Thứ sáu, 19/04/2024, 06:46 [GMT+7]

Lai Châu tổ chức thành công nhiều phiên tòa trực tuyến

Thứ ba, 27/09/2022 - 09:12'
(BLC) - Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực khẳng định mình trước “việc mới”, “việc khó”, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Lai Châu đã tổ chức thành công nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến (XXTT). Đây là bước đi quan trọng hướng tới xây dựng mô hình Tòa án thông minh, Tòa án điện tử.

Nhiều ưu điểm 

Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhất là thời kỳ cao điểm bùng phát mạnh đã tác động tới nhiều lĩnh vực, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp để đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, số hóa và chuyển sang làm việc gián tiếp, trực tuyến đang là xu thế chung của mọi lĩnh vực...

Trước thực tế trên, ngày 12/11/2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến (PTTT). Ưu điểm rõ nhất mà PTTT mang lại là tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng (TGTT) tham gia vào phiên tòa khi ở xa, không tiện di chuyển, không thể có mặt trực tiếp tại phiên xét xử vì nhiều lý do khách quan. XXTT cũng giúp các tòa án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người TGTT.

Đảm bảo được việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển nhiều và giảm thiểu các chi phí, thời gian đi lại, tổ chức phiên tòa lưu động khi xét xử ở các địa phương. Việc ghi âm, ghi hình và phát sóng các chứng cứ, quá trình tố tụng tại phiên tòa XXTT cũng tạo điều kiện lưu trữ thông tin vụ án, phục vụ công tác nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Người dân quan tâm đến vụ án thì dễ dàng tiếp cận phiên xét xử, có thể theo dõi phiên tòa từ xa mà không bị giới hạn về số lượng và giảm thiểu các thủ tục, chi phí so với xử án thông thường.

Phiên tòa trực tuyến đầu tiên thành công 

Theo Nghị quyết số 33/2021/QH15, TAND được tổ chức PTTT để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng...

Phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại TAND tỉnh

Phiên tòa trực tuyến đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh vào sáng 24/6/2022.

Thực hiện theo đúng lộ trình Quốc hội đã đề ra, sáng 24/6/2022, TAND tỉnh thí điểm lựa chọn và tổ chức xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Giàng A Khu và đồng phạm bị TAND huyện Sìn Hồ xét xử về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 1, Điều 157, Bộ luật Hình sự, do có kháng cáo của các bị cáo và bị hại theo hình thức trực tuyến. Đây là PTTT đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh với điểm cầu trung tâm là Hội trường xét xử TAND tỉnh và điểm cầu thành phần tại TAND huyện Sìn Hồ (có mặt bị cáo và bị hại).

Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh chia sẻ: Lo lắng, trăn trở làm sao phiên tòa được diễn ra thuận lợi trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khí hậu và địa hình đặc thù của một tỉnh miền núi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đường truyền là bài toán đặt ra cho tập thể lãnh đạo TAND tỉnh. Thấu hiểu điều đó, đồng chí chủ tọa phiên tòa đã chủ động nghiên cứu kĩ hồ sơ, nắm bắt tâm lý tội phạm, lên kế hoạch xét hỏi chặt chẽ, dự kiến nhiều tình huống có thể phát sinh và đề ra các biện pháp xử lý. Nhân viên kỹ thuật thường trực để kiểm tra hệ thống thiết bị, kịp thời xử lý sự cố. Công tác phối hợp với điểm cầu thành phần và các cơ quan liên quan thực hiện rất tốt.

Lần đầu tổ chức với nhiều “cái mới” nhưng phiên tòa đã thành công, không phụ công người thực hiện: chủ tọa phiên tòa điều hành đảm bảo đúng trình tự tố tụng, đảm bảo quyền cho những người TGTT. Đường truyền ổn định, âm thanh và hình ảnh rõ nét; dù cách xa về địa lý, trình độ nhận thức của bị cáo và bị hại có phần hạn chế nhưng sự tương tác giữa bị cáo, bị hại và những người tiến hành tố tụng thông qua xét hỏi, tranh luận đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người TGTT. Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để chuẩn bị tốt cho các phiên tòa tiếp theo.

Không chùn bước trước “việc mới”, “việc khó”

Bị cáo tại Phiên tòa trực tuyến do Tòa án Nhân dân huyện Phong Thổ tổ chức.

Phiên tòa trực tuyến do Tòa án Nhân dân huyện Phong Thổ tổ chức với điểm cầu thành phần tại nhà tạm giữ (Công an huyện Phong Thổ).

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị tại TAND 2 cấp của tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa cho biết: Các điều kiện về diện tích, không gian phòng xử án; hệ thống phần mềm Vmeet (hệ thống truyền hình trực tuyến hội nghị của TAND) và đường truyền mạng Internet cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên toà XXTT. Tuy nhiên, hệ thống camera, âm thanh, thiết bị hình ảnh, máy tính… lại chưa được đầu tư đồng bộ.

Nhất là các toà án cấp huyện cơ bản chưa có màn hình tivi để hiển thị hình ảnh; camera và bộ giải mã dữ liệu, hệ thống âm thanh đã cũ hỏng, khi XXTT hầu hết phải mượn cơ sở vật chất. Ngoài ra, các điểm cầu thành phần như Trại tạm giam Công an tỉnh và nhà tạm giữ công an cấp huyện; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cũng chưa có phòng đặt điểm cầu và các thiết bị theo yêu cầu. Đây là thách thức, trở ngại không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Đứng trước “việc mới”, “việc khó” với nhiều luồng ý kiến khác nhau về tính khả thi khi triển khai thực hiện nhưng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND đã không chùn bước và quyết liệt chỉ đạo thực hiện cho bằng được. Theo đó, ngành chủ động liên hệ Trung tâm Viễn thông Lai Châu hỗ trợ nâng cấp đường truyền internet. Các đơn vị tận dụng hệ thống camera, tivi, máy tính, phần mềm Vmeet trong phòng họp trực tuyến để tổ chức XXTT.

Tại Trại tạm giam Công an tỉnh (điểm cầu dành cho bị cáo) thông qua Kế hoạch phối hợp liên ngành tố tụng cũng đã bố trí được 1 phòng xét xử cơ bản đảm bảo không gian và ánh sáng... Đối với nguồn nhân lực, chủ yếu sử dụng công chức công nghệ thông tin tại chỗ của đơn vị, vừa làm, vừa học hỏi, vừa hỗ trợ các điểm cầu.

Nhờ quyết tâm cao và những giải pháp linh hoạt, đến nay, TAND 2 cấp của tỉnh đã tổ chức 24 phiên tòa hình sự trực tuyến với điểm cầu trung tâm đặt tại tòa án xét xử vụ án và điểm cầu thành phần đặt tại cơ quan, tổ chức có liên quan. Đơn vị đang phấn đấu đến trước ngày 30/9 sẽ tổ chức đạt 27 PTTT.

Để tiếp tục tổ chức thành công PTTT, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, ngành Tòa án tỉnh xác định tập trung nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong xét xử cho người tiến hành tố tụng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan...

Được biết, giai đoạn tiếp theo, sau khi đánh giá, tổng kết thực tiễn, dựa trên những bài học, kinh nghiệm rút ra và hoàn thiện được hệ thống trang thiết bị tại các điểm cầu, ngoài các vụ án hình sự, TAND tỉnh sẽ tiến tới thực hiện XXTT các phiên tòa hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...