Thứ hai, 29/04/2024, 02:21 [GMT+7]

Trên cánh đồng no ấm

Thứ ba, 30/01/2024 - 14:23'
(BLC) - Nhắc đến xã Mường Than (huyện Than Uyên) nhiều người sẽ nhớ đến câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Là xã có cánh đồng lúa lớn được mệnh danh lớn thứ ba ở khu vực Tây Bắc, đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ, cần cù lao động, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng cũng như mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Trong câu chuyện với một số bà con xã Mường Than, chúng tôi được biết từ bao đời nay, nhờ có cánh đồng rộng lớn, màu mỡ cùng ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo mà nhiều hộ dân đã trở thành triệu phú. Điển hình như gia đình chị Đỗ Thị Lả ở bản Mường - là một trong những gia đình mạnh dạn đi đầu trong thực hiện chuyển đổi diện tích gieo cấy lúa sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Với diện tích 2.000m2 cấy lúa 2 vụ thu nhập không cao, song từ khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, gia đình chị tích cực làm theo. Mùa nào cây nấy, vụ thì trồng bí xanh, vụ trồng cải thảo, rồi trồng ớt chỉ thiên; đồng thời gia đình chị còn thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm nên không còn lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chị Lả chia sẻ: "Từ khi chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang trồng cây có giá trị kinh tế nên mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện nay, không chỉ có gia đình tôi mà còn nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên phát triển kinh tế khá từ chuyển đổi cây trồng".

Trồng ớt chỉ thiên là một hướng phát triển kinh tế bề vững của bà con nhân dân xã Mường Than.

Trồng ớt chỉ thiên là một trong những hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân xã Mường Than.

Với cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng, nước tưới tiêu đảm bảo và gần đường quốc lộ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than đã cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể.

Xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, thâm canh, tăng vụ, trong đó quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất rau màu an toàn, tập trung với diện tích hơn 130ha tại các bản: Sen Đông, Xuân Phương, Cẩm Trung… Trong đó, có 80ha rau an toàn với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: rau muống, cà chua, cải các loại, mướp, bầu, bí, mồng tơi…

Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau. Khuyến cáo bà con thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục, đảm bảo liều lượng theo đúng yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với một số công ty liên kết tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao quy trình ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hái bí đao xanh; sản xuất lúa, dâu tây theo quy chuẩn VietGap. Một số mô hình đã thực hiện quy trình đóng gói, tiêu thụ sản phẩm như: gạo tẻ tròn, dâu tây đóng hộp, bí đao xanh.

Lãnh đạo xã Mường Than (huyện Than Uyên) hướng dẫn các hộ dân chăm sóc cây bí xanh.

Lãnh đạo xã Mường Than (huyện Than Uyên) hướng dẫn các hộ dân chăm sóc cây bí xanh.

Bên cạnh đó, xã có 405ha lúa hàng hóa và đang tiếp tục thực hiện 44ha lúa Vass-16 theo chuỗi liên kết bao tiêu tại bản Hua Than và bản Đông; thực hiện 19ha lúa theo quy trình VietGap tại bản Ngà. Đặc biệt hiện nay người dân đang thực hiện trồng 6,2ha ớt chỉ thiên theo hình thức liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu Phúc An Phát (tỉnh Hải Dương). Với phương châm không để đất nghỉ, người dân trên địa bàn xã Mường Than đã thực hiện có hiệu quả thâm canh, tăng vụ trên chân ruộng lúa, từ đó mang lại thu nhập ổn định, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đồng chí Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho biết: "Tận dụng những tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đến nay số hộ có thu nhập khá, giàu từ sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng lên, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,48% (tính hết năm 2023). Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững".

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...