Thứ ba, 30/04/2024, 10:43 [GMT+7]

Người chăn nuôi chưa thực sự yên tâm tái đàn

Thứ năm, 23/08/2012 - 14:54'
(BLC)  -  Thiếu vốn, lo ngại về mầm mống dịch bệnh còn tiềm ẩn nên sau gần 4 tháng xảy ra dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn nhưng người dân 2 bản: Tân Bình, Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) vẫn chưa thực sự yên tâm tái đàn chăn nuôi với số lượng lớn.

Trên đường vào bản Tân Bình và Hưng Bình, chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi 2 bản gần như tách biệt với trung tâm huyện. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nấu rượu và nuôi lợn và được coi là nghề “truyền thống” từ bao năm nay. Lí do nào dịch bệnh có thể len lỏi vào tận nơi này để gây họa.

Trưởng bản Hưng Bình, Nguyễn Thanh Tiến cũng không thể khẳng định nguyên nhân do đâu bởi dịch bệnh đến quá bất ngờ và lây lan rất nhanh. Dù vậy, có một điều mà ai cũng nghĩ tới đó là ở 2 bản có 1 lò giết mổ gia súc (ở đầu nguồn nước). Thời điểm bùng phát dịch bệnh cũng là khi cống thoát nước bị tắc một thời gian, có thể đã gây nên dịch bệnh. Điều đó chỉ là phỏng đoán, nên không thể quy trách nhiệm. Và hậu quả là người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, 2 bản Tân Bình và Hưng Bình có tới trên 60 hộ bị dịch tai xanh trên đàn lợn (chủ yếu là các hộ chăn nuôi lớn).

Người dân bản Hưng Bình đã chủ động tái đàn chăn nuôi sau dịch bệnh nhưng số lượng còn khá khiêm tốn.

Đến thời điểm này, tuy không còn hình ảnh chuồng trại bỏ trống, tiếng đàn lợn rít đòi ăn đã vang lên khắp ngõ xóm nhưng sự lo lắng vẫn thường trực trên khuôn mặt những người chăn nuôi nơi đây. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Sâm (bản Hưng Bình) khi vợ chồng chị chuẩn bị bữa chiều cho đàn lợn hơn 30 con. Chị Sâm chia sẻ: Bao năm nay gia đình tôi sống bằng nghề xay xát lương thực và chăn nuôi lợn, nên việc vệ sinh, khử trùng chuồng trại hay tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn là việc làm thường xuyên. Khi đàn lợn có biểu hiện da đỏ, sốt, bỏ ăn, tôi nghĩ đó chỉ là biểu hiện của các loại bệnh thông thường nên chỉ ra các quầy thuốc thú y miêu tả bệnh rồi mua thuốc về điều trị.

Lúc đó trong chuồng có tới 26 con đều ở thời điểm xuất bán (trung bình 1 tạ/con) khi biết lợn mắc bệnh tai xanh vợ chồng tôi lo lắm vì tất cả vốn liếng đều dồn cả vào đàn lợn. Cán bộ xã, huyện bảo như thế nào tôi cũng làm theo chỉ mong cứu vớt được con nào hay con nấy. Rất may chỉ có 2 con lợn bị chết, còn lại đã qua khỏi.

Sau khi dịch bệnh qua đi, gia đình cũng đã xuất chuồng được số lợn “thoát nạn”, cùng với số tiền Nhà nước hỗ trợ để tái đầu tư đàn mới. Dù vậy tôi vẫn thấy chưa hết lo, mỗi khi thấy đàn lợn có biểu hiện khác thường là 2 vợ chồng lại “mất ăn, mất ngủ”.

Ít hộ được may mắn như gia đình chị Sâm, sau khi biết lợn bị bệnh tai xanh, gia đình anh Nguyễn Văn Bắc (ở bản Hưng Phong) đã chủ động mua thuốc tiêm, thậm chí ở huyện không có, anh lên tận thị xã Lai Châu tìm mua bằng được về trị bệnh cho đàn lợn. Vậy mà vẫn có tới 8 con lợn to nhất đàn (24 con) bị chết. Nỗ lực chăm sóc số lợn còn lại, gia đình anh cũng đã có vốn để tái đàn được hơn 1 tháng nay. Không phải ai cũng có tinh thần “thép” như vậy, mặc dù hầu hết các gia đình đã cơ bản tái đàn nhưng lo ngại mầm mống dịch bệnh vẫn chưa xử lý triệt để cũng như nguồn vốn cạn kiệt, đến thời điểm này bà con vẫn chưa thực sự yên tâm tái đàn với số lượng lớn.

Có một điều dễ dàng nhận thấy ở các gia đình chúng tôi đến thăm là chuồng trại được xây dựng khá thấp, không gian chật hẹp trong khi đó số lượng lợn nhiều. Anh Tiến cho biết: Gần như 100% hộ dân ở đây làm chuồng chăn nuôi như vậy, bởi đó là thói quen từ ngày xưa. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh đúng vào thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng càng khiến sức đề kháng của lợn giảm, dễ lây bệnh.

Sau khi xảy ra dịch bệnh Nhà nước đã hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, hỗ trợ bằng tiền lần đầu cho các gia đình có lợn bị chết do dịch tai xanh. Do vậy, bà con giảm được chi phí để tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Hiện xã Bình Lư đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con chủ động tái đàn (chú trọng sử dụng con giống địa phương) và xây dựng trang trại chăn nuôi bán công nghiệp với  phương châm huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nhân dân xây dựng chuồng trại và đầu tư con giống.

Hy vọng với sự giúp sức của chính quyền địa phương, người dân 2 bản Tân Bình và Hưng Bình sẽ sớm tái phát triển chăn nuôi lợn, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đàn lợn đạt 8% của xã Bình Lư trong năm 2012.

Theo thống kê, cuối năm 2011 toàn xã Bình Lư có 4.570 con lợn; đến tháng 6/2012 giảm xuống còn 3.845 con. Sau khi xảy ra dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn (ở 5 bản: Nà Khan, Nà Cà, Nà Phát và nhiều nhất ở 2 bản: Hưng Bình và Tân Bình), Nhà nước đã hỗ trợ 1.254 lít hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại; hỗ trợ lần 1 cho 446 con lợn bị chết với trọng lượng 14,340kg  (trị giá 38 nghìn đồng/kg).

 

Trọng Tài

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...