Thứ năm, 09/05/2024, 02:00 [GMT+7]

Tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Thứ ba, 13/02/2024 - 20:45'
(BLC) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, những năm gần đây, huyện Than Uyên tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở cơ sở, giúp đồng bào DTTS có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Tết Giáp Thìn 2024, người dân bản Hua Than (xã Mường Than) vui mừng, phấn khởi khi không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt như mọi năm trước. Bởi, từ tháng 5/2023 bà con được quan tâm đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung và được đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô của gần 60 hộ, hơn 350 nhân khẩu trong bản. Công trình có tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Anh Sùng A So - Bí thư Chi bộ bản Hua Than chia sẻ: "Trước đây người dân trong bản đã được Nhà nước đầu tư làm công trình nước sinh hoạt, song theo thời gian công trình đã xuống cấp, vào mùa khô hầu như các hộ dân phải ra mó, suối chở từng can nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, rất vất vả. Nay được nhà nước quan tâm đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung có bể lọc kết hợp bể chứa và đường ống dẫn nước về đến tận nhà, không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt như mọi năm nữa. Tết này, nhà nào muốn mổ trâu, lợn để ăn tết cũng không phải nhờ người đi lấy từng can nước như mọi năm, bà con phấn khởi lắm".

Nhờ được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, người dân bản Hua Than (xã Mường Than) có nước hợp vệ sinh sử dụng quanh năm.

  Nhờ được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, người dân bản Hua Than (xã Mường Than) có nước  sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng quanh năm. 

Để công trình được sử dụng hiệu quả lâu dài, bản Hua Than đã thành lập tổ quản lý nước và thu mỗi khối nước của các hộ dân sử dụng là 1 nghìn đồng. Số tiền thu được để tổ quản lý nước có kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng đường ống nước cho các hộ dân trên địa bàn. Do đó, sau 9 tháng đưa vào sử dụng, công trình không những phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân mà phần nào đã đáp ứng nhu cầu về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con trong bản.

Mùa mưa hằng năm, trên địa bàn huyện Than Uyên luôn phải hứng chịu những cơn mưa lớn, kèm theo những đợt gió lốc khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, một số tuyến đường bị đứt gãy do lũ cuốn, sạt taluy dương. Mưa lũ còn gây thiệt hại lớn về cây cối, hoa màu, gia súc gia cầm. Còn nhớ đầu tháng 8 năm 2023, trên con suối Nậm Bốn ở bản Phiêng Cẩm (xã Mường Cang) mưa lũ về, nước dâng cao khiến 4,5ha lúa cấy 2 vụ của bà con trong bản bị ngập úng, một số diện tích còn bị nước cuốn trôi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong bản. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con, tháng 10 năm 2023, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bản Phiêng Cẩm được hỗ trợ xây dựng kè nhằm chống xói lở bờ suối Nậm Bốn để bảo vệ đất lúa, với chiều dài hơn 166m, tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng. Khi tuyến bờ kè được xây dựng xong bà con trong bản yên tâm sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Hà Văn Thỉnh (bản Phiêng Cẩm) có 1.000m2 ruộng nước cấy 2 vụ lúa chất lượng cao. Theo ông Thỉnh cho biết, trước đây chưa có kè kiên cố 2 bên bờ suối, diện tích lúa của gia đình ông thường xuyên bị ảnh hưởng đến năng suất, có năm mất trắng. Song được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư bờ kè kiên cố, gia đình ông yên tâm lao động, sản xuất để nâng cao thu nhập gia đình.

Tuyến kè chống xói lở bờ suối Nậm Bốn được xây dựng giúp bà con bản Phiêng Cẩm (xã Mường Cang) yên tâm sản xuất nông nghiệp.

Tuyến kè chống xói lở bờ suối Nậm Bốn được xây dựng giúp bà con bản Phiêng Cẩm (xã Mường Cang) yên tâm sản xuất nông nghiệp.  

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Than Uyên có 45 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng với tổng nguồn vốn hơn 19,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là làm đường giao thông; đường điện sinh hoạt; bóng đèn chiếu sáng; kè bảo vệ đất lúa; duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt…

Đồng chí Hoàng Thị Vân Quỳnh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Than Uyên cho biết: Thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, trong đó có tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các bản, xã đặc biệt khó khăn. UBND huyện chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết. Cấp ủy, chính quyền địa phương của các xã có công trình xây dựng đã tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con tự nguyện hiến đất làm các công trình công cộng mà không đền bù để đảm bảo tiến độ.

Đồng thời, phát huy dân chủ trong triển khai xây dựng công trình, dự án, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, bản và nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ xã có đường ôtô đến trung tâm xã được bê-tông hóa hoặc nhựa hóa trên địa bàn huyện đạt 100%, đường liên bản được cứng hóa đi lại thuận tiện quanh năm đạt 99,19%; 99,67% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 99,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Thời gian tới, huyện Than Uyên chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, đưa đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...