Thứ tư, 08/05/2024, 23:58 [GMT+7]

Về nơi "đảng viên đi trước"...

Chủ nhật, 25/06/2023 - 21:02'
Với nhiều cách làm linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng và tập quán canh tác, thời gian qua, cán bộ, chính quyền và bà con người đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo trên địa bàn huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: PHÚC THẮNG
Giáo viên và học sinh giáo xứ Kon Bơ Băn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường nông thôn mới xã Ngọk Réo.

VỐN là căn cứ của các phong trào cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Đắk Hà với huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, giáo xứ Kon Bơ Băn (thôn Kon Bơ Băn, xã Ngọk Réo) đang có những chuyển biến rõ nét, trở thành vùng quê yên bình, đáng sống giữa núi rừng Tây Nguyên.

Tranh thủ những ngày chưa vào mùa gặt, chị Y Khải - Trưởng thôn Kon Bơ Băn cùng lực lượng dân quân, đoàn thanh niên tổ chức ra quân chỉnh trang lại cổng ngõ, gia cố lại hàng rào xanh và các tuyến đường hoa tự quản của các hộ dân được phân công phụ trách. Các hộ dân trong thôn cũng không ngần ngại chặt bỏ những loại cây không có giá trị để nhường không gian cho những đường hoa. Sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, người dân trong xây dựng nông thôn mới đã khiến Ngọk Réo như khoác lên mình bộ áo mới. Đường sá rộng rãi, sạch sẽ, được điểm tô bằng những đoạn đường hoa, hàng cây xanh… làm bớt đi phần nào sự oi ả, khó chịu của cái nắng cuối tháng 5. Nằm dọc tuyến tỉnh lộ 671, thôn Kon Bơ Băn có 250 hộ dân, với khoảng 1.780 nhân khẩu là người theo đạo Công giáo.

Toàn xã Ngọk Réo hiện có bảy thôn, với 1.179 hộ; trong đó có hơn 98% số hộ dân là người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọk Réo Phạm Thị Mây cho biết: Với phương châm: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", từ các phong trào cụ thể với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo từng lĩnh vực phân công phụ trách, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày của người đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó có hai thôn đạt 10/10 tiêu chí thôn/làng dân tộc thiểu số nông thôn mới. "Điều đáng mừng là bên cạnh các tiêu chí khung như: kết cấu hạ tầng cơ sở, cơ cấu kinh tế-xã hội… đã được hoàn thiện và giữ vững, hiện toàn xã có hơn 880 hộ đã xây dựng các hàng rào xanh, trồng hoa giấy để tạo cảnh quan môi trường khu dân cư sáng-xanh-sạch đẹp. Sự đồng thuận, thống nhất của người dân là cơ sở quan trọng để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay", chị Mây cho biết.

Thời gian qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk Hà cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn. Từ đó, vừa làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, vừa khai thác hiệu quả không gian văn hóa của các dân tộc để phát triển ngành du lịch cộng đồng, tạo nguồn thu nhập. Tiêu biểu như tại giáo xứ Kon Trang Long Loi, thị trấn Đắk Hà nằm yên bình bên lòng hồ thủy điện Plei Krông. Với hơn 230 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na, năm 2020, sau khi được công nhận làng trở thành điểm du lịch cộng đồng của tỉnh, các nghệ nhân, người dân địa phương đã có thêm nhiều động lực để tiếp tục gìn giữ các loại hình văn hóa dân gian gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới. Nghệ nhân Ưu tú A Thuih - Giáo phu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Kon Trang Long Loi, chia sẻ: Những nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ bằng tre, nứa… tưởng chừng đã bị lãng quên, thì nay lại được nhiều người dân phục hồi, phát triển.


Giờ đây, khi đến nhiều thôn, làng ở huyện Đắk Hà, du khách không chỉ được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống chân chất, mộc mạc hằng ngày của người dân, mà còn được thưởng thức các tiết mục hòa tấu đàn t’rưng; hòa mình vào không gian huyền bí, thiêng liêng của các nghi lễ đậm chất sử thi do chính dân làng thực hiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển các dịch vụ trên lòng hồ thủy điện Plei Krông cũng mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị về cảnh quan thiên nhiên, nhờ đó mà ngày càng có nhiều du khách thập phương tìm đến với mảnh đất bình yên "có cái nắng, có cái gió" nơi núi rừng Tây Nguyên này.

Đến nay, huyện Đắk Hà đã có bảy xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, có chín thôn/làng dân tộc thiểu số, vùng có đạo đạt chuẩn nông thôn mới; chín thôn đạt 10 tiêu chí.

Cập nhật Thứ sáu, ngày 02/06/2023 - 16:21/Bài và ảnh: PHÚC THẮNG/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...