chí nông thôn mới với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm".

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, xã tiếp tục đưa các loại cây, con giống có chất lượng vào sản xuất; phối hợp với các phòng, ban chuyên môn đưa sản phẩm nông sản của xã vươn ra thị trường trong và ngoài huyện; nhân rộng cách làm hay, mô hình kinh tế tiêu biểu. Quyết tâm phấn đấu hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 5%.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...