Thứ năm, 25/04/2024, 20:43 [GMT+7]

Pắc Lý ngày trở lại

Thứ sáu, 14/08/2020 - 12:12'
Sau 5 năm - kể từ sau lần chúng tôi được nhìn thấy đàn em thơ sải bước trên con đường rải nhựa về nhà sau buổi học trưa. Lần này được trở lại, Pắc Lý (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) gần như xanh tươi, giàu sức sống hơn và níu giữ bước chân người ở lại bởi nhiều đổi thay đến bất ngờ.

Với chất giọng đậm chất vùng châu thổ sông Hồng, ông Nguyễn Văn Tính - Bí thư Chi bộ bản Pắc Lý chậm rãi kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc tên bản. Pắc Lý là cái tên được ghép từ chữ đầu của xã Pắc Ta với xã Bắc Lý (Lý Nhân - Hà Nam). Đầu những năm 1960, khi lên vùng kinh tế mới, bởi còn vương vấn nơi chôn rau cắt rốn nên những người dân Bắc Lý muốn đặt tên quê mới và quê cũ đan xen như một kỷ niệm khó quên.
Bản Pắc Lý có 96 hộ với tổng số 337 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Kinh, còn lại một số hộ dân tộc Thái, Mông. Khỏi phải nói những năm đầu những người miền xuôi lên vùng quê Tây Bắc lập nghiệp gian nan vất vả đến thế nào. Ngày đó chỉ toàn lau sậy và rừng rú, chỉ một lối đi nhưng đi nhiều mà thành đường. Điện, đường, trường, trạm đều không có. Bộn bề khó khăn, thiếu thốn ở đất mới, người mới, song ý chí và nghị lực của người dân Pắc Lý chưa bao giờ khuất phục, họ vươn lên bằng bàn tay, khối óc và sự bền bỉ, cần mẫn trong lao động, sản xuất.
Mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà xây vững chãi, khang trang ven đường, anh Phạm Thanh Tuấn - Trưởng bản Pắc Lý đon đả rót chén trà nóng. Ngồi thưởng thức trà giữa bộn bề đồ đạc của xưởng cơ khí nhà mình, giọng anh Tuấn kín đáo niềm kiêu hãnh khi mới hơn 30 tuổi đã có 3 nhiệm kỳ anh được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Anh nói, đây là nhiệm vụ không nhàn nhã gì, làm dâu trăm họ thôi, nhưng được bà con tin tưởng, gửi gắm thì cố gắng làm cho tốt. Anh khiêm tốn thế nhưng nhìn vào chiếc xe bán tải mới cùng xưởng cơ khí và cơ ngơi khang trang của gia đình anh giữa bản, tôi biết, không phải ai cũng làm được như anh. Và, cũng bởi ý chí của tuổi trẻ dám làm, dám thử sức ấy nên có lẽ nhiều người dân trong bản cũng học hỏi ở anh để kinh tế gia đình khấm khá như vậy.

Vườn chuối mang nhiều hy vọng trong phát triển kinh tế của bà con bản Pắc Lý (xã Pắc Ta).

