Thứ bảy, 20/04/2024, 18:52 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ ba, 30/06/2020 - 18:14'
(BLC) - Với mục tiêu phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người (TPMBN), những năm qua, lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống TPMBN, bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng.

Tội phạm diễn biến phức tạp

Tính từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh điều tra làm rõ 22 vụ án mua bán người, 31 đối tượng, 34 nạn nhân; đã giải cứu, trở về 31 nạn nhân. Song đó chỉ là con số bề nổi, bởi qua theo dõi hàng năm của lực lượng chức năng, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có rất nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích tìm kiếm việc làm, lao động thời vụ, lấy chồng… Hiện nay, vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa bàn không rõ lý do, trong đó có nhiều trường hợp vắng mặt lâu ngày nghi đi Trung Quốc lấy chồng, đi làm thuê và có cả những trường hợp nghi bị mua bán. Đối với những trường hợp này, công tác xác minh hết sức khó khăn, do vậy tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố, diễn biến phức tạp, tính chất ẩn của tội phạm vẫn rất cao.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống TPMBN tới cán bộ, người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu).

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống TPMBN tới cán bộ, người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu).

Trung tá Vũ Tiến Văn - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự cho biết, các đối tượng gây án chủ yếu là người dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… từng sinh sống, làm ăn tại Trung Quốc. Khi đã móc nối được với người Trung Quốc, các đối tượng trên lừa những phụ nữ, trẻ em cũng là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, éo le bất hạnh hoặc học sinh nội trú xa gia đình bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch để kết hôn bất hợp pháp hoặc làm gái mại dâm với giá từ khoảng 10 triệu đến 180 triệu đồng/người. Thậm chí có trường hợp người bán chính là người thân trong gia đình như chị lừa bán em, bác lừa bán cháu, mẹ bán con.

Các thủ đoạn chủ yếu vẫn là lợi dụng mạng xã hội (zalo, facebook), sim rác đưa nhiều thông tin giả về bản thân để làm quen, lừa bán nạn nhân. Đối tượng thường không trực tiếp xuất hiện, nếu có xuất hiện cũng rất ít, mà thường liên hệ qua điện thoại, rồi thuê người lái xe tacxi, xe ôm chở đến địa điểm giáp biên giới, thuận lợi thì mới xuất hiện rồi đưa ngay nạn nhân sang Trung Quốc bán. Nếu trên đường đi bị phát hiện thì đối tượng chính tẩu thoát, trốn sang Trung Quốc, đối tượng được thuê khai không biết việc mua bán, nên gây rất nhiều khó khăn cho việc điều tra, xử lý.

Một điểm đáng chú ý đối với các thủ đoạn của TPMBN trên địa bàn tỉnh ta là xuất hiện các trường hợp giả danh Công an, Bộ đội biên phòng làm quen, tán tỉnh rồi lừa bán chị em phụ nữ...

Tuyên truyền sâu rộng

Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân có vai trò quan trọng, chính vì vậy, những năm qua, công tác tuyên truyền về phòng, chống TPMBN được lực lượng Cảnh sát hình sự duy trì thường xuyên, có nề nếp và không ngừng được nâng cao chất lượng, góp phần đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn mua bán người trên địa bàn.

Theo đó, Phòng Cảnh sát Hình sự đã trực tiếp tổ chức, phối hợp với các ban, ngành chức năng trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Luật Hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em và những âm mưu, phương thức hoạt động của TPMBN, xâm hại trẻ em... với  185 lượt bằng 35,837 người tham gia. Qua đó, không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng cùng cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự tham dự buổi tuyên truyền về phòng, chống TPMBN tới cán bộ, người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu). Không chỉ giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống TPMBN; các anh còn chỉ rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Những biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng xử trong các trường hợp nghi ngờ về việc mua bán người. Đặc biệt, Phòng lựa chọn cán bộ là người địa phương, thông thạo tiếng bản địa (tiếng Mông) tuyên truyền thông qua những câu chuyện mua bán người có thật, đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Giúp cho bà con hiểu rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của loại TPMBN, nâng cao kỹ năng cũng như ý thức trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống TPMBN.

Đồng chí Giàng Thị Ca - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sùng Phài cho biết, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu kiến thức, trình độ văn hóa chưa đồng đều… là những nguy cơ tiềm ẩn dễ để bọn tội phạm lừa đảo, dụ dỗ nhiều chị em. Với một xã miền núi còn gặp không ít khó khăn như Sùng Phài, thì việc nâng cao nhận thức cho chị em trong việc bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình là hết sức thiết thực”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Sùng Phài có 13 bản, 4.340 nhân khẩu, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Năm 2019, trên địa bàn xã vẫn còn một số trường hợp là nạn nhân của tội pham mua bán người. Xác định, tội phạm mua bán người không chỉ xâm hại đến sức khỏe, danh dự, tính mạng và nhân phẩm con người, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Chính vì vậy hàng năm, được sự phối kết hợp chặt chẽ của cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của người dân cũng như ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nạn mua bán người.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Hình sự cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan tố tụng tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn và tổ chức các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục; ngăn chặn, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật. Hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; ưu tiên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em…

Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh ta có đường biên giới dài, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của Nhân dân vùng biên còn thấp, đời sống kinh tế hạn chế, một số quần chúng ý thức cảnh giác chưa cao. Sự bất đồng về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán khác nhau; hoạt động của các đối tượng lại quá tinh vi, xảo quyệt, coi con người như một món hàng hóa để mua bán kiếm lời bất chính, nên đã cấu kết với các đối tượng là người nước ngoài để gây án… Đây là những trở ngại rất lớn đối với các cơ quan chức năng trong quá trình đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống TPMBN, với vai trò là lực lượng chủ công, thời gian tới, Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPMBN. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Chú trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, hạn chế không để các vụ mua bán người tiếp tục xảy ra, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi có vụ án xảy ra thì chỉ đạo tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ, giải cứu nạn nhân, bắt giữ đối tượng đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật...

Theo nhận định của cơ quan Công an, hoạt động của loại tội phạm này còn nhiều diễn biến phức tạp, đa dạng, hoạt động có đường dây, ổ nhóm, khép kín với tính chất và quy mô hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bình Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...