Thứ bảy, 11/05/2024, 00:48 [GMT+7]

Ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát: Cần vào cuộc đồng bộ

Thứ năm, 23/02/2012 - 10:44'
(BLC) - Tỉnh ta tuy chưa xuất hiện cúm gia cầm nhưng để chủ động phòng, chống dịch đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền các cấp, nhất là các hộ chăn nuôi trên địa bàn cần vào cuộc đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Trong những ngày vừa qua, dịch cúm gia cầm tái phát và diễn biến rất phức tạp ở một số tỉnh trong cả nước.Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 21/2 cả nước đã có 12 tỉnh công bố có dịch cúm gia cầm. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm virút cúm A/H5N1.

Cán bộ thú y huyện Phong Thổ tuyên truyền tới nhân dân thị trấn về dịch cúm gia cầm A/H5N1.

Ở tỉnh ta từ năm 2005 đến nay tuy chưa có ổ dịch cúm gia cầm nào xảy ra nhưng sau tết Nguyên đán người dân mở rộng chăn nuôi, các hộ kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia cầm hoạt động mạnh trở lại là nguyên nhân gây bùng phát, lây lan dịch cúm gia cầm từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, để chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh đã có Công văn số 99/UBND - NN về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó Chi cục Thú y cần phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tại địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh, kiểm tra giám sát các hộ chăn nuôi gia cầm nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời nếu dịch cúm gia cầm xảy ra. Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của tỉnh, các huyện đã tích cực vận động, tuyên truyền tới nhân dân biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm qua các cuộc họp thôn, bản, phương tiện thông tin đại chúng...

Cán bộ thú y thị xã Lai Châu tiêu độc, khử trùng chuồng trại ở bản Phan Lìn, xã San Thàng.

Ông Đặng Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Hàng năm tỉnh ta nhập gần 60% gà, vịt thương phẩm từ các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Điện Biên, Hưng Yên nênnguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm là rất cao, đe doạ trực tiếp đến đàn gia cầm của người chăn nuôi. Để ngăn chặn, cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm vào, qua địa bàn. Bên cạnh việc cắt cử cán bộ tại chốt kiểm dịch như: Sơn Bình (huyện Tam Đường), cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), Mường Kim (huyện Than Uyên), Lai Hà (huyện Sìn Hồ) trực 24/24h, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm nhiễm bệnh và không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Việc xử lý theo nguyên tắc thu giữ tại địa bàn nào, xử lý ngay tại địa bàn đó, không vận chuyển đi nơi khác làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, để thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm qua địa bàn là rất khó vì theo chỉ đạo của tỉnh khi quyết định thành lập các chốt kiểm dịch động vật phải có 4 ngành tham gia gồm: thú y, y tế, công an, quản lý thị trường. Nhưng trên thực tế hiện nay chỉ có chốt cố định ở xã Sơn Bình là có thêm một cán bộ quản lý thị trường tham gia. Riêng các chốt ở Lai Hà, Mường Kim thì chỉ có 1 cán bộ thú y tham gia cắm chốt. Lực lượng mỏng lại không đủ thẩm quyền nên cán bộ ở các chốt khó có thể kiểm soát hết được các xe chở động vật, gia cầm và khi phát hiện trên xe chở gia cầm có bệnh cũng không thể giữ xe lại. Đây cũng là bài toán khó nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch cúm gia cầm từ bên ngoài vào.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các cơ sở chăn nuôi và các điểm buôn bán gia cầm, các hộ chăn nuôi đang rất chủ quan với dịch. Trong các bản, nhiều đàn gia cầm mới vẫn chưa được tiêm vắcxin. Tại chợ Đoàn Kết (thị xã Lai Châu) tình trạng buôn bán gia cầm vẫn tràn lan và có tới trên 50% số gia cầm không được kiểm soát, kiểm dịch của cơ quan thú y. Lo ngại hơn là phần lớn số gia cầm buôn bán tại các chợ đều không rõ nguồn gốc. Gà ta, gà Trung Quốc nhập lậu vẫn được bày bán tự do trên các chợ mà không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.

Khi được hỏi về dịch cúm gia cầm đang bùng phát trên diện rộng, chị Nguyễn Thị Phượng – tiểu thương kinh doanh gia cầm ở chợ Đoàn Kết, thị xã Lai Châu trả lời rất thản nhiên: “Thấy người ta chở gà đến, con nào khỏe thì mình mua rồi mổ bán chứ có biết nguồn gốc ở đâu đâu. Mà tỉnh ta đã có dịch đâu mà sợ”. 

Thực tế trên cho thấy, các ngành chức năng cần thường xuyên tuyên truyền đến người dân, người chăn nuôi và các hộ buôn bán về dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 trên người. Bên cạnh đó, nhân dân không được buôn bán, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, gia cầm chết. Mỗi người dân khi phát hiện thấy có gia cầm chết bất thường phải tiến hành cách ly và báo các cơ quan chức năng, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm ốm, chết. Đây là biện pháp tích cực nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...