Thứ tư, 08/05/2024, 20:56 [GMT+7]

Phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững

Thứ ba, 13/02/2024 - 09:49'
(BLC) - Nhờ Đảng, nhà nước hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật, máy móc, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tam Đường nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Năm 2023, toàn huyện giảm 6,57% hộ nghèo (vượt 1,7% so với kế hoạch).

Đi dưới tiết trời mưa xuân lất phất, cây cối đâm chồi nảy lộc, chúng tôi về thăm quê hương Tam Đường để cảm nhận sự đổi thay về đời sống, vật chất, tinh thần của người dân đang được cải thiện. Trên khắp các sườn đồi hoa đào, hoa lê đua nhau khoe sắc. Bà con phấn khởi sửa sang nhà cửa để đón tết Nguyên đán vui tươi, đầm ấm.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Sùng Lử Páo - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Tam Đường là huyện thuần nông, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn cao. Huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chính sách dành cho hộ nghèo đầy đủ, công khai và kịp thời. Từ đó, người dân nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Nông dân huyện Tam Đường thu hoạch quả sơn tra.

Năm 2023, huyện được giao tổng dự toán trên 88 tỷ đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) tại 13 xã, thị trấn với 126 bản.

Đối với dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt dự toán năm 2023 huyện được giao 312 triệu đồng, đến nay đã giải ngân đạt 100%. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng mua téc chứa nước. Tại xã Bình Lư có 12 hộ được hỗ trợ 36 triệu đồng; xã Nùng Nàng có 92 hộ được hỗ trợ 276 triệu đồng mua téc, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của bà con. 

Hay như, dự án 2, đầu tư quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết năm 2023, huyện có tổng dự toán giao 4.986 triệu đồng, hiện nay đã giải ngân đạt 100%. Từ đó, huyện quy hoạch, hoàn tất mặt bằng, chuẩn bị sắp xếp, di dời, bố trí 70% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác tại bản Na Đông (xã Thèn Sin) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Ngoài ra, huyện còn khởi công mới 36 dự án, trong đó có 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả và công năng sử dụng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Toàn huyện tổ chức 33 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.000 học viên tham gia; tổ chức 38 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho 2.023 lao động, đạt 175,9% kế hoạch năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có những cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy ý chí của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bà con tự nguyện đóng góp sức người, sức của cùng Nhà nước xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Người dân thay đổi nhận thức từ thả rông sang nuôi nhốt gia súc, đầu tư xây dựng chuồng trại. Huyện có tỷ lệ tăng trưởng gia súc đạt 6,1%/năm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con đột phá về nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới đạt 42 triệu đồng/người/năm. 

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra quản lý, sửa chữa, khai thác hiệu quả 160 công trình với 435,5km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng đã thực hiện liên kết sản xuất từ những năm trước. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa như: cây chanh leo, lúa hàng hóa, cây ớt, bí xanh và cây sắn dây… Năm qua, huyện triển khai dự án liên kết trồng mới 300,37ha cây chanh leo; 148,8ha lúa hàng hóa; 4,1ha cây ớt; 2,8ha cây bí xanh và 10ha cây sắn dây, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ dân tự nguyện xin thoát khỏi diện hộ nghèo.

Về thăm bản Phiêng Pẳng (xã Bản Bo), trước mắt chúng tôi là kết cấu hạ tầng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Để diện mạo nông thôn khởi sắc, thời gian qua, bà con khai thác tiềm năng đất đai, nguồn nước trồng rau, chè, lúa, kinh doanh và nuôi nhốt gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Mỗi hộ dân luôn nỗ lực thâm canh, tăng vụ cây trồng; đầu tư xây dựng mô hình nuôi nhốt gia súc quy mô lớn. Nhiều hộ phát triển mô hình vườn, ao, chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chị Lò Thị Phanh ở Phiêng Pẳng tâm sự: “Những năm gần đây, gia đình tôi thay đổi nếp nghĩ, nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây. Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương ngô kém hiệu quả sang trồng 2ha cây chè kim tuyên chất lượng cao; nuôi nhốt 11 con trâu sinh sản và hơn 100 con gà, vịt. Năm 2023, thu nhập gần 100 triệu đồng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Nông dân huyện Tam Đường trao đổi kinh nghiệm trồng dong riềng.

Hiện nay, người dân xã Sơn Bình cũng từng bước phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo nhanh và bền vững. Xã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bảo vệ rừng. Nhiều hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo, dong riềng, lúa chất lượng cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Năm 2023, toàn xã giảm 102 hộ nghèo (giảm 11,16% hộ nghèo).

Theo người dân ở xã Sơn Bình thì cán bộ xã, bản thường xuyên xuống tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, xác định rõ công tác giảm nghèo là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi hộ dân nhằm tạo động lực cho bà con chủ động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bà con giúp đỡ nhau mọi lúc, mọi nơi như: ốm đau, bệnh tật, thiên tai, bão lũ. Từ đó, xã đưa công tác giảm nghèo thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Với nỗ lực nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế của người dân, tin rằng, thời gian tới, huyện Tam Đường tiếp tục giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.   

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...