Thứ bảy, 27/07/2024, 10:54 [GMT+7]

Lợi ích kép từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Bản Bo

Thứ ba, 05/12/2023 - 09:45'
(BLC) - Hiện nay, xã Bản Bo (huyện Tam Đường) đang nỗ lực rà soát diện tích, lập danh sách chuẩn bị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2023 vào tháng 3/2024. Đây là lợi ích kép để người dân phát huy ý thức bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm một số khu rừng của xã, anh Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Trước đây, một bộ phận người dân nhận thức hạn chế để lửa cháy lán sang thảm cỏ, ảnh hưởng đến diện tích rừng và môi trường sống của nhân dân. Trước thực trạng trên, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu lợi ích của rừng; kịp thời ngăn chặn không để xảy ra tình trạng cháy rừng, cháy thảm cỏ. Xã phối hợp với huyện triển khai hiệu quả chi trả tiền DVMTR. Đây là lợi ích kép để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng thu nhập gia đình để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cải thiện cuộc sống”.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, xã Bản Bo rà soát, thống kê diện tích, số hộ chuẩn bị chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, xã Bản Bo rà soát, thống kê diện tích, số hộ, chuẩn bị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023.

Đứng ở trên cao nhìn sang các dãy núi của bản Hua Sẳng (xã Bản Bo), chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng xanh tốt. Diện tích rừng nơi đây được bà con quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của cộng đồng dân cư. Năm 2022, 100% hộ dân trong bản tham gia khoanh nuôi, bảo vệ và được chi trả tiền DVMTR. Từ đó, bà con có thêm thu nhập để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Đơn cử như gia đình ông Lò Văn Óng ở bản Hua Sẳng (xã Bản Bo), năm 2022 được nhận tiền DVMTR hơn 14 triệu đồng. Từ đó, ông mua trâu sinh sản, nuôi gà thả đồi. Năm 2023, gia đình ông thu trên 20 triệu đồng tiền bán gà, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Ông Óng tâm sự: “Từ tiền DVMTR, hằng năm, gia đình tôi đầu tư mua cây, con giống, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Tôi nhắc nhở con, cháu thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển, phòng, chống cháy rừng để bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn. Nhờ đó, gia đình tôi được hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR lâu dài”.

Đến tháng 3/2023, xã Bản Bo có 3.402,7ha rừng, được chi trả hơn 4 tỷ 355 triệu đồng tiền DVMTR năm 2022. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện giao khoán hợp đồng bảo vệ 3.039,97ha rừng và chi trả hơn 3 tỷ 945 triệu đồng cho 6 cộng đồng dân cư, 369 hộ và 6 nhóm hộ với 101 hộ.

Một góc rừng xanh tốt của xã Bản Bo.

Một góc rừng xanh tốt của xã Bản Bo.

UBND xã thực hiện giao khoán hợp đồng bảo vệ 348,22ha rừng và chi trả trên 394 triệu đồng cho 12 cộng đồng, 535 hộ và 3 nhóm hộ, gồm 19 hộ. 

Hằng năm, UBND xã phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng; xây dựng phương án giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư bản quản lý, bảo vệ. Xã lựa chọn người có uy tín, ý thức trách nhiệm làm tổ trưởng; rà soát, sắp xếp lại các hộ nhận khoán hợp lý; thống nhất thực hiện nội dung hợp đồng giao khoán, phương thức thanh toán tiền công, phương pháp tuần tra, bảo vệ rừng với các hộ gia đình nhận khoán.

Từ những việc làm thiết thực đó, công tác chi trả tiền DVMTR được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, khách quan, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhận thức của bà con trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được nâng cao, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể.

Nhờ triển khai, thực hiện hiệu quả tiền chi trả DVMTR, xã Bản Bo (huyện Tam Đường) mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hưởng lợi, tạo diện mạo nông thôn địa phương ngày càng khởi sắc.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.