Thứ bảy, 27/07/2024, 07:56 [GMT+7]

Cây chanh leo trên đất Dào San

Thứ hai, 20/11/2023 - 11:12'
Nhằm nâng hiệu quả sử dụng đất, đưa các loại cây ăn quả vào trồng thay thế diện tích lúa, ngô cho năng suất thấp, thời gian qua, một số hộ dân của xã Dào San (huyện Phong Thổ) trồng thử nghiệm cây chanh leo. Hiện, chanh leo đang dần khẳng định vị thế khi đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Tới bản Dền Thàng B hỏi về mô hình trồng chanh leo và phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Giàng A Nủ ai cũng biết. Bởi, anh là người đầu tiên của xã trồng chanh leo. Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm vườn chanh leo của gia đình anh Nủ. Quãng đường khá vất vả khi thời điểm này, trên địa bàn Dào San thường có mưa phùn, con đường mòn do người dân tự mở có độ dốc cao nên trơn trượt, phải đi bộ gần 1km.
Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, anh Nủ cho biết: Sau nhiều lần đi đến các xã trong và ngoài huyện, tôi thấy bà con trồng cây chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế. Tôi tìm hiểu và được biết cây chanh leo tím thích hợp trồng ở vùng á nhiệt đới, độ cao trung bình từ 1.000 - 2.000m so với mực nước biển. Trong khi Dào San thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp trồng loại cây này. Nhất là trồng chanh leo không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ít. Tháng 12/2022, tôi đầu tư trồng 2ha chanh leo tím trên đất nương. Vừa làm tôi vừa tìm tòi, học hỏi trên mạng và qua sách, báo kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc chanh leo đảm bảo đúng kỹ thuật.

Cán bộ xã Dào San thăm mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Giàng A Nủ.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu đất nương trồng 1.200 gốc chanh leo đang sinh trưởng tốt và đã cho quả, anh Nủ hồ hởi: “Chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 5 năm. Trong khi đó, cần lưu ý chuẩn bị đất trước 1 tháng, làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật rồi rắc vôi để khử trùng đất, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển. Đặc biệt, tôi lựa chọn sử dụng phân chuồng để bón cho cây. Chanh leo không bị sâu bệnh và tháng 5 vừa rồi cho lứa quả đầu tiên với sản lượng và chất lượng khá tốt. Giá bán lẻ từ 10-15 nghìn đồng/kg tùy thời điểm và tùy loại quả.
Quả chanh leo của gia đình anh Nủ có vị chua nhẹ, ngọt hậu, khách hàng phản hồi khá tốt và thường đặt hàng với số lượng lớn, thường xuyên. Chỉ sau 7 tháng bán quả, gia đình anh thu hơn 70 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Trồng chanh leo không chỉ đem lại thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình và một số lao động nông thôn trong và ngoài xã.
Chia sẻ với chúng tôi về triển vọng của cây chanh leo, anh Vương Biên Thùy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thành công từ mô hình trồng chanh leo của anh Giàng A Nủ đã khẳng định được sự phù hợp cũng như lợi ích mà cây chanh leo mang lại. Do đó, xã đã khảo sát nguyện vọng của bà con trên địa bàn và xây dựng kế hoạch trình huyện để xin chủ trương hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật triển khai nhân rộng mô hình. Qua đăng ký của bà con và căn cứ điều kiện thực tế, dự kiến tới đây, xã sẽ triển khai trồng 21ha chanh leo. Để đảm bảo kế hoạch trồng và đem lại năng suất, sản lượng tốt, vừa qua UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp dạy kỹ thuật trồng chanh leo cho trưởng bản, bí thư chi bộ và người dân trên địa bàn.
Anh Gì A Hồ ở bản Hợp 2 chia sẻ: Được cán bộ xã vận động, nhất là hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chanh leo của anh Nủ tôi đã đăng ký trồng 600 gốc chanh leo. Vừa qua, tôi tham gia lớp dạy kỹ thuật trồng chanh leo nắm được những kiến thức cơ bản từ cách đào hố, kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhận biết, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Hiện, gia đình tôi đang làm đất và khi được Nhà nước cấp giống sẽ tiến hành trồng. Hy vọng cây chanh leo sẽ phát triển tốt, mang lại thu nhập cho gia đình đúng như kỳ vọng.
Với sự chủ động cùng quyết tâm phát triển cây chanh leo của chính quyền, nhân dân Dào San, hy vọng chanh leo sẽ tiếp tục bám rễ sâu, cho thêm nhiều mùa quả ngọt.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.