

Từ nhiều năm, vào mùa khô, Nhân dân các bản của xã Mường Mít thường vào rừng khai thác mật ong phục vụ sinh hoạt gia đình và bán ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng mật thu được ngày càng giảm do ong bị phá đàn. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), xã Mường Mít quyết tâm xây dựng thành công sản phẩm mật ong.
Do đó, chính quyền cùng các đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân hưởng ứng; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ về thùng nuôi và vật tư khác theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít, huyện Than Uyên kiểm tra sự sinh trưởng của đàn ong.
Đó là lí do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mường Mít (địa chỉ tại bản Khoang, xã Mường Mít, huyện Than Uyên) được thành lập năm 2022 với 9 thành viên. Đảm bảo sản phẩm mật ong cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn 3 không: không chất bảo quản, không phụ gia, không hương liệu, có thể lưu trữ, bảo quản lâu dài.
HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố; sử dụng máy hạ thủy phần nhằm lọc sạch cặn bẩn, nhộng, sáp ong và tách nước, đảm bảo thu được sản phẩm mật ong nguyên chất. Và, đây cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sản xuất mật ong.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Mường Mít có 200 thùng ong với 100% giống ong tự nhiên đưa về thuần hóa. Địa điểm nuôi được đặt tại cánh rừng của bản nên nguồn thức ăn cho ong rất đa dạng. Đảm bảo chăm sóc và nhân đàn thành công, HTX duy trì 2 thợ nuôi chính (thành viên HTX); thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức ở các địa phương khác.
Bởi vậy, đã hỗ trợ nhiều về kỹ thuật nhân đàn, nuôi theo quy trình kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ong trên địa bàn. Đồng thời, tạo niềm tin để các hộ dân tham gia liên kết nuôi và cung ứng mật ong cho đơn vị.
Mặc dù chỉ mới thành lập 1 năm nhưng HTX Nông nghiệp Mường Mít đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Thanh Xuân tạo được uy tín trên thị trường. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản; HTX còn chú trọng hình thức nhãn mác, bao bì sản phẩm và tận dụng các nền tảng công nghệ số quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng. Đặc biệt, tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 do huyện Than Uyên vừa tổ chức, đây là 1 trong 6 sản phẩm có đủ điều kiện tham gia Hội nghị đợt 2 của tỉnh năm 2022.
Sản phẩm mật ong Thanh Xuân của Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít, huyện Than Uyên được đánh giá
đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 của tỉnh năm 2022.
Nhờ có địa chỉ tin cậy là HTX Nông nghiệp Mường Mít, đến thời điểm này, “nghề có nhiều mật ngọt” đang tạo sức hút đối với Nhân dân trong xã thông qua việc duy trì nuôi 100 thùng ong và tiếp tục nhân đàn.
Nuôi ong mặc dù đang là nghề giúp Mường Mít khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo và địa phương định hướng ưu tiên trong lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Mường Mít cùng các hộ nuôi ong nói riêng, xã Mường Mít nói chung cần có những giải pháp về thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường công tác quản lý sản phẩm đầu vào và đầu ra, đảm bảo giữ vững thương hiệu đã dày công xây dựng.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh










