Thứ hai, 06/05/2024, 11:18 [GMT+7]

Hiệu quả từ một mô hình

Thứ năm, 15/02/2024 - 15:26'
Mô hình “3 không, 3 có” trong phòng, chống hoạt động mua bán, lừa đảo cưỡng ép phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn thành phố Lai Châu được ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2021. Đến nay, mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực giúp các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm kịp thời, điều tra giải quyết nhiều vụ việc, khám phá làm rõ nhiều vụ án.

Thành phố Lai Châu có 7 xã, phường; 72 tổ dân phố, bản với trên 47 nghìn người gồm 17 dân tộc cùng sinh sống, tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định, kinh tế - xã hội từng bước phát triển. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có một số phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài (chủ yếu là đi Trung Quốc), trong đó có nghi vấn liên quan đến bị lừa đảo, cưỡng ép dụ dỗ ra nước ngoài. Chưa có đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh, do vậy việc xử lý các đối tượng khó khăn.
Đa số phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài nghề nghiệp không ổn định, trình độ văn hóa thấp, nhẹ dạ cả tin, dễ bị các đối tượng lừa bán, cưỡng ép ra nước ngoài. Trung tá Trần Thị Thanh - Phó trưởng Công an thành phố Lai Châu nhấn mạnh: Thời gian qua, Công an thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng; chủ động phát hiện đấu tranh, ngăn chặn hoạt động trên. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa hiệu quả của mô hình. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, động viên nhân dân tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm và tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, lừa đảo cưỡng ép phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài nói riêng.

 Công an phường Quyết Tiến, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tuyên truyền nội dung mô hình “3 không, 3 có” tới người dân tổ dân phố số 12.

Từ khi thành lập mô hình “3 không, 3 có” và thông qua việc kết hợp triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc như: móc khóa an ninh tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm; tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự (ANTT), dòng họ tự quản về ANTT; lực lượng chức năng đã tiếp nhận 316 lượt tin báo, tố giác, kiến nghị, phản ánh của công dân về các thông tin liên quan đến ANTT và mua bán, lừa đảo cưỡng ép phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài. Đến tháng 10/2023, có 22 trường hợp tại xã San Thàng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đã tham mưu xử lý 3 trường hợp phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài.
Trong quá trình khảo sát xây dựng mô hình, công an thành phố chủ động báo cáo UBND thành phố, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, điều tra làm rõ 1 vụ mua bán người, giải cứu 1 nạn nhân. Cụ thể ngày 14/12/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Má A Hồng (SN 1995, trú tại bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) về hành vi mua bán người. Vào khoảng tháng 10/2020, Má A Hồng quen biết, tán tỉnh, yêu đương với Lùng Thị S. (SN 2005, trú tại bản Sểnh Sang, xã Mù Sang) qua mạng facebook. Hồng rủ S. đi làm thuê tại thành phố Lai Châu, sau đó đưa S. đến mốc 68 khu vực biên giới thuộc xã Mù Sang bán cho một người đàn ông Trung Quốc được số tiền 5.000 NDT.
Tại địa bàn phường Quyết Tiến, trong năm 2021-2022 chưa ghi nhận vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tội buôn bán, lừa đảo, cưỡng ép phụ nữ ra nước ngoài trái pháp luật. Tuy nhiên, phường vẫn có trường hợp công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó 4 trường hợp đã về, hiện nay, 3 trường hợp đã có công ăn việc làm và không có ý định xuất cảnh trái phép.
Chúng tôi cùng cán bộ Công an phường Quyết Tiến, Hội LHPN phường Quyết Tiến thăm tổ dân phố số 12. Trước đây, trong tổ có 1 trường hợp tự ý xuất cảnh trái phép, sau khi trở về địa phương được gia đình, cán bộ công an, phụ nữ tuyên truyền nên đã từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Anh Lý Văn Dần - Tổ trưởng tổ dân phố số 12 chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương thường xuyên phối hợp với cảnh sát khu vực tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác trước mọi thủ đoạn của kẻ xấu. Nhờ đó, tình hình ANTT trên địa bàn ổn định, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới.
Nhận thấy hiệu quả tích cực của mô hình “3 không, 3 có”, Công an thành phố chỉ đạo công an các xã, phường tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm cùng cấp triển khai nhân rộng mô hình tại 7/7 xã, phường. Các đơn vị có liên quan thường xuyên nắm, quản lý số phụ nữ vắng mặt, số có nguy cơ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để kịp thời có biện pháp xử lý. Với những kết quả đạt được, mô hình “3 không, 3 có” đã được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Bộ Công an công nhận là 1 trong 24 mô hình tiêu biểu trên cả nước để các địa phương nghiên cứu, tham khảo vận dụng.

“3 không”: không kết hôn với người nước ngoài trái pháp luật; không xuất cảnh trái phép; không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
“3 có”: có kiến thức về văn hóa, pháp luật để nhận diện hoạt động lừa đảo của các đối tượng; có kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình và ý thức phát hiện tố giác tội phạm; có niềm tin với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...