Thứ bảy, 27/04/2024, 01:02 [GMT+7]

Song hành hỗ trợ, hợp tác phát triển

Thứ hai, 15/08/2022 - 10:45'
Lai Châu xác định, nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Cùng với phát huy nội lực, tỉnh đã và đang phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương cũng như “trải thảm” đón nhà đầu tư với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển”.

Tiềm năng và cơ hội
Giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, thể hiện ở việc Lai Châu có diện tích đất trống chưa sử dụng 240.000ha và tổng diện tích đất nông nghiệp trong thời gian tới có thể chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là trên 20.000ha (chủ yếu là đất màu, đất nương kém hiệu quả). Không chỉ có 3 đới khí hậu rõ rệt thuận lợi cho các loại cây trồng nhiệt đới, ôn đới, á nhiệt đới mà hệ thống sông suối đa dạng, khí hậu nhiều nơi mát mẻ quanh năm, phù hợp trồng rau màu trái vụ, phát triển cây dược liệu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 16.630ha mặt nước các lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ theo hướng tập trung.
Giao thông đi trước mở đường, ngoài hoàn thành các tuyến đường huyết mạch thúc đẩy giao thương giữa các huyện trong tỉnh như: thành phố Lai Châu - Sìn Hồ, thành phố Lai Châu - Nậm Tăm, tuyến tỉnh lộ 127, quốc lộ 32, Ma Lù Thàng (Lai Châu) - Kim Bình - Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất tập trung như: chè, lúa, cao su. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.377,5km đường giao thông nội đồng; 982 công trình thủy lợi, với tổng số 2.137km kênh mương, đáp ứng 86,8% diện tích gieo trồng hàng năm.

Tận dụng chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, khai thác lợi thế địa phương, Hợp tác xã nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp như mắc - ca và cây dược liệu.

Tận dụng chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, khai thác lợi thế địa phương, Hợp tác xã nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp như mắc - ca và cây dược liệu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển khá rõ nét ở nhiều mặt. Điều này được đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh minh chứng bằng những con số ấn tượng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu tổ chức cuối tháng 12/2021: Tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án để triển khai thực hiện. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004-2020 đạt trên 22%. Hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: trên 8.800ha chè, gần 13.000ha cao su, trên 5.000ha mắc-ca, 4.000ha chuối. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh với hơn 100 sản phẩm OCOP…
Bức tranh nông nghiệp của Lai Châu có nhiều gam màu sáng, tuy vậy vẫn còn ở quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế trong đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật; chất lượng sản phẩm thiếu tính đồng nhất, sản lượng thấp; liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ còn ít, thiếu bền vững. Đặc biệt, sản phẩm chủ yếu chế biến thô; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm.
“Phát triển nông nghiệp đa giá trị, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm đặc sản, gắn với chuỗi giá trị và liên kết. Lai Châu đang cần gỡ nút thắt chính là tích tụ, tập trung đất đai để tạo vùng sản xuất lớn, thu hút các nhà đầu tư thực hiện liên kết sản xuất với nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Và, một trong những vấn đề then chốt là thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, có uy tín về nông nghiệp” - đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
“Trải thảm” đón nhà đầu tư
Thực hiện hiệu quả 2 chương trình trọng điểm về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững được, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Điển hình như các chương trình: phát triển hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững; Đề án hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất tập trung; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện một số nội dung của Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, giới thiệu các danh mục dự án đầu tư. Thành lập các hiệp hội (Hiệp hội sâm, Hội Nông sản tỉnh, Hội Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh…) để hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện.
Với chủ trương nhất quán và xuyên suốt: song hành hỗ trợ lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu khảo sát 35 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Một số nhà đầu tư bắt đầu liên kết với người dân tổ chức triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Công ty Đồng Giao (chanh leo), Ong Tam Đảo (nuôi ong lấy mật), Công ty Cổ phần sao đỏ Tây Bắc (dược liệu), Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu (mắc-ca)…
Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, Công ty Cổ phần sao đỏ Tây Bắc được thành lập, đặt trụ sở tại xã Sà Dề Phì (huyện Sìn Hồ). Hiện, đơn vị đang liên kết với Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ tiến hành xây dựng Trung tâm Giống cây trồng dược liệu công nghệ cao, tập trung chủ yếu là giống sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, áp dụng hệ thống nhà lưới công nghệ Nhật Bản với diện tích 1.000m2. Tổ chức chế biến sâu các sản phẩm thuốc đông dược, thực phẩm có thảo dược, mỹ phẩm, trong đó các nguyên liệu sẽ được trồng theo đúng quy chuẩn.
Công ty TNHH Thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La liên kết với chính quyền, người dân 5 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ triển khai trồng bí đao xanh Nôva 209 với tổng diện tích gần 10ha. Ông Lê Trọng Dũng - Phụ trách Công ty chia sẻ: Trước nhu cầu thị trường cũng như tìm hiểu kỹ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Lai Châu và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Công ty quyết định đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới chuẩn hóa sản phẩm theo hướng OCOP và VietGAP. Với sự trách nhiệm của chính quyền địa phương, nông dân chủ động, mô hình bí xanh đã cho kết quả khả quan. Đây là điều kiện để đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân Lai Châu.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại tỉnh và đồng bộ nhiều giải pháp triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Lai Châu chắc chắn sẽ “không còn từ xóa đói giảm nghèo mà nghĩ mới, nghĩ khác để “kích hoạt” kinh tế - xã hội lên tầm cao mới” như sự kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thắm - Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...