Thứ năm, 18/04/2024, 20:22 [GMT+7]

Thất thu nông sản vì thời tiết bất thường

Thứ sáu, 05/06/2020 - 09:13'
(BLC) - Thời tiết cực đoan, khô hạn kéo dài, nguồn nước không đủ sản xuất, vụ đông xuân vừa qua, xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa năm nào Phúc Khoa phải chịu cảnh thất thu như năm nay.

Chúng tôi về Phúc Khoa những ngày cuối tháng 5. Bằng thời điểm này năm ngoái, Nhân dân các bản của xã nằm ven trục Quốc lộ 32 dựng lều hoặc bán tại quán với lượng dưa hấu lớn nhưng năm nay đúng vào chính vụ thì dưa đã hết. Đây là loại cây trồng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phối hợp với Hội Nông dân xã vận động các hội viên trồng từ năm 2017, đến nay thành lập được Tổ hợp tác trồng dưa hấu với 10 thành viên. Tổ đã thực hiện trồng và chăm sóc dưa hấu che phủ nilon nhờ sự hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật của Tổ chức JICA (Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản). Năm 2018 thực hiện thí điểm trên diện tích 2.700m2 cho năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt 6,75 tấn.

Chị Vàng Thị Bức- bản Nậm Bon 2, xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) trao đổi với phóng viên Báo Lai Châu về vụ dưa hấu thất thu của gia đình.

Chị Vàng Thị Bức (bản Nậm Bon 2, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) trao đổi với phóng viên về vụ dưa hấu thất thu của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay, đây là loại cây trồng đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, đã và đang trở thành cây trồng chính của vụ đông xuân. Giá trị kinh tế cao nên những năm trước, Tổ hợp tác trồng trên diện tích 18ha, năm nay diện tích giảm xuống còn 12ha. Do hạn hán kéo dài, công trình thủy điện phía đầu nguồn suối Nậm Bon tích nước khiến cho nguồn nước tưới bị san sẻ bớt đi. Đến khi dưa vào giai đoạn sinh trưởng thì lại gặp mưa đá kèm theo nắng nóng khiến dưa bị dập, héo và chết. Nhiều ruộng dưa bị chết sạch, điển hình nhất là của gia đình chị Phan Thị Hiểu (bản Nậm Bon). Theo số liệu thống kê, vụ dưa năm nay xã chỉ còn 3,17ha dưa có thể thu hoạch được nhưng chất lượng giảm, không được ngon, ngọt như những năm trước.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến ruộng dưa của gia đình chị Vàng Thị Bức (bản Nậm Bon 2) vào lúc giữa trưa. Lúc này, chị đang lựa những quả dưa còn sót lại để hái đem bán vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn rầu, chị Bức chia sẻ: Năm ngoái trồng dưa được mùa lắm, vậy nên gia đình tôi năm nay mượn thêm đất của họ hàng để trồng dưa hấu, hy vọng một mùa bội thu. Ai ngờ vụ này thất thu. Đầu vụ trồng thiếu nước, vợ chồng tôi ngày đêm thay phiên nhau gánh nước tưới dưa, chăm bón, nâng niu từng ngày. Vậy mà đến ngày dưa ra quả to, sắp cho thu hoạch bị mấy trận mưa đá làm hỏng hết quả, nắng kéo dài khiến những dây dưa bị ảnh hưởng mưa đá trước đó làm cho héo. Bây giờ trên ruộng là những quả nhỏ được lá bao bọc may mắn sót lại. Vụ năm trước, gia đình tôi trồng có 500m2 mà thu được 14 triệu đồng, còn cho bà con họ hàng ăn thoải mái dưa, vậy mà vụ này, trồng 3.000m2 vợ chồng tôi mới thu được hơn 5 triệu đồng.

Vừa dứt lời, chị Bức vội lấy tay lau những giọt mồ hôi hòa lẫn với nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má sạm nắng. Nhìn khuôn mặt chị lúc bấy giờ, chúng tôi thấy thương và xót xa cho chị - người nông dân quanh năm dãi dầm mưa nắng, sương gió ngoài đồng ruộng mong vụ mùa bội thu, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học.

Câu chuyện thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến ruộng dưa mà lúa, ngô của gia đình chị Bức cũng như hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã cùng chung cảnh ngộ. Chị Ninh Thị Huệ (bản Phúc Khoa) than thở: Năm nay, gia đình tôi cũng như các hộ trong bản mất mùa lúa chẳng được thu hoạch. Với diện tích 1.000m2, vụ này năm trước, tôi thu về trên 20 bao thóc nhưng năm nay chỉ thu về được 3 bao thóc, vì đang lúc trổ đòng thì mưa đá dội xuống, xé bông làm cho bông trắng xóa. Hiện, gia đình tôi chưa biết xoay xở đâu để đủ nguồn lương thực. Tôi cũng không đo chính xác diện tích trồng ngô là bao nhiêu, chỉ biết là có 4 mảnh ruộng, trồng 5kg giống mỗi vụ, do mưa đá, gió lốc, gốc ngô bật gốc chỉ mang về làm thức ăn cho trâu, bò thôi”. Vẻ mặt buồn, bà Huệ ngoảnh sang mấy chị hàng xóm nói vui vẻ chua chát: “Như vậy là vẫn được ăn, nhưng mình trồng ngô là để lấy hạt cơ mà!”

Được biết, toàn xã Phúc Khoa có 152ha lúa, năng suất bình quân các năm đạt 52 tạ/ha, có những thửa người dân chăm sóc tốt năng suất lên tới 60 tạ/ha. Vụ đông xuân năm nay, do ảnh hưởng nặng bởi 3 trận mưa đá, hầu hết các cánh đồng lúa trên địa bàn xã Phúc Khoa đều bị dập và lại càng không may khi đúng vào thời điểm lúc trổ đòng. Năm nay thời tiết khô hạn, vào thời điểm lúa, dưa cần nước để thúc đẩy sinh trưởng nhất lại không có nước để tưới, do đó không thể phát triển bình thường. Ngoài ra, một vài khu vực lúa bị nhiễm bệnh nhưng bà con nông dân không can thiệp kịp thời nên cũng ảnh hưởng đến năng suất. Theo số liệu thống kê từ xã, năng suất lúa vụ này chỉ đạt 28 tạ/ha (chưa bằng 50% năng suất so với cùng kỳ năm trước).

Rời xã Phúc Khoa khi trời đã trưa muộn, hình ảnh và lời nói của chị Bức, chị Huệ cứ ảm ảnh trong đầu chúng tôi suốt cả chặng đường về. Hy vọng rằng, vụ mùa năm nay, thời tiết thuận hòa hơn, nguồn nước dồi dào hơn để người nông dân Phúc Khoa có vụ mùa thắng lợi, đảm bảo được nguồn lương thực, tránh tình trạng thiếu ăn lúc giáp hạt.

Đinh Đông- Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...