Thứ ba, 08/10/2024, 22:50 [GMT+7]
Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI/2021 (Giải búa liềm vàng)

Người Si La ơn Đảng - Kỳ 2: Đổi thay nhờ có Đảng

Chủ nhật, 06/06/2021 - 08:22'
Trong nhận thức của dân tộc Si La (huyện Mường Tè), Đảng, Bác Hồ đã đem đến những đổi thay mang tính lịch sử đối với đồng bào. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hôm nay, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, thể chất của đồng bào Si La đã có những bước tiến đáng kể.

Từ khi ra đời, chưa lúc nào Đảng ta thôi chăm lo cho quốc gia, dân tộc, cho từng sắc dân, tộc người. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà sự quan tâm ấy được thể hiện khác nhau, như Bác Hồ đã khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Có Đảng, đất nước ta đã bước sang một kỷ nguyên huy hoàng, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Ở nơi cuối trời Tây Bắc xa xôi, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, được sự chăm lo, dìu dắt của Đảng, các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung, người Si La nói riêng đã có những đổi thay ngoạn mục.
Bên chén nước thân tình, đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ với chúng tôi về những vinh dự và trách nhiệm khi Mường Tè được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chăm lo cho một tộc người còn rất ít người của đất nước. “Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, huyện Mường Tè đã có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đồng bào Si La. Từ kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, chính trị đến cộng đồng cũng như từng cá nhân mỗi người Si La đều có những chuyển biến rất đáng mừng. Đến nay, tuy là một trong những dân tộc đặc biệt ít người, nhưng Si La lại là dân tộc khá tiến bộ so với các dân tộc khác trên địa bàn huyện”.

Những giống lúa mới giúp bà con Si La không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đủ để chăn nuôi và bán cho thương lái.  Ảnh tư liệu

Những giống lúa mới giúp bà con Si La không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đủ để chăn nuôi và bán cho thương lái. Ảnh tư liệu

Cách đây mấy chục năm, hai bản Sì Thâu Chải và Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) vẫn ở bên kia sông Đà, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Trước kia, Đà giang thiên hiểm là tuyến phòng thủ vững chắc cho bà con trước sự đàn áp của các thế lực bên ngoài, nhưng đồng thời nó cũng “cách ly” đồng bào với thế giới bên ngoài. Mỗi bản có vài chục nóc nhà, lại không biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc khác nên vạn sự chỉ bó hẹp trong cộng đồng mấy trăm con người gồm cả già trẻ, gái trai. Cố kết cộng đồng là đáng mừng nhưng kết hôn cận huyết lại là kẻ thù vô hình âm thầm đẩy bà con đến tình trạng thoái hóa giống nòi, đe dọa diệt vong. Bên cạnh đó, do sinh sống biệt lập nên các mặt kinh tế, xã hội của bà con cũng chậm phát triển. Thật may, bằng sự nhân văn của những người cộng sản, Đảng ta đã nhận ra điều đó và những chính sách đổi đời đối với bà con đã ra đời. “Bàn tay” của Đảng đã kéo được một tộc người bên bờ vực suy vong trở nên hưng thịnh trở lại.
“Làm sao mà kể được hết công ơn của Đảng vì từ bao đời nay chúng tôi đã được hưởng ân tình ấy. Nhưng sự đổi thay mạnh mẽ nhất có lẽ bắt đầu từ khoảng hai chục năm nay” - ông Pờ Chà Dú (một người con của dân tộc Si La tại bản Sì Thâu Chải) khẳng định. Ngày 16/5/2005, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ký, ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBDT về việc phê duyệt dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Si La tỉnh Lai Châu (bà con gọi là đề án Si La). Dự án có mục tiêu là xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Si La tỉnh Lai Châu. Dự án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với đồng bào nơi đây.
Thực hiện dự án, Nhà nước đã đầu tư cho 120 hộ đồng bào Si La (số liệu thời điểm 2005) số tiền gần 12 tỷ đồng, một con số rất lớn ở thời điểm đó. Như vậy, trung bình cứ 10 hộ nhà nước đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 10,5 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp kinh tế.

