

Tỉnh Lai Châu có diện tích khá lớn, chế độ khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Nhận thấy được tiềm năng đó, tỉnh Lai Châu đã có chủ trương và ban hành những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp đối với các nhà đầu tư. Theo đó, cây công nghiệp lâu năm được đẩy mạnh theo hướng mở rộng quy mô diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện; tập trung cho đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương trong tỉnh vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp hiệu quả kinh tế như: chè, cao su, thảo quả… tập trung với quy mô lớn.
Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II chăm sóc cây cao su.
Ông Phan Thanh Biện – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết: “Được thành lập từ năm 2009, song đến năm 2010 Công ty bắt đầu triển khai trồng cây cao su trên đồng đất Lai Châu. Đến nay, Công ty đã triển khai trồng 4.464ha cao su. Bước đầu giải quyết việc làm cho 560 lao động chính thức với mức thu nhập từ 2,5 -3,5/tháng. Ngoài ra vào những lúc cao điểm như làm đất, trồng mới, làm đường đồng mức… Công ty còn hợp đồng thêm 700 lao động thời vụ ở khu vực nông thôn miền núi để đảm bảo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Công ty còn tích cực đóng góp vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương như trích 30% tổng số tiền được hưởng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (sau khi cây cao su khép tán) của các thủy điện chi cho các xã, huyện vùng dự án trồng cao su để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương…”.
Tính đến nay, việc triển khai trồng cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh đang đem lại kết quả tốt. Toàn tỉnh đã trồng mới 609ha chè (trong đó, huyện Tam Đường: 110ha; Sìn Hồ: 76ha; Tân Uyên: 244ha; Than Uyên: 109ha; thành phố Lai Châu: 70ha), vượt kế hoạch 59ha, tăng 128ha, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 4.110ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 23.670 tấn, vượt kế hoạch 500 tấn, tăng 660 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây chè đã và đang khẳng định vị thế và hiệu quả kinh tế trên địa bàn tỉnh. Người dân đã tích cực tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến chè, dần hình thành chuỗi giá trị gia tăng. Với phương châm “Phát triển tập trung không dàn trải, chú trọng trồng và chế biến chè chất lượng cao”, hiện Lai Châu có 5 nhà máy lớn và trên 100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng, đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: chè Than Uyên, chè Tam Đường. Nhờ có chính sách phát triển phù hợp nên những công ty này đã chú trọng đầu tư công nghệ cao để sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Nga, Nhật Bản, Pakiztan...
Cùng với cây chè, cây cao su đang được đánh giá là cây công nghiệp mũi nhọn và có nhiều triển vọng để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa trong những năm tới của tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh đã trồng mới 168ha cao su, đạt 83,7% kế hoạch, nâng tổng diện tích cao su toàn tỉnh lên 13.226ha. Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cây công nghiệp, Lai Châu cũng quan tâm tới phát triển hoạt động công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là việc hướng tới thị trường xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Lai Châu đã thu hút được 3 Công ty Cổ phần Cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam vào đầu tư tại tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với Tập đoàn Cao su Việt nam tổ chức Lễ Sơ kết 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; tổ chức lễ Mở miệng khai thác mủ cao su. Hiện toàn tỉnh có 2.982ha đã đến tuổi khai thác, trong đó đã khai thác 71,5ha, sản lượng mủ đạt trên 107 tấn khô. Điều đáng nói là trồng cây cao su không chỉ tận dụng được những diện tích đất trống, đồi núi hoang hóa mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nhận thức, nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. Ngoài chè và cao su, một số loại cây công nghiệp cũng đang được tỉnh chủ trương mở rộng diện tích như: quế, sơn tra, thảo quả, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân.
Hiện tỉnh đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày. Theo đó, Lai Châu sẽ có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh tham gia các dự án phát triển cây công nghiệp; tỉnh cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình hợp tác, phát triển, để các doanh nghiệp góp sức cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu: “… đưa Lai Châu thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc…” vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Tin đọc nhiều

Tăng thu nhập từ nuôi dê
Sìn Hồ tăng diện tích rừng

Bản Giang mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản

Cho dòng điện thêm xa, thêm mạnh
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5









