Thứ ba, 07/05/2024, 18:37 [GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình nuôi gà thương phẩm

Thứ ba, 05/03/2024 - 08:10'
(BLC) - Gần đây Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ đã phối hợp với Tổ chức Plan international vùng Lai Châu triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Hoang Thèn. Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ là cơ quan chuyên môn của huyện, thời gian qua, Trung tâm đã trực tiếp và phối hợp triển khai rất nhiều mô hình mới đến người dân các xã như: nuôi gà, gieo cấy lúa, trồng đậu tương, lạc... Các mô hình sau khi triển khai đã mang lại hiệu quả, giúp người dân có thêm kiến thức bổ ích trong trồng trọt, chăn nuôi. Phát huy kết quả đó và hướng đến mục tiêu đa dạng hóa hình thức chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những mô hình mới, cách làm hay để ứng dụng vào quá trình phát triển kinh tế của gia đình, Trung tâm phối hợp với Tổ chức Plan international vùng Lai Châu triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Hoang Thèn.

Mô hình nuôi gà được triển khai theo dự án “Trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu”.

Mô hình nuôi gà được triển khai theo dự án “Trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu”.

Để hiểu hơn về mô hình, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phàn Văn Dũng ở bản Huổi Luông. Anh Dũng là đoàn viên, thanh niên chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên do tuổi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên trước đây gia đình anh chỉ dám nuôi gà với số lượng ít, phục vụ nhu cầu cải thiện bữa ăn gia đình, thỉnh thoảng bị dịch bệnh, gà chết hết thì công sức bằng không. Tháng 9/2023, được Đoàn xã giới thiệu và vận động nuôi gà theo mô hình của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ và Tổ chức Plan international vùng Lai Châu, anh Dũng đã mạnh dạn đăng ký tham gia.

Anh Dũng chia sẻ: “Sau khi được bàn giao 40 gà con, gia đình tôi chăm sóc theo đúng hướng dẫn. Lúc gà nhỏ ngày nào tôi cũng cho gà ăn 3 bữa, thậm chí đêm cũng cho ăn, kết hợp kiểm tra nhiệt độ đảm bảo đủ ấm cho gà. Khi gà ốm tôi cũng đăng lên Zalo nhóm mô hình hỏi và được các cán bộ hướng dẫn tận tình, xử lý triệt để tình trạng đó. Khi gà lớn hơn, tôi cho ăn nhiều cám gạo, ngô kết hợp. Giờ gà lớn rất nhanh, về tốc độ tăng trưởng gà của mô hình lớn nhanh gấp 2-3 lần so với gà được chăm sóc theo cách truyền thống hiện gà đạt 1,7-1,8kg/con, gia đình tôi có gà bán ra thị trường và có gà bố mẹ làm giống để chăn nuôi số lượng lớn hơn trong vụ sau”.

Người dân xã Hoang Thèn tham quan mô hình gà tại hộ gia đình anh Phàn Văn Dũng ở bản Huổi Luông.

Người dân xã Hoang Thèn tham quan mô hình gà tại gia đình anh Phàn Văn Dũng ở bản Huổi Luông.

Được biết, tham gia mô hình lần này có 40 hộ gia đình chủ yếu là thanh niên ở 2 bản: Huổi Luông, Mồ Sì Câu (xã Hoang Thèn). Các hộ được hỗ trợ 100% về con giống (mỗi hộ 40 con gà ri chân vàng thuần chủng). Điều này giúp giảm chi phí đầu vào cho các gia đình. Đặc biệt, người dân còn được hỗ trợ thêm thức ăn, vắcxin, thuốc thú y và được hướng dẫn, chuyển giao nhiều kỹ thuật trong chăn nuôi. Có thể kể đến kỹ thuật úm gà lúc còn nhỏ, sử dụng vắcxin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ không để nền ướt, phun hóa chất sát trùng định kỳ, chế độ ăn uống đảm bảo, máng ăn, máng uống luôn sạch sẽ. Nhờ cách làm phù hợp, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt. Sau gần 4 tháng triển khai, mỗi con gà có trọng lượng trung bình 1,6-1,8kg/con. Với giá bán 150.000 đồng/kg, mô hình mang về thu nhập cho người chăn nuôi bình quân từ 800.000-950.000 đồng/tháng.

Đồng chí Chang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn cho biết: “Gà ri chân vàng thuần chủng là giống gà tốt, có nhiều ưu điểm như: tỷ lệ sống cao (đạt 95%), dễ thích nghi, nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thịt chắc, thơm ngon và hàm lượng mỡ trong thịt ít, giá trị kinh tế cao. Khi triển khai mô hình bà con ngoài việc có thu nhập còn từng bước thay đổi dần phương thức nuôi gà thả rông, chưa chăm sóc kỹ chuyển sang bán nuôi nhốt, chăm sóc kỹ lưỡng từng khâu, đảm bảo thu nhập, cải thiện bữa ăn, có nguồn giống tốt cho lứa sau, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và yếu tố môi trường”.

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà cho đoàn viên, thanh niên ở Hoang Thèn, cung cấp sản phẩm thịt gà an toàn cho thị trường. Ngoài ra, mô hình là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trong bản, xã, vùng lân cận. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân, nhất là thanh niên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu chính đáng.

Trên cơ sở thành công mô hình, thời gian tới xã Hoang Thèn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân các bản để lại một phần gà đã nuôi được làm con giống bố mẹ nhân rộng mô hình tại các gia đình và sang các bản khác. Hy vọng, với cách làm này hiệu quả mô hình sẽ tiếp tục được lan tỏa, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...