Thứ tư, 17/04/2024, 05:48 [GMT+7]

Nuôi ong lấy mật

Thứ ba, 01/06/2021 - 08:15'
(BLC) - Bằng cách dẫn ong rừng về nhà làm tổ, anh Lò Văn Sáng ở bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) đã có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập.

Ngày còn nhỏ anh Sáng thường theo ông nội lên nương lao động, nhờ đó anh đã học được cách bẫy ong rừng. Tuy nhiên khi đó, bẫy ong chủ yếu lấy mật cho gia đình sử dụng nên số lượng đõ ong không đáng kể và công việc này cũng không thường xuyên.

Đến năm 2019, niềm say mê, hứng thú thôi thúc anh tiếp tục hành trình bẫy ong rừng về nuôi. Với cách làm đơn giản là dùng thân cây khoét rỗng, bên trong có cho ít mật ong, anh Sáng đã bẫy được một số tổ ong rừng sau nhiều ngày chịu cảnh nắng, mưa, tìm kiếm trong rừng.

Nhưng không biết vì nguyên cớ gì mà đàn ong thường hay bỏ đi, nhất là vào mùa mưa. Thậm chí, có đợt ong tách đàn rồi bay đi từ lúc nào anh cũng không hay biết. Có những ngày không thấy ong ra khỏi tổ, kiểm tra mới phát hiện ong chết la liệt trên khung cầu. Do hiểu biết lơ mơ về tập tính cũng như quy trình ong làm mật, anh thường xuyên mở đõ ra xem. Không chỉ vậy, anh lại chậm trễ trong công tác phòng, chữa bệnh cho ong, khiến số lượng đàn ong giảm.

Công việc nuôi ong rừng đặt ra nhiều thách thức nhưng anh Sáng vẫn không nản chí. Anh mày mò học hỏi kiến thức nuôi ong trên sách báo, mạng internet và những người có kinh nghiệm. Nhờ đó, đã nắm được kỹ thuật nuôi ong. Sau thời gian nuôi, đàn ong nào phát triển đủ số lượng, anh Sáng tách ra thành tổ ong mới. Từ năm 2019 đến nay anh Sáng đã bẫy và nhân được 60 tổ ong mật rừng.   

           Anh Sáng kiểm tra cầu ong.

Anh Sáng kiểm tra cầu ong.

Tận dụng mảnh vườn gần nhà lại giáp với đất rừng của bản anh đặt 40 tổ ong trên vách núi, 20 tổ còn lại treo xung quanh nhà ở. Lý giải về điều này, anh Sáng cho biết: “Vì số lượng tổ ong nhiều nên tôi chia ra cho dễ chăm sóc, quản lý đồng thời tạo môi trường thích hợp cho ong sinh sống, phát triển. Tổ ong nào nhiều quân, phải tách đàn sang đõ mới vì nếu không, ong sẽ chia đàn bay đi nơi khác. Gắn bó với bầy ong hàng ngày giúp tôi hiểu được đặc tính của loài côn trùng này. Do đó, tôi đã nắm được khoảng thời gian ong đi lấy mật, phấn hoa, đặc điểm của ong khi mang mật, phấn hoa về. Từ đó, chăm sóc cũng như khai thác mật đúng thời điểm. Mùa mật ong vừa qua tôi khai thác được hơn 80 lít mật, thu nhập khoảng 20 triệu đồng. 

Do đã tạo được sự tin tưởng của một số tiểu thương trên địa bàn huyện nên năm nay mật ong của gia đình anh dễ bán hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên trong quá trình nuôi ong, anh Sáng cũng gặp khó khăn bởi vào mùa mưa, nguồn hoa ít, nguy cơ ong bỏ tổ đi nơi khác dễ xảy ra. Nếu muốn tạo nguồn thức ăn, có thể áp dụng, cho ong ăn bổ sung bằng đường pha loãng hòa với mật ong. Nhưng với cách làm này, mật ong sẽ khó bán ra thị trường. Vì vậy anh Sáng khẳng định sẽ cố gắng nuôi theo cách truyền thống, không can thiệp vào quá trình làm mật của đàn ong. Khi mùa mưa đến không khai thác mà giữ phấn và mật lại làm thức ăn cho ong. Số lượng mật ong khai thác có giảm nhưng sẽ giữ được uy tín lâu dài.

Để duy trì công việc nuôi ong mật rừng, anh Sáng dự định từ năm sau sẽ tập trung thời gian tách nhiều tổ ong hơn nữa để có nguồn ong giống bán ra thị trường thêm thu nhập.  

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...