Thứ hai, 06/05/2024, 15:59 [GMT+7]

Huyện Than Uyên: Khởi sắc từ các chương trình, dự án

Thứ sáu, 24/08/2012 - 23:05'
(BLC) - Từ nguồn hỗ trợ các chương trình, dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước như: Chương trình 135, 30a, 167… kinh tế - xã hội của huyện ngày càng khở sắc.

Xác định các chương trình, dự án của Chính phủ là cơ hội lớn để huyện bứt phá, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, huyện đã tích cực huy động các nguồn vốn khác nhau cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, trong đó có nguồn huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, cộng đồng và người lao động.

Anh Lường Văn Xiên (bản Én Nọi, xã Mường Than, huyện Than Uyên) xát thóc cho bà con trong bản.

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, Ban Điều hành chương trình, dự án huyện đã tổ chức, phân công, lồng ghép các nguồn vốn từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Đồng thời, huyện cũng ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: giao thông liên thôn, liên xã, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường, trạm, nhà ở cho hộ nghèo…

Đồng chí Nùng Văn Nim – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Để thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, huyện đã nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của người dân từ việc xây dựng kế hoạch đến giám sát đánh giá kết quả. Theo đó, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao dân trí, tính chủ động của người dân trong lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới, huy động nguồn lực xã hội là cơ sở thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo vững chắc cho đồng bào”.

Anh Vàng Văn Định (bản Mé, xã Mường Cang) phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc mang lại thu nhập cao.

Từ chính sách hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a, 116 hộ nông dân ở bản Lướt, bản Là 1, Là 2 (xã Mường Kim) được hỗ trợ 116 con bò giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ được hỗ trợ bò giống, các hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón và giống cỏ để trồng nhằm cung cấp thức ăn cho đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh triển khai mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học quy mô 6.600 con gà giống Lương Phượng cho 74 hộ xã Mường Cang và thị trấn Than Uyên. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% về giống và nguồn thức ăn với tổng giá trị gần 600 triệu đồng. Trong đó, trung bình mỗi hộ được nhận nuôi từ 80 - 100 con gà.

Sau khi thực hiện mô hình các hộ nông dân đã nắm bắt được một số kỹ thuật trong chăn nuôi như: phương pháp chọn giống, cách phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, xây dựng chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Từ đó áp dụng vào chăn nuôi tại các hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản, những năm trước đây cuộc sống gia đình anh Lường Văn Xiên (bản Én Nọi, xã Mường Than) gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự hỗ trợ từ các chương trình xóa đói giảm nghèo của trung ương và địa phương cùng với sự vươn lên làm giàu, gia đình anh tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Đến nay, gia đình anh đã có 20 con bò, 20 con lợn, 250 con gà... Với 600m2 diện tích mặt ao, anh thả các loại cá như: trắm, rô phi, chép và trồng 2,5ha cây thảo quả. Tổng thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng.

Xác định muốn xóa nghèo nhanh và bền vững thì trước hết phải ổn định chỗ ở cho dân nên sau 2 năm thực hiện Quyết định 167/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính Phủ về xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đến nay huyện Than Uyên đã xây dựng được 1.060 ngôi nhà với tổng kinh phí 19.984 triệu đồng tạo điều kiện cho các hộ nghèo yên tâm sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích…huyện thực hiện phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, vận động các gia đình có kinh tế khá, giàu giúp đỡ các hộ gia đình còn gặp khó khăn về vốn, giống.

Theo đó, huyện đã triển khai hiệu quả, linh hoạt, lồng ghép đồng bộ các chương trình, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng các công trình hạ tầng như: thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ máy móc, kinh phí khai hoang…Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm qua từng năm; năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 34,84% (tiêu chí mới).

Mục tiêu xoá đói giảm nghèo của huyện Than Uyên trong thời gian tới là tổ chức lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án, đặc biệt là chương trình di dân tái định 2 công trình Thuỷ điện Huội Quảng và Bản Chát, gắn công tác ổn định đời sống của nhân dân tại nơi ở mới với việc đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh và cấp đất sản xuất cho người dân. Qua đó, tạo cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nội lực của nhân dân ngày càng cao hơn.

 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...