Trẻ em người Si La được học trong những ngôi trường khang trang.  Ảnh tư liệu

Trẻ em người Si La được học trong những ngôi trường khang trang. Ảnh tư liệu

Sau khi có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, những công trình lần lượt mọc lên. Để phá thế cô lập, kết nối giao lưu, giao thương giữa đồng bào Si La và “thế giới bên ngoài”, cây cầu treo bắc ngang qua sông Đà đã được dựng lên trong sự hân hoan khôn tả của bà con. Có người vui quá, đã làm thơ, sáng tác bài hát ca ngợi công ơn của Đảng, của Nhà nước. Rồi sau đó là đường giao thông, thủy điện mi ni, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà lớp học thôn bản, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiết bị nghe nhìn… được đầu tư khiến diện mạo của bản gần như “lột xác” hoàn toàn.
“Không chỉ thế, Đảng còn cử cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xuống tận bản “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ chúng tôi sản xuất. Nhà nước cũng mở các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm để dạy chúng tôi canh tác, chăn nuôi hiệu quả hơn. Chưa hết đâu, Nhà nước lại còn hỗ trợ chúng tôi cây giống và cả cách trồng cây sa nhân tím, cây quế nữa” - anh Hù Chà Sơn, Trưởng bản Sì Thâu Chải chia sẻ thêm.
Chăm lo cho tương lai của bà con, Nhà nước đã hỗ trợ tiền ăn cho tất cả các em học sinh từ bậc mầm non cho đến bậc đại học. Lúc đó bà con bảo nhau: bọn trẻ đi học mà cũng được Nhà nước trả “lương”. Bởi vậy, tỷ lệ chuyên cần của con em đồng bào Si La đã đạt được gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó, để “giữ hồn” cho tộc người, các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các lễ hội của đồng bào để văn hóa Si La tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Ngày những lễ hội này được phục dựng, tổ chức lại, cụ bà Hù Cố Xuân - nghệ nhân dân gian của dân tộc Si La mừng rơi nước mắt: “Cứ ngỡ rằng các lễ hội này sẽ theo lớp người già chúng tôi về trời. Không ngờ Đảng quan tâm, Nhà nước hỗ trợ, các con, các cháu đã được sống trong các nghi thức thiêng liêng của ông bà rồi. Như vậy là có hậu lắm!”
“Đề án Si La” đã mang đến những đổi thay ngoạn mục từ kinh tế, văn hóa, xã hội tới chất lượng giống nòi, mở ra một tương lai tươi sáng cho người Si La. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2021” lại tiếp tục mang đến cho đồng bào Si La thêm những cơ hội mới để bước tiếp những bước tiến dài. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2019 - 2020, cộng đồng Si La ở đây đã nhận được hơn 5,7 tỷ đồng từ các khoản hỗ trợ của Nhà nước.
Trong câu chuyện với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo huyện Mường Tè rất phấn khởi khi nhận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục chăm lo cho đồng bào. Họ kể về hành trình hỗ trợ đồng bào Si La trồng hơn 80ha quế, 177ha sa nhân tím, 79ha mắc-ca, 43ha cây ăn quả; trong đó có rất nhiều diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Những giọt dầu thơm lừng của quế hay những sân bêtông phơi đỏ sa nhân… không chỉ mang đến niềm vui, sự phấn khởi mà còn chứng minh sự phù hợp của các dự án mà Nhà nước mang đến cho đồng bào. Câu chuyện của chúng tôi lan sang 91 con bò Nhà nước hỗ trợ bà con đã chuẩn bị sinh sản lứa đầu. Rồi anh em ở huyện lại bàn chuyện phục dựng các lễ hội, bảo tồn nhạc cụ, trang phục, kiến trúc của bà con… Từ câu chuyện của họ, tôi cảm nhận được niềm vui của những người cán bộ khi được góp sức “nâng bước” đồng bào.
Nhờ sự chở che, nâng đỡ của Đảng, bà con người Si La đã có một cuộc đời tươi sáng. Những chuyển biến ấy diễn ra ở tất cả mọi mặt trong đời sống, tuy âm thầm mà mạnh mẽ, để đến nay trong toàn bộ người Si La chỉ còn có 10 hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người của bà con nơi đây đã lên đến hơn 36 triệu đồng mỗi năm. Có thể nói, công ơn của Đảng thể hiện qua từng bát cơm đầy, mái nhà cứng, tiếng hát vui và một tương lai tươi sáng đang chào đón bà con Si La nơi thượng nguồn sông Đà.

(Còn nữa)

 Kảnh Phượng - Hà Dũng - Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...