Thứ sáu, 29/03/2024, 22:01 [GMT+7]

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Chủ nhật, 07/02/2021 - 15:48'
(BLC) - Nâng cao ý thức, trách nhiệm, từng bước hình thành thói quen tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn, huyện Sìn Hồ tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều hình thức.

Một ngày cuối tháng 1, chúng tôi tới Pa Khóa – xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Bên chén chè nóng, anh Dương Văn Bình - Cán bộ tư pháp xã cho chúng tôi biết: “Xã có 5 bản, 447 hộ với 2.379 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc: Thái, Dao, Mông, Kinh, Mường cùng sinh sống. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, một bộ phận Nhân dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, chưa có nghị lực vươn lên thoát nghèo. Do đó, bà con dễ bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Trước tình hình đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua họp bản, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể. Nội dung tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các Luật: Tín ngưỡng, tôn giáo, Hộ tịch, Giao thông đường bộ… Ngoài ra, vận động bà con tìm hiểu pháp luật, những nghị định, quy định mới của Đảng, Nhà nước qua sách, báo tại tủ sách pháp luật ở UBND xã; dán tờ rơi tuyên truyền tại điểm tập trung đông người. Năm 2020, xã tổ chức tuyên truyền 14 buổi với 874 người tham gia. Đến nay, 5/5 bản ký cam kết không vi phạm pháp luật. Ý thức, nhận thức của Nhân dân từng bước nâng lên, ANTT trên địa bàn được giữ vững.

Anh Lò Văn Sươi ở bản Hua Ná (xã Pa Khóa) chia sẻ: Cán bộ xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các luật, quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật. Vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, an cư để lạc nghiệp. Nâng cao hiểu biết, tôi thường tới UBND xã mượn sách về nông nghiệp, pháp luật về nghiên cứu, học tập”.

Sìn Hồ là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 20%), đời sống Nhân dân khó khăn, trình độ hạn chế, điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin hạn hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nông thôn. Ông Phan Ngọc Tài – Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: “Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn, Phòng chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền như: trực tiếp qua hội nghị, tọa đàm, họp chi bộ, cơ quan, đơn vị, bản, khu dân cư; biên tập và phát hành tài liệu; tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật. Phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng như: Trang thông tin điện tử huyện; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình và hoạt động văn hóa, nghệ thuật… Với trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số; địa bàn rộng với 22 xã, thị trấn, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, trong xã, bản đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL bằng tiếng dân tộc đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, bám sát tình hình thực tế nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nhất là chú trọng đối tượng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù...”.

s

Cán bộ xã Pa Khóa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân bản Phi Hồ.

Được biết, nội dung được tuyên truyền tập trung vào: các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua; Luật: Phòng, chống tham nhũng; Phòng, chống ma túy; Nghĩa vụ quân sự; Lâm nghiệp; Biên giới quốc gia; Trách nhiệm bồi thường của nhà nước... và các quy định liên quan trực tiếp đến Nhân dân như: hình sự, dân sự, đất đai, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tôn giáo, cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vận động người dân không xuất, nhập cảnh trái phép.

Hiện, toàn huyện có trên 40 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, khoảng 200 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 900 hòa giải viên. Xác định đây là lực lượng nòng cốt, bởi trực tiếp ở cơ sở, đưa pháp luật đến với Nhân dân, Phòng Tư pháp huyện chú trọng nâng cao kỹ năng, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở thông qua tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cử tham gia hội thi về pháp luật. Phối hợp với các đơn vị trường học lồng ghép vào một số môn học, hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, PBGDPL, hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường. Công an huyện triển khai và duy trì mô hình “An toàn trường học”; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông các trường học trên địa bàn.

Năm 2020, Phòng Tư pháp huyện đã tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp 2.631 cuộc với 176.321 lượt người tham gia; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện phát sóng 110 tin, bài về PBGDPL và duy trì phát sóng 48 chuyên mục "Phổ biến kiến thức pháp luật" với tổng thời lượng 6 giờ 30 phút. Củng cố 22 tủ sách pháp luật cấp xã; có 3.951 lượt độc giả tìm đọc, nghiên cứu. 22 xã, thị trấn có tổ hòa giải cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên trực tiếp tham gia hòa giải thành công 203/234 vụ việc. Qua tuyên truyền, PBGDPL, các quy định, luật sớm đi vào cuộc sống, Nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ANTT trên địa bàn được giữ vững.

Minh Khôi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...