Thứ năm, 28/03/2024, 20:14 [GMT+7]

Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thứ hai, 26/09/2022 - 20:25'
(BLC) - Ngày 26/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các ĐBQH trong đoàn; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh); đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan thuộc tỉnh, UBND huyện và cơ quan chuyên môn các huyện: Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn.

Luật Thanh tra (Sửa đổi) gồm có 8 chương, 117 điều. Tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu thảo luận tại tổ và hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị ĐBQH tại Hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, tham gia ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) các đại biểu khẳng định, Luật Thanh tra (sửa đổi) tương đối toàn diện, là bước luật hóa quy định của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Đồng thời tham gia ý kiến đề nghị xem xét bỏ một số cụm từ vì đây là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của cơ quan, đơn vị không phù hợp thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đề nghị bổ sung nhằm đảm bảo đầy đủ các thành phần, cơ quan thanh tra theo điều 9, khoản 1, chương II. Đề nghị thay từ “hủy bỏ” thành “bãi bỏ” cho phù hợp với hình thức xử lý văn bản được quy định tại điều 12 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Tại điều 73 quy định tham khảo ý kiến về dự thảo kết luật thanh tra cần quy định cụ thể số ngày là bao nhiêu (ví dụ không quá 3 ngày) đối với việc cơ quan có ý kiến trả lời kết luận thanh tra để rõ trách nhiệm các bên. Khoản 1, điều 102, bổ sung thành phần về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Một số nội dung cần viết lại gọn hơn cũng như bổ sung làm rõ hơn.

Trong Điều 113 quy chế độ chính sách đối với thanh tra viên đưa vào chương III, sau điều 41 sẽ logic, phù hợp hơn. Cần có quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thanh tra viên và bổ sung vào nội dung chế độ chính sách đối với thanh tra viên.

Một số từ trong khoản 2, điều 112 không phù hợp với chuyên ngành Thanh tra mà phù hợp với chuyên ngành Quân đội và mang tính khẩu hiệu. Cần chỉnh sửa cho phù hợp. Điều 9, quy định cơ quan thanh tra, các đại biểu cho rằng không thể bỏ mô hình tranh tra sở và thanh tra huyện.

Đại biểu tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (Sửa đổi).

Đại biểu tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (Sửa đổi).

Đối với chức năng nhiệm vụ của cơ quan thanh tra tỉnh, huyện, dự thảo có bổ sung chức năng quản lý và tiếp công dân. Tuy nhiên trong các điều khoản sửa đổi bổ sung các luật khác ko sửa đổi Luật Tiếp công dân năm 2013. Hiện nay, cơ quan tiếp công dân là UBND tỉnh, chứ không phải cơ quan thanh tra. Dự thảo Luật cũng không nên quy định về việc tham gia ý kiến và thẩm định kết luận thanh tra vì không phù hợp. Quy định thời gian thẩm định ngắn.

Đại biểu Sở Y tế nêu bất cập nếu Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) yêu cầu nhân sự thanh tra của ngành (căn cứ theo vị trí phải có chuyên môn luật, dược, y). Nếu căn cứ như vậy thì sẽ không đủ nhân sự tham gia vì từ trước tới nay, các đoàn thanh tra của ngành Y tế không có quy định rõ nào về vấn đề này.

Đối với đại biểu ngành Giáo dục - Đào tạo cho rằng, trong điều 40 của Dự thảo Luật, ngoài miễn nhiệm vị trí thanh tra viên đề nghị bổ sung miễn nhiệm thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp. Điều 113 quy định chế độ chính sách cho thanh tra viên đề nghị bổ sung thêm thành phần thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH khẳng định những ý kiến của đại biểu là hướng gợi mở để cơ quan soạn thảo Luật tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Các ý kiến của đại biểu sẽ là căn cứ để Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Luật cho sát với điều kiện thực tế.

Công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thời gian tới còn rất nhiều dự án luật phải trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi, do đó, mong muốn các đại biểu tiếp tục phối hợp đóng góp các ý kiến xác đáng để các dự thảo luật khi ban hành đảm bảo tính khả thi cao.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...