Trong cơn mưa lất phất, cả đồng chí bí thư chi bộ và trưởng bản Pắc Lý dẫn chúng tôi đi tham quan bản như ngầm ý “khoe” thành quả độc đáo mà bản mới làm được từ cuối năm 2019 đến nay. Đó là 8,5ha chuối đang trồng thử nghiệm ở bản. Đây là hình thức người dân cho doanh nghiệp thuê đất trong thời gian dài để trồng chuối. Năm đầu, người dân chưa nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc nên doanh nghiệp phải thuê người nơi khác song tiến tới người dân bản cũng sẽ trở thành nhân công lao động cho doanh nghiệp trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch chuối. Chúng tôi nhìn ra xa, một màu xanh trùng trùng lớp lớp của chuối, có cây đã cao ngang đầu người, từng gốc chuối bụ bẫm mướt mát dưới lớp đất đen kịt của phân hữu cơ.
Chỉ tay về hõm sâu phía trước mặt, ông Nguyễn Văn Tính nói: Khu vực này trước đây là diện tích cấy lúa 1 vụ, nay thì chuyển đổi hết sang trồng chuối. Tuy nhiên, để có được khoảng không gian mênh mông trồng chuối thế này, cấp ủy chi bộ, trưởng bản và các tổ chức đoàn thể ở bản cũng tuyên truyền “nát nước” đấy! Vì thời gian thuê đất đến tận 10 năm, người dân chưa bao giờ phải quyết định “ngoạn mục” như vậy nên sợ mất đất. Rồi nhỡ đâu, khi thuê đất, doanh nghiệp họ tự ý thay đổi hiện trạng thì sau này người dân nhận đất về không còn nguyên vẹn nữa. Chuối cũng là cây trồng mới, chưa có kinh nghiệm làm, bà con lại lo đầu ra không tiêu thụ được nên còn do dự khi hiệu quả kinh tế chưa được khẳng định… Nhưng rồi, tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, bà con đã hiểu và hợp tác với chính quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào thuê đất; đồng thời, khi đủ điều kiện, bà con cũng được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi với 150 triệu đồng/ha đối với diện tích sản xuất 2 vụ và 65 triệu đồng/ha với diện tích sản xuất 1 vụ. Dự án trồng chuối ở xã Pắc Ta nói chung, bản Pắc Lý nói riêng đang là một kỳ vọng lớn của tỉnh, huyện và xã hiện nay.
Ở xã Pắc Ta, người ta nhớ đến 3 thứ “đặc sản”: lúa khẩu ký ở bản Căng A, nếp cò giàng ở bản Nà Ún và gạo séng cù ở bản Pắc Lý. Đón những dòng nước đầu nguồn của dòng suối Hố Mít trong xanh, mát lành, Pắc Lý luôn tự hào vì chỉ nơi đây mới có thể sản xuất ra giống gạo séng cù thơm ngon, dẻo ngọt nhất, Pắc Lý có tới 35/45ha đất trồng giống lúa séng cù. Vụ đông xuân bao giờ năng suất cũng cao hơn, người dân gặt xong, phơi khô có thể bán được 11-12.000 đồng/kg thóc, vụ mùa giá cao hơn: 15.000 đồng/kg và chưa bao giờ có đủ để bán cho các thương lái. Bởi trước đây, đời sống bà con còn khó khăn, mỗi vụ thu hoạch thường bán thóc séng cù đổi lấy thóc thường dùng, nhưng nay, chỉ khi nào nhu cầu của gia đình đã đủ thì bà con mới đem bán.
Pắc Lý còn là địa phương có số hộ chăn nuôi lợn ổn định và tương đối lớn so với các bản trong xã và các xã trong huyện. Khi dịch tả lợn Châu Phi chưa bùng phát, nơi đây được xem là nguồn cung ứng thực phẩm lớn của tỉnh. Nhưng nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, làm thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, Pắc Lý vẫn còn một số hộ duy trì chăn nuôi với khoảng 40 con/chuồng và đang từng bước gây dựng lại chuồng trại chăn nuôi. Dù khó khăn như vậy nhưng 6 tháng đầu năm, bản đã xuất 200 con lợn (khoảng 1-1,2 tạ/con) và phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ xuất khoảng 500 con lợn thương phẩm.
Nở nụ cười thật tươi khi chúng tôi hỏi thu nhập bình quân đầu người, anh Thắng tự tin: Bản đạt 33 triệu đồng/người/năm và chỉ còn 1 hộ nghèo. Tình hình an ninh trật tự của bản được đảm bảo, không xảy ra trộm cắp, gây gổ đánh nhau, ma túy hay bạo hành gia đình. Câu lạc bộ văn nghệ duy trì tập luyện và phục vụ thường xuyên các hoạt động văn hóa tinh thần của xã. Đến nay, bản đã có 5 năm liền đạt danh hiệu bản văn hóa và vừa được Chủ tịch UBND xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Cùng với niềm tự hào về những thành quả đạt được, hiện nay điều trăn trở nhất của cấp ủy, chính quyền xã và của bản đó là mong muốn được tỉnh, huyện đầu tư nâng cấp tuyến đường và kênh mương liên xã, liên bản (trục đường chính từ quốc lộ 32 đi vào xã Hố Mít) với tổng chiều dài 3,2km để niềm vui của bản được trọn vẹn hơn. Và có như thế, Pắc Lý mới đủ điều kiện để đạt bản nông thôn mới nâng cao của huyện Tân Uyên năm 2020.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...