Thứ bảy, 27/04/2024, 06:02 [GMT+7]

Hiệu quả từ phục tráng các giống lúa bản địa

Thứ tư, 28/07/2021 - 16:08'
Tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu, tiềm năng đất đai đặc biệt là những giống lúa bản địa, những năm qua, tỉnh chú trọng đến việc phục tráng và duy trì các giống lúa chất lượng cao mang tính chất đặc trưng của địa phương. Qua đó, xây dựng một số loại gạo đặc sản thơm, ngon, có độ dinh dưỡng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều giống lúa địa phương đang được trồng hằng năm. Việc đa dạng nguồn giống mang lợi thế không bị áp lực chọn lọc của sâu bệnh nhưng lại gây ra đa chủng nguồn giống. Mặc khác, do khí hậu nhiệt đới gió mùa mà tình trạng thoái hóa giống xảy ra rất nhanh; dẫn đến sâu bệnh nhiều, chất lượng lúa, gạo kém. Một giống mới khi ra đời trải qua 4-5 vụ là năng suất đã giảm hẳn. Thực tế thời gian qua, một số giống mới đưa ra sản xuất có rất nhiều giống lúa chỉ cho năng suất trung bình mà chưa hơn những giống lúa cũ, do không được chọn lại. Trong khi đó, những giống như vậy thường bị bà con nông dân bỏ đi nhưng thực tế chúng vẫn có nhiều đặc tính tốt.

Giống lúa tẻ râu được bà con xã Mường So (huyện Phong Thổ) gieo cấy cho năng suất, sản lượng cao.

Một số giống lúa dùng trong sản xuất đại trà ở Lai Châu khoảng 15-20 giống bao gồm những giống lai tạo trong nước hoặc nhập nội. Diện tích trồng các giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (gạo thon dài, không bạc bụng) mới chiếm khoảng 5-10%, nhưng phân tán. Hạt giống dùng trong sản xuất chưa thuần, tỷ lệ lẫn cao. Mặt khác, nông dân tiếp thu giống mới tương đối nhanh nhưng lại rất ít chú ý đến sản xuất và sử dụng giống thuần; khả năng sản xuất hạt giống lúa cung cấp cho nông dân chỉ mới đáp ứng nhu cầu 10-15%.

Trước yêu cầu đỏi hòi từ thực tiễn sản xuất tại địa phương, việc phục tráng giống lúa đặc sản bản địa chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao về gạo chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, chủ động nguồn giống. Do đó, tỉnh chú trọng đến việc phục tráng và duy trì các giống lúa đặc sản chất lượng cao mang tính chất đặc trưng của địa phương. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lai Châu đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phục tráng thành công 2 giống lúa đặc sản thơm ngon của địa phương đã bị thoái hóa: khẩu ký, nếp tan co giàng của huyện Tân Uyên. Khi được phục tráng, 2 giống có khả năng chống chịu tốt, thích nghi điều kiện sinh thái tại địa phương, chất lượng dẻo rất thơm, có vị ngọt đậm.

Chị Lò Thị Yên ở xã Pắc Ta cho tâm sự: “Khi giữ được giống lúa nếp tan co giàng nguyên chủng, gia đình tôi đã đưa vào gieo trồng và thu hoạch được 1,2 tấn thóc nếp. Hiện nay, 1kg gạo nếp có giá thị trường trên 30 nghìn đồng. Gạo được khách hàng thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá ngon, chất lượng, dẻo thơm”.

Trong giai đoạn 2012-2015, Sở KH&CN đặt hàng với Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện phục tráng và phát triển giống lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ. Trung tâm đã thực hiện các bước điều tra khảo sát tình hình sản xuất giống tẻ râu, nghiên cứu phục tráng, xây dựng quy trình sản xuất thâm canh, xây dựng mô hình sản xuất trình diễn, nhân rộng mô hình tại xã: Mường So, Nậm Xe, Khổng Lào. Sau khi thành công, đã chọn được hỗn hợp dòng đạt 300kg cấp hạt siêu nguyên chủng. Giống sau khi được phục tráng vẫn giữ được các đặc điểm của giống gốc; khi nấu, cơm ngon có mùi thơm và dẻo, cho năng suất đạt 4,5 tấn/ha (tăng từ 15% so với trước đây). Đặc biệt, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị bệnh, bông trỗ đều, tỷ lệ hạt chắc cao.

Từ năm 2018-2020, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Sở KH&CN Lai Châu, UBND huyện Tân Uyên phục tráng thành công giống lúa nếp khẩu hốc đã chọn ra 41 dòng phù hợp với bảng mô tả giống gốc, sau khi hỗn hợp dòng tạo ra được 1.100kg hạt giống đạt cấp siêu nguyên chủng.

Tiến sỹ Dương Đình Đức - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Lai Châu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có nền thực vật phát triển phong phú. Trong hệ thực vật phong phú có các giống lúa được coi là đặc sản của địa phương như: khẩu ký, séng cù, nếp tan pỏm, tà cù, tẻ râu, nếp khẩu hốc… các giống đều có chung nguồn gốc chất lượng gạo cao. Quá trình phát triển kinh tế, du nhập các giống lúa mới nên các giống lúa đặc sản của địa phương không giữ được đặc tính di truyền ban đầu và có nguy cơ thoái hóa cao. Nếu không có biện pháp kịp thời để phục tráng nguyên chủng thì tương lai tỉnh sẽ mất đi các giống lúa đặc sản nói trên. Vì vậy, Sở tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu nhằm phục tráng các tính trạng ban đầu và tạo ra hạt giống siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất cho người dân”.

Cũng theo tiến sỹ Dương Đình Đức, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 6 loại giống bản địa đã được phục tráng: khẩu ký, nếp tan co giàng, nếp khẩu hốc, tả cù, séng cù, tẻ râu; đặc biệt, trong thời gian 36 tháng kể từ năm 2021, Sở đặt hàng Trung tâm chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông và Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hai giống lúa khẩu lương phửng (Phong Thổ) và nếp tan pỏm (Than Uyên). Qua đó, chọn lọc được dòng thuần của 2 giống nhằm cung cấp cho sản xuất hạt giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu cho 2 giống lúa này.

Cùng với việc phục tráng, một số giống lúa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: gạo tẻ râu Phong Thổ; gạo séng cù Than Uyên; gạo khẩu ký Tân Uyên và gạo nếp tan co giàng Tân Uyên. Các loại gạo đặc sản có giá trị thương mại cao, được tiêu thụ về thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, với giá bình quân từ 22.000-30.000 đồng/kg, cho thu nhập gấp hơn 2 lần so với sản xuất lúa gạo thông thường đại trà.

Việc phục tráng các giống lúa bản địa sẽ góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng quý địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác; tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...