Thứ ba, 22/10/2024, 12:24 [GMT+7]

Nâng cao ý thức pháp luật của người dân

Thứ sáu, 20/09/2024 - 10:16'
Vừa qua Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Phong Thổ tổ chức Phiên tòa giả định tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tảo hôn tại xã Lản Nhì Thàng nhằm kéo giảm số vụ và góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Đây là cách làm mới, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh và quần chúng nhân dân.

Ông Đèo Văn Vĩnh - Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: “Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện còn nặng tư tưởng cho con lấy vợ, chồng sớm và sinh nhiều con hoặc sinh con trai để nối dõi, có người làm, do đó còn tồn tại vấn nạn tảo hôn. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương huyện Phong Thổ chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền PBGDPL tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kéo giảm tình trạng tảo hôn. Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện lần đầu tiên phối hợp với xã Lản Nhì Thàng tổ chức Phiên tòa giả định tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tảo hôn”.

Tình huống giả định do Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện xây dựng đó là bị cáo là một thanh niên dân tộc Mông 21 tuổi, thông qua mạng facebook yêu bạn gái 15 tuổi đang là học sinh và quan hệ tình dục với nhau. Bị cáo và nạn nhân đã được 2 bên gia đình tổ chức cưới hỏi theo phong tục địa phương nhưng chưa đăng ký kết hôn (do chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật). Sau khi lấy chồng, gia đình nhà chồng không cho đi học, cô gái phải ở nhà làm ruộng, nương. Khi nắm được thông tin, nhà trường - nơi nạn nhân đang theo học đã làm đơn tố giác nam thanh niên có hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi gửi đến Công an xã.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho bị cáo và nạn nhân bị chính quyền địa phương nơi cư trú xử phạt vi phạm hành chính. Thông qua phiên tòa giả định vừa có tác dụng giáo dục đối với bị cáo, vừa có tác dụng phòng ngừa chung.

Các đơn vị chức năng phối hợp với xã Lản Nhì Thàng tổ chức Phiên tòa giả định.

Để đảm bảo nội dung dễ hiểu, sát thực tế và dễ nhớ cho người xem, trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã khai thác, phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, giúp bị cáo hiểu rõ hơn hậu quả do mình gây ra. Đồng thời, trong quá trình xét xử lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh để không chỉ bị cáo mà còn giúp người xem hiểu rõ về các quy định của pháp luật về tảo hôn, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, những hệ lụy của tảo hôn.
Phiên tòa giả định đã thu hút sự tham dự của hàng trăm học sinh, người dân trên địa bàn xã. Em Vàng Thị Sang (lớp 8A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lản Nhì Thàng) chia sẻ: “Nếu như trước đây em chỉ được tuyên truyền qua sách, báo, các video nói về hệ lụy của tảo hôn, vận động không được tảo hôn thì nay qua phiên tòa giả định đã hiểu rõ hơn đây còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tù. Vì vậy, em sẽ cố gắng học tập, không kết hôn khi chưa đủ tuổi, chưa có khả năng tạo ra kinh tế nuôi bản thân. Đồng thời, tích cực tuyên truyền bạn bè, người thân không cho con, em kết hôn khi chưa đủ tuổi”.
Theo anh Mùa A Ly ở bản Cung Mù Phìn (xã Lản Nhì Thàng), bây giờ ở bản vẫn còn một số gia đình cho con lấy chồng/vợ sớm. Chính những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi cũng chưa hiểu hết những hệ lụy mà tảo hôn mang lại mà chỉ đơn thuần nghĩ con lớn rồi thì dựng vợ, gả chồng để có người san sẻ việc đồng áng. Cũng chưa ai bị phạt tù vì tảo hôn nên nhiều người vẫn xem nhẹ. Sau khi được dự Phiên tòa giả định tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tảo hôn tôi nắm rõ những hành vi bị cấm trong bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có tảo hôn. Tôi sẽ không cho con mình kết hôn sớm”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Dù là phiên tòa giả định nhưng các đơn vị phối hợp tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các thành phần. Tất cả những tình tiết trong phiên tòa giả định được Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện lựa chọn xây dựng gần gũi, sát với thực tế và liên quan đến học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua phiên tòa, huyện muốn truyền tải thông điệp về hành vi vi phạm pháp luật, hình thức xử lý đối với hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn. Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu tổ chức thêm nhiều phiên tòa giả định tại các địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện đúng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Qua đó, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện”.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần tăng cường nguồn lực sắp xếp ổn định dân cư
Huyện Mường Tè còn nhiều hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở đất. Việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng nguy cơ thiên tai giúp người dân có cuộc sống ổn định đã được các cấp...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...