Thứ bảy, 27/07/2024, 07:49 [GMT+7]

Góp phần quan trọng đưa Lai Châu từng bước phát triển toàn diện và bền vững

Thứ hai, 13/11/2023 - 15:35'
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành các chính hỗ trợ sản xuất cho từng vùng đất “đậu trái ngọt”. Nhờ đó đã tạo ra những gam màu sáng cho bức tranh nông nghiệp Lai Châu. Góp phần quan trọng đưa Lai Châu từng bước phát triển toàn diện và bền vững.

Theo đó nhiều chính sách hỗ trợ như: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển rừng bền vững; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; phát triển một số cây dược liệu; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quá trình triển khai đã gắn với đặc thù vùng sinh thái, tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương nhằm tạo vùng nguyên liệu, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Lúa hàng hóa, lúa đặc sản, chè, mắc-ca phát triển tập trung tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ; hay hoa địa lan tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ; nuôi cá lồng tại khu vực lòng hồ các công trình thủy điện; nuôi cá nước lạnh…
Vừa qua, chúng tôi cùng đoàn công tác của tỉnh đến thăm vùng trồng giổi ở khe Nậm Sắt do 8 hộ trên địa bàn xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên) chung vốn thực hiện. Ban đầu, các hộ chỉ trồng 20ha cây giổi ở bản Hua Cần (điểm Hô Tra), nhận thấy cây bén rễ nhanh, lên xanh tốt, năm 2022, các hộ tiếp tục trồng thêm 30ha ở khu vực khe Nậm Sắt, đến nay tổng diện tích đã lên tới 50ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ 40% giá giống. Đối với trồng dặm năm thứ 2, Nhà nước hỗ trợ 100% giống (tối đa 10% so với mật độ thiết kế). Đồng thời, hỗ trợ công lao động đối với năm đầu là 4 triệu đồng/ha và giảm dần qua các năm.
Anh Nguyễn Quang Thành ở bản Nà Phát (đại diện các hộ trồng giổi) cho hay: Nhóm hộ đã được hỗ trợ gần 100 triệu đồng theo chính sách phát triển rừng bền vững của tỉnh, nhờ đó tạo động lực bám đất, trồng rừng.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện Tân Uyên tham quan mô hình trồng cây giổi tại xã Nậm Cần.

Thực hiện chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; phát triển rừng giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong 5 năm qua, huyện Tân Uyên được giao nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách được chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nội dung hỗ trợ giúp người dân nắm rõ, hiểu sâu. Bà con tiếp cận được chính sách, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động hơn trong việc ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận.
Ở các địa bàn trong tỉnh, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp giúp người dân tích cực, sáng tạo hơn trong cách làm nông nghiệp. Nhờ vậy, những cánh đồng, thửa ruộng, mảnh đất trống đều được phủ xanh bởi lúa, ngô, rau, màu và cây rừng.
Theo đánh giá của ông Đặng Văn Châu - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất hàng hóa, kinh tế nông nghiệp. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội. Đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn như: Vùng lúa hàng hóa trên 3.800ha, chè 9.560ha, mắc-ca 6.603ha, quế trên 11.400ha, cao su 12.944ha, cây ăn quả trên 8.400ha… Gắn với vùng sản xuất là 38 cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm nghiệp đã đi vào hoạt động và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các nghị quyết, đề án, quyết định của tỉnh đã đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu thực hiện còn thấp. Đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, tổ hợp tác… thuộc đối tượng thụ hưởng nắm được nội dung hỗ trợ để chủ động tiếp cận, đăng ký tham gia. Vận động, khuyến khích người dân thực hiện việc chuyển đổi các diện tích đất hoang hóa, đất canh tác cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Song song với đó, chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp. Tổ chức triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tích tụ tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thường xuyên đối thoại giữa các cơ quan triển khai nghị quyết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, đối tượng thụ hưởng đề án, nghị quyết để thống nhất các nội dung, cơ chế, trình tự thủ tục triển khai thực hiện. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Thu Trang - Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.