Chủ nhật, 28/04/2024, 09:36 [GMT+7]

Mở hướng phát triển kinh tế cho thanh niên Lai Châu

Thứ ba, 12/03/2024 - 16:17'
Mong muốn giúp thanh niên có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, mạnh dạn hơn trong làm ăn, cuối năm 2023, Tổ chức Plan international vùng Lai Châu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ, Đoàn xã Bản Lang triển khai mô hình sinh kế nuôi ong mật tại bản Nậm Lùng. Mô hình cho thấy nhiều ưu điểm và triển vọng, tạo đà cho thanh niên mạnh dạn nhân rộng trong thời gian tới.

Anh Phàn Láo Tả ở bản Nậm Lùng là một trong những bạn trẻ biết đến việc nuôi ong lấy mật từ sớm (năm 2016). Anh duy trì nuôi từ 10 - 30 thùng ong, tuy nhiên kinh nghiệm nuôi ong có được chủ yếu là tự tìm hiểu, tích lũy nên vẫn còn khiêm tốn. Mỗi năm anh thu được khoảng 50 lít mật, tương đương 10 triệu đồng. Khi tham gia mô hình sinh kế nuôi ong mật, anh được hỗ trợ 2 thùng ong giống và cán bộ chuyên môn hướng dẫn tỷ mỷ kỹ thuật chăm sóc ong. Điều này giúp anh nhạy bén và tự tin hơn trong chăm sóc và mở rộng quy mô nuôi ong.
Anh Tả kể: “Từ khi tham gia mô hình sinh kế, tôi biết thêm cách tách đàn, ủ ấm, nuôi ong ở nhiều địa hình. Ngoài ra, tôi còn biết cách vệ sinh thùng ong, pha đường cho ong, tiêu diệt sâu, bệnh hại. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi vận dụng vào việc nuôi ong của gia đình và thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn lại kỹ thuật cho nhiều thanh niên khác trong bản. Giờ toàn bộ thùng ong của gia đình tôi đang phát triển tốt. Các thùng ong từ 2 cầu đã tăng lên thành 3 cầu và đã có những cầu cho mật”.
Được biết, mô hình sinh kế nuôi ong mật tại bản Nậm Lùng có 20 học viên là đoàn viên, thanh niên tham gia. Trước khi triển khai mô hình, các bên tiến hành điều tra, đánh giá tình hình thời tiết, nguồn lực lao động tại địa phương. Tham vấn ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp. Lựa chọn học viên tâm huyết, đủ điều kiện tham gia và tiến hành tập huấn kỹ thuật nuôi ong, cung ứng 40 thùng ong cho học viên. Hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh khu vực nuôi ong theo đúng quy trình. Nhờ đó, đàn ong giống sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Đa số các hộ đã thêm cầu cho ong sinh sôi.

Mô hình sinh kế nuôi ong mật tại bản Nậm Lùng (xã Bản Lang) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Lý A Chú - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cho biết: “Trong quá trình triển khai mô hình, chúng tôi thường xuyên cử viên chức xuống hướng dẫn các đoàn viên cách chăm sóc ong. Nhấn mạnh để đoàn viên hiểu, bên cạnh việc lựa chọn nguồn giống tốt, vật tư cần thiết thì người nuôi ong phải cẩn thận, tỷ mỷ, am hiểu về các đặc tính của ong như: xây tổ, chia đàn, hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, mùa lạnh khan phấn sẽ phải làm như thế nào để ong không bay mất… Điều quan trọng nữa là, người nuôi ong khắc phục được những hạn chế trước đây khi để một số thùng nuôi ong ở vị trí chưa phù hợp, khó khăn cho công tác vệ sinh và chăm sóc đàn ong. Thay vào đó, người nuôi có thêm kiến thức, kỹ thuật dọn vệ sinh khu vực nuôi ong, kỹ thuật chăm sóc ong như: vệ sinh thùng ong, pha đường cho ong ăn, ủ ấm cho ong, tiêu diệt sâu, bệnh hại... Hiện, mô hình đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả, 1 đàn ong có thể cho thu 10-12 lít/năm và khoảng 2-2,5 triệu đồng/thùng ong”.
Qua đánh giá, mô hình sinh kế nuôi ong mật thích hợp với các điều kiện khí hậu, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng mật ong ước đạt 420 lít mật ong/năm mang lại thu nhập cho học viên khoảng 84 triệu đồng, tương đương mỗi đoàn viên sau khi tham gia mô hình sẽ thu trên 4 triệu đồng. Đến giai đoạn mở rộng và phát triển, dự kiến với sản lượng tăng gấp 2-3 lần thì thu nhập của học viên tăng lên tương ứng. Từ thực tế địa phương và hiệu quả mang lại cho thấy việc triển khai và nhân rộng mô hình là cần thiết. Tiềm năng để nhân rộng mô hình là rất lớn bởi kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch không khó, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương. Quy mô nuôi ong có thể dễ dàng điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện sản xuất của mỗi hộ gia đình.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để động viên, khích lệ đoàn viên, nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Đồng thời, giúp lao động địa phương có tư duy sản xuất mới, mạnh dạn trong làm ăn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

T.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...