Thứ ba, 08/10/2024, 22:43 [GMT+7]

Quyết liệt, khẩn trương, tăng tốc

Thứ hai, 30/10/2023 - 10:38'
Đến thời điểm này, Tân Uyên là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đạt thấp nhất tỉnh. Thời gian để về đích năm 2023 chỉ còn rất ngắn, UBND huyện đã và đang quyết liệt, khẩn trương, tăng tốc bằng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Kết quả giải ngân đến ngày 23/10, huyện mới chỉ đạt 10,65 tỷ đồng/58,3 tỷ đồng, tương đương 18,2% kế hoạch vốn. 3 chương trình gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân được gần 15 tỷ đồng, đạt 14,1% kế hoạch. Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng vốn giao gần 12,4 tỷ đồng nhưng đến nay tiến độ giải ngân mới chỉ đạt 0,3% kế hoạch. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiến độ giải ngân có khá hơn một chút với tỷ lệ giải ngân đạt 27,2% nhưng chỉ tập trung ở nguồn vốn đầu tư, còn với nguồn vốn sự nghiệp đạt rất thấp.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của việc giải ngân thấp cũng như những khó khăn, vướng mắc hiện nay, ông Nguyễn Văn Huân - Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho hay, đối với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (dự án 3), các địa phương rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường liên kết, tiêu thụ sản phẩm để triển khai. Việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cũng khó thực hiện được do đối tượng thụ hưởng thiếu tư liệu sản xuất (đất đai, dụng cụ lao động, sản xuất). Bên cạnh đó, đối tượng tham gia dự án thiếu vốn đối ứng, không có nguồn vốn quay vòng nên không có khả năng thực hiện dự án.
Cũng ở dự án 3, thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, huyện Tân Uyên chọn bản Hô Tra (xã Mường Khoa) để trồng sâm. Nơi đây có điều kiện phù hợp, nhưng thực hiện được cũng là cả vấn đề vì giao thông đến bản này khó khăn nhất huyện. Các phương tiện không thể đi lại, vận chuyển vật tư vào mùa mưa. Hiện chưa có quy định cụ thể về giá thỏa thuận thuê diện tích đất rừng thực hiện các dự án trồng dược liệu quý.

Tuyến đường giao thông nội bản Nà Ún mới san nền mặt đường và phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Còn đối với dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, chưa có tài liệu cụ thể (bảng biểu, phiếu khảo sát) trong triển khai rà soát địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng nên các địa phương chưa có căn cứ để thực hiện. Thêm vào đó, huyện không còn đối tượng thụ hưởng thuộc xã khu vực III mà các nội dung của dự án triển khai tại 15 bản/tổ dân phố đặc biệt khó khăn nên không có chế độ cho cán bộ xã khi tham gia các hoạt động của dự án. Số lượng nội dung các hoạt động được chi theo quy định tại Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 rất ít, nhưng trên thực tế có nhiều hoạt động cần thiết mà lại không được phép chi.
Thực hiện phân cấp quản lý, hầu hết nguồn vốn được giao cho UBND các xã triển khai các nội dung chương trình MTQG. Được biết, năm 2023 và cả nguồn vốn chuyển tiếp, Pắc Ta được phân bổ nguồn vốn lớn, tương đương gần 2 tỷ đồng. Trong đó bản Nà Ún được chọn xây dựng bản nông thôn mới nâng cao. Đến thời điểm hiện tại, kể cả nguồn chuyển tiếp năm 2022 và nguồn phân bổ năm 2023, Nà Ún vẫn còn hơn 1 tỷ đồng chưa thể giải ngân.
Ông Tòng Văn Đanh - Trưởng bản Nà Ún cho hay: Năm 2022, chúng tôi được xã đầu tư nâng cấp tuyến đường nội bản với chiều dài gần 700m. Năm nay bản tiếp tục được đầu tư nâng cấp nối tiếp đoạn còn lại. Do bản không đủ năng lực thi công nên đã hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện nhưng cũng mới tiến hành san gạt nền đường được 70% và còn 1 hộ chưa đồng thuận hiến đất. Chúng tôi đang tiếp tục vận động để hộ còn lại hiểu và chung tay cùng với bản, xã đẩy nhanh tiến độ làm đường.
Ngoài những nguyên nhân như ở Nà Ún, còn rất nhiều nút thắt khiến cho việc giải ngân vốn chương trình MTQG của huyện đạt chậm. Song tựu trung lại, có những nội dung được hỗ trợ người dân không có đủ điều kiện thực hiện hoặc do hướng dẫn của cấp trên không có quy định cụ thể nào nên cấp cơ sở bị động, lúng túng.
Với thực trạng giải ngân trên, những ngày qua, lãnh đạo UBND huyện liên tục xuống cơ sở nắm tình hình kết hợp các cuộc giao ban, qua đó nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư để tháo gỡ và chỉ đạo thực hiện. Huyện cũng tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện hàng tuần của từng chương trình, dự án. Yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 3 chương trình MTQG theo sát từng chương trình, dự án, hợp phần dự án theo lĩnh vực được phân công. Đồng thời, tiếp tục xin ý kiến các cơ quan cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 3 chương trình MTQG được huyện tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Văn yêu cầu: Từ nay đến cuối năm, đối với nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022 cần phải giải ngân đạt 100% và 99% đối với nguồn vốn giao năm 2023. Muốn đạt được mục tiêu đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ quản phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường nghiên cứu văn bản và học hỏi các địa phương khác để áp dụng vào thực tế đơn vị, địa phương mình. Mong rằng, với sự thống nhất trong ý chí và hành động của đội ngũ lãnh đạo huyện, đơn vị chủ đầu tư, các nguồn vốn được giải ngân sẽ phục vụ đắc lực cho đời sống của người dân trên địa bàn.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...