Thứ sáu, 19/04/2024, 14:36 [GMT+7]
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

Phấn đấu sớm bàn giao mặt bằng thi công

Thứ tư, 27/04/2022 - 08:43'
Tân Uyên là một trong 4 địa phương thuộc diện ảnh hưởng của Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, rút ngắn khoảng cách vùng miền; là yếu tố góp phần quyết định phát triển kinh tế, xã hội địa phương, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong thời gian sớm nhất.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên. Tổng chiều dài bị ảnh hưởng là 36,6km gồm 3 gói thầu xây lắp số 4, 5, 6. Có 1.190 hộ bị ảnh hưởng, trong đó dự kiến có 25 hộ phải tái định cư. Đối với gói thầu xây lắp số 4 có tổng chiều dài 6,4km thuộc địa bàn xã Pắc Ta, số hộ tái định cư lớn nhất là 11 hộ. Xã Phúc Khoa có tổng số hộ bị ảnh hưởng lớn nhất là 350 hộ nhưng số hộ phải di chuyển nhà (tái định cư) ít nhất với 7 hộ.

Cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Tân Uyên đối chiếu bản đồ với thực địa tại diện tích đất của gia đình anh Hà Văn Hôn (bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng).

Theo ông Phạm Ngọc Đoàn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Tân Uyên, theo tiến độ mới nhất, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ khối lượng đo đạc, kiểm đếm và tổ chức họp thông báo thu hồi đất tại 2 bản Phiêng Phát, Phiêng Phát 1 (xã Trung Đồng) của gói thầu xây lắp số 5. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Tại bản Phiêng Phát, chúng tôi có cuộc trò chuyện với gia đình anh Hà Văn Hôn. Để đáp ứng yêu cầu của dự án, gia đình anh có hơn 100m đất ruộng và gần 3m đất vườn chạy dọc tuyến quốc lộ 32 bị ảnh hưởng. Dù đất ruộng ở vị trí thuận lợi bị thu hẹp, song vợ chồng anh luôn ủng hộ. “Dự án tiến hành thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi sẽ có đường to, đẹp để đi. Đường về thủ đô sẽ được rút ngắn lại, thông thương thuận lợi. Do đó, khi được cán bộ đến họp, tuyên truyền, vận động, gia đình tôi sẵn sàng hợp tác và mong muốn tiến độ tuyến đường được đẩy nhanh” - anh Hôn chia sẻ.

Tính đến nay, với gói thầu xây lắp số 4 đi ngang qua địa bàn xã Pắc Ta, huyện đã tiến hành đo đạc quy chủ, xác minh diện tích, mục đích sử dụng đất cần thu hồi. Hoàn thiện xong hồ sơ giải phóng mặt bằng; phê duyệt phương án bồi thường cho 3 hộ gia đình và đang tổng hợp các nội dung thông tin liên quan đến công tác thu hồi đất. Cơ quan chuyên môn cũng tiến hành niêm yết và thông qua dự thảo phương án hỗ trợ, bồi thường tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên diện tích đất bị thu hồi. Với gói thầu xây lắp số 6, thực hiện xong đo đạc quy chủ xác minh diện tích, mục đích sử dụng đất cần thu hồi và phê duyệt bản đồ, họp thông báo thu hồi đất đến các hộ bị ảnh hưởng. Tiến hành kiểm tra, kiểm đếm giải phóng mặt bằng cho các gia đình có đất, tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất bị ảnh hưởng thuộc dự án đang tiến hành áp giá tài sản, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng phương án bồi thường. Hoàn thiện hồ sơ, chốt khối lượng với các hộ gia đình thuộc gói thầu trên địa bàn xã Phúc Khoa.

Là cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ông Lê Thanh Tuấn liên tục di chuyển giữa địa bàn các huyện. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết, chính quyền địa phương cũng như tổ công tác của huyện trao đổi thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc. Mục tiêu đặt ra đối với gói thầu số 6 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành ký hợp đồng để tiến hành thi công vào đầu tháng 5. Còn lại gói thầu số 4 cũng sẽ thực hiện ký hợp đồng vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6. Nếu xét tổng dự án, đến nay đã hoàn thành 70%. Do đây là dự án mang tính đặc thù; khắt khe trong thủ tục hồ sơ và áp lực về tiến độ nên các đơn vị đồng thực hiện phải thực sự quyết tâm và đặt ra mục tiêu cao nhất.

Anh Phạm Ngọc Đoàn chia sẻ thêm, dự án luôn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù; tuy nhiên, việc di dời các công trình công cộng đang là vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay. Theo kết quả rà soát di dời các công trình giải phóng mặt bằng của UBND huyện, khối lượng đường điện cần di dời gồm 5 trạm biến áp; gần 6.000m đường dây 35kV, trên 10.000m đường dây 0,4kV và gần 4.000m đường dây cáp quang đi trên cột trung thế. Ngoài ra còn có gần 90.000m tuyến cáp đi trên cột và cáp ngầm; các tuyến đường nước, đường điện chiếu sáng. Để chuẩn bị cho việc thực hiện di dời, đến nay huyện đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. UBND huyện phê duyệt tổng mức kinh phí để thực hiện gần 76 tỷ đồng. Đến giữa tháng 4, huyện đã giải ngân số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cho đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng dự án.

Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần khẩn trương, mong rằng Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khu vực huyện Tân Uyên sẽ sớm được bàn giao mặt bằng đưa vào thi công, đáp ứng mong mỏi của người dân trên địa bàn.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...