Thứ ba, 30/04/2024, 08:40 [GMT+7]

Chăn nuôi thời bão giá: Con giống cũng lao đao

Thứ hai, 27/08/2012 - 09:06'
Hiện nay, không chỉ người chăn nuôi gà, lợn thương phẩm rơi vào cảnh khốn khó mà các cơ sở sản xuất con giống chăn nuôi cũng ở trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". 

Làm ăn thua lỗ, nhiều cơ sở sản xuất giống không chỉ phải giảm đàn, treo chuồng mà còn phải nuôi con giống thành gà, lợn thương phẩm. Vậy đâu là giải pháp để cứu các hộ sản xuất giống bảo đảm cung cấp đủ giống cho người chăn nuôi tái đàn những tháng cuối năm.

Các trang trại nuôi lợn giống cũng lao đao vì giá xuống thấp.

Cơ sở sản xuất không đủ sức cầm cự

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, hiện tại giá lợn thương phẩm giảm từ 20 đến 30%, người chăn nuôi thua lỗ triền miên dẫn tới treo chuồng nên số lượng giống lợn bán ra trong mấy tháng nay giảm mạnh (25-30%). Hiện giá con giống đã đồng loạt giảm từ 30-60% so với thời điểm đầu năm 2012. Chủ nhiệm HTX chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, là HTX có 1.000 lợn nái và chưa năm nào việc kinh doanh con giống lại khó khăn như hiện nay. Giá lợn giống loại 7kg chỉ còn 1,2 triệu đồng/con, giảm 3-5 triệu đồng/con so với đầu năm. Mặc dù giá con giống đã xuống rất thấp nhưng việc tiêu thụ gần như đình trệ. Nhiều chủ trang trại rất muốn tái đàn nhưng không còn vốn, lại lo sợ dịch bệnh... Hiện tại, HTX chỉ bán được 30% số lượng lợn giống, còn lại phải nuôi thành lợn thương phẩm trong bối cảnh giá lao dốc không phanh, mỗi cân thịt hơi bị lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng làm cho xã viên khốn đốn.

Việc nuôi lợn giống ở các cơ sở lớn ở tình trạng hòa hoặc lỗ ít nhiều nhưng nuôi giống ở các hộ dân thì thua lỗ rất nặng. Chị Phạm Thị Sẻ ở huyện Thanh Oai cho biết, gia đình chị nuôi 2 lợn nái, mỗi lứa cho xuất chuồng 15-20 con, ở thời điểm đầu năm lợn giống có giá 75.000 đồng/kg thì có lãi 2-3 triệu đồng/lứa, nay lợn giống xuống còn 53.000 đồng/kg coi như lỗ vốn nhưng cũng rất ít người mua. Những người nuôi giống gia cầm cũng ở trong tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Tích Phương ở xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ) cho biết, đang phải bỏ nhiều lò ấp trứng do giá giống giảm từ 40 đến 50%. Trước kia cơ sở nuôi 15.000 con gà giống thì nay giảm xuống còn 10.000 con và giá bán cũng rất rẻ, từ đầu năm đến nay cơ sở sản xuất của anh lỗ hàng chục triệu đồng. Nếu thời gian tới giá giống không tăng thì cơ sở không thể cầm cự nổi. 

Hỗ trợ và kiểm tra chất lượng giống

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, giá giống giảm mạnh, tiêu thụ chậm khiến hàng loạt cơ sở sản xuất giống phải treo chuồng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, nếu tình trạng này không được cải thiện thì nguy cơ thiếu nguồn giống sẽ xảy ra. Hiện mùa đông đang đến gần cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, vì vậy nếu người chăn nuôi không có biện pháp phòng tránh sẽ mất "cả chì lẫn chài". Do đó, để giúp các cơ sở sản xuất giống thoát khỏi cơn khủng hoảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn để các cơ sở sản xuất giống duy trì đàn lợn nái, đàn gia cầm bố mẹ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) nhận định, mặc dù lúc này đang là thời điểm khó khăn nhưng các hộ chăn nuôi không nên giảm đàn giống, nhất là đàn lợn nái bởi những tháng cuối năm giá thực phẩm sẽ tăng vì nhu cầu dùng nhiều. Đó là thời điểm thuận lợi để các hộ chăn nuôi tái đàn và mua con giống về nuôi nên giá giống sẽ phục hồi. Tuy nhiên, để các cơ sở sản xuất giống cầm cự được trong thời gian này, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Hiện tại, theo Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển nhưng nhiều nông dân chưa được tiếp cận. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần phối hợp tích cực, tạo điều kiện cho nông dân được hưởng hỗ trợ từ đề án. 

Tuy nhiên về lâu dài, để chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững, ngoài cơ sở sản xuất giống của Nhà nước, ngành nông nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển giống vật nuôi trong dân và tư nhân theo hướng hiện đại, tránh tình trạng giá giống ngoại át giống nội trong thời điểm giá giống đang giảm mạnh như hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành chức cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc nhập lậu con giống xử lý triệt để tình trạng giống kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường để ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ người chăn nuôi.

Theo Quỳnh Dung (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...