Thứ sáu, 19/04/2024, 15:00 [GMT+7]

Nâng cao thu nhập từ trồng mía

Thứ hai, 29/11/2021 - 20:57'
(BLC) - Những năm qua, huyện Tam Đường tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với cây chè, cây mía đã và đang thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Sau nhiều năm bén rễ, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, đem lại nguồn thu nhập cao cho Nhân dân.

Những ngày này, cùng với chăm sóc các loại cây trồng vụ đông, người dân thị trấn Tam Đường còn tất bật làm cỏ, chăm sóc, tỉa lá cho cây mía. Đến thăm mô hình trồng mía của ông Hoàng Đình Sáu ở bản Nà Đa, chúng tôi ấn tượng với ruộng mía rộng mênh mông, được phủ một màu xanh ngát. Qua câu chuyện với ông Sáu, chúng tôi được biết, trước đây trên mảnh đất 1,7ha gia đình ông trồng lúa, ngô nhưng cho thu nhập thấp. Được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019 ông Sáu đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mía. Sau hơn 2 năm gắn bó với cây mía, ông Sáu nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, lại cho năng suất cao, chỉ trồng từ 6-7 tháng đã cho thu hoạch.

Ông Hoàng Đình Sáu vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi liên kết với Hợp tác xã (HTX) nông sản Lai Châu trồng 1,7ha mía đường, HTX hỗ trợ kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm nên tôi rất yên tâm. Vụ mía năm 2020, tôi thu hoạch 135 tấn, thu được gần 170 triệu, trồng mía đường giá trị kinh tế gấp 2,5 lần so với trồng lúa, ngô. Năm nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, đều cây hơn năm trước, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao vào tháng 12/2021. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm đem lại cho gia đình tôi từ 130 - 150 triệu đồng”.

chăm sóc mía

Người dân bản Nà Đa, thị trấn Tam Đường chăm sóc mía đường.

Dọc quốc lộ 4D từ bản Nà Đa đến bản Tiên Bình của thị trấn Tam Đường, chúng tôi thấy những ruộng mía xanh tốt, báo hiệu một mùa no ấm đang về. Với những ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chống chịu sâu bệnh tốt… Do đó, những năm trở lại đây người dân thị trấn Tam Đường đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây mía đường, mía xương gà, bước đầu đem lại thu nhập cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phong Văn Tiến - Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đường cho biết: “Thị trấn Tam Đường hiện có 13ha mía, trong đó mía đường 2ha, mía xương gà 11ha, tập trung ở các bản: Nà Đa, Tiên Bình… Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các bản tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía, nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Đối với cây mía đường, chỉ mất công trồng và chăm sóc lần đầu, chứ không cần làm cỏ, bóc vỏ mía, tuy nhiên, khi thu hoạch sẽ vất vả hơn vì cây mía nặng. Giá bán tại vườn là 1.000 - 1.200 đồng/kg đối với mía đường, mía xương gà từ 4.000 - 6.000 đồng/cây. Hiệu quả kinh tế của cây mía mang lại cao gấp 2 - 2,5 lần so với cây lúa, ngô; đây là cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn thị trấn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Mặc dù cây mía dễ trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng do thời gian sinh trưởng, phát triển tương đối dài, từ 6-7 tháng đối với mía đường, từ 8 - 9 tháng đối với mía xương gà nên đòi hỏi quá trình chăm sóc phức tạp hơn. Vì vậy, cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo tới người nông dân cần chú ý chăm sóc mía vào những tháng mùa mưa. Thời điểm này, cây mía đang sinh trưởng, phát triển tốt nhưng thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh như: sâu đục thân, bệnh thối đỏ, xoắn cổ cá… phát triển. Do đó, người nông dân cần chú trọng phòng, trừ sâu bệnh; trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện cây bị bệnh phải chặt bỏ, gom ra khỏi ruộng, chôn vùi sâu, không để lây lan mầm bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: “Những năm gần đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng mía. Hiện nay, toàn huyện có 97ha mía, sản lượng đạt 4.844 tấn, đây là cây trồng cho năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Để cây mía cho năng suất, chất lượng cao, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống các xã, thị trấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết trồng mía và bao tiêu sản phẩm để cây mía có đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm gắn bó với cây trồng này”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...