Thứ hai, 29/04/2024, 14:47 [GMT+7]

Cái tâm của bộ đội

Thứ năm, 10/02/2022 - 07:58'
Đến thăm Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356, Quân khu 2, đóng quân ở các xã thuộc vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết, cán bộ, chiến sĩ đã giúp bà con miền sơn cước này rất nhiều việc thiết thực.

Nhưng câu chuyện về Chương trình "Cơm nóng cho học sinh đến trường" khiến chúng tôi ấn tượng nhất.

Cách đây hơn 3 năm, một lần đi bản khi màn sương chưa tan, Đại tá Nguyễn Văn Cường (khi ấy là Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356) chứng kiến một cháu nhỏ đi học, leo dốc trơn bị trượt chân té ngã, túi cơm trưa mang theo đổ tung tóe ra đường. Nhìn cháu vừa khóc, vừa nhặt cơm độn ngô, lòng anh quặn thắt... Anh động viên, hỏi chuyện cháu nhỏ, rồi ngay trưa hôm đó vào lớp học mầm non ghép 3, 4, 5 tuổi ở bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử, để thị sát: Khẩu phần ăn trưa của một số cháu chủ yếu là cơm độn và mèn mén nguội lạnh.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 cùng giáo viên Trường Mầm non Pa Vây Sử (Phong Thổ, Lai Châu) chuẩn bị bữa cơm trưa cho các cháu học sinh. 

Làm việc với Ban giám hiệu Trường Mầm non Pa Vây Sử, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắng cho biết: Theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5-1-2018 của Chính phủ, trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở, tương đương 149.000 đồng/trẻ/tháng (từ ngày 1-11-2020, số tiền hỗ trợ này đã tăng thêm 10%, tương đương 160.000 đồng/trẻ/tháng-PV). Số tiền ấy ở những địa bàn giá cả đắt đỏ như nơi đây thì chỉ đủ để mua thực phẩm làm thức ăn bữa trưa cho các cháu, vì thế, các cháu phải mang cơm theo. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn rất khó khăn, nhất là những lúc giáp hạt nên có cháu phải mang cơm độn ngô, độn sắn, thậm chí chỉ có mèn mén...

Câu hỏi phải làm gì để giúp các cháu có bữa ăn trưa bán trú đủ đầy cứ đau đáu trong lòng, Đại tá Nguyễn Văn Cường đã đưa chuyện này ra trao đổi trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Anh đề xuất hỗ trợ gạo để nấu cơm trưa cho các cháu. Mọi người nhất trí ngay. Những ngày đầu, chỉ huy đơn vị góp tiền để hỗ trợ mua gạo, rồi anh em tình nguyện làm theo. Từ đó, mỗi buổi trưa, nồi cơm của cán bộ, chiến sĩ Ðoàn KT-QP 356 lại thêm phần cho 24 cháu. 10 giờ 30 phút hằng ngày, anh em nuôi quân mang cơm đến lớp học bản Pờ Sa phục vụ chu đáo.

Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Chính ủy Đoàn KT-QP 356 chỉ lên bản đồ rồi nói với chúng tôi: "Từ điểm trường Pờ Sa, năm 2021, chỉ huy đơn vị đã phối hợp với Ban giám hiệu Trường Mầm non Pa Vây Sử khảo sát nắm tình hình toàn trường. Do địa bàn rộng nên nhà trường phân bố thành 6 điểm trường ở các bản gồm: Pờ Sa, Ngải Thầu, Chung Chải, Sín Chải và hai điểm ở bản Hang É. Toàn trường hiện có 184 học sinh, nhưng chỉ khoảng 20 cháu không ăn bán trú...". 

Sau khi họp bàn, toàn đơn vị thống nhất sẽ trích quỹ tăng gia để mua gạo nấu cơm trưa cho các cháu ở cả 6 điểm trường. Lớp học gần doanh trại thì phân công các đội sản xuất của đoàn trực tiếp phục vụ. Lớp học ở xa, không mang cơm hằng bữa được thì chuyển gạo, dụng cụ xuống để các cô giáo giúp nấu cơm. Vậy là 167 cháu học bán trú được bộ đội bảo đảm cơm trưa nóng hổi. Hằng sáng, các cháu không còn phải mang cơm từ nhà và không cháu nào phải ăn cơm nguội, cơm độn.

Cô Nguyễn Thị Thắng chia sẻ: "Bên cạnh giúp các cháu học sinh, bộ đội còn là chỗ dựa vững chắc, bất kể nhà trường và địa phương có việc gì khó khăn, các anh đều nhiệt tình giúp đỡ. Mới đây, đơn vị đã huy động lực lượng giúp thi công lán ăn cho học sinh ở các điểm trường. Được bộ đội bảo đảm bữa cơm trưa, cả phụ huynh học sinh và giáo viên đều rất yên tâm. Chúng tôi không còn phải đi các bản vận động phụ huynh đưa con đến trường, chuyên tâm hơn vào việc chăm sóc, dạy học. Sĩ số lớp thường xuyên trên 98% và sức khỏe các cháu tốt hơn".

Chương trình "Cơm nóng cho học sinh đến trường" do Đoàn KT-QP 356 triển khai ở xã Pa Vây Sử dần lan tỏa và nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đồng hành, hỗ trợ trang thiết bị, nồi nấu cơm, gạo... Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Mây ở thị trấn Đông Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đã ủng hộ gạo cho 3 điểm trường trong cả một năm học. Từ chương trình đầy ý nghĩa này, đồng bào ở Pa Vây Sử càng thêm yêu bản làng vùng sơn cước, tích cực cùng bộ đội xây dựng, bảo vệ biên cương.

Cập nhật 02/02/2022 10:00/Bài và ảnh: ĐỨC ĐÀO - TRUNG HIẾU /dